Bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lợi nhuận của đa số ngân hàng trong năm 2020 vẫn là "điểm sáng". Ðây cũng chính là nền tảng để các tổ chức tín dụng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong năm 2021.
Thu từ dịch vụ và bảo hiểm tăng cao, đã giúp cho lợi nhuận TPBank vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Mặc dù thời điểm này mới chỉ có 2 ngân hàng “tiết lộ” kết quả kinh doanh năm 2020 là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Nhưng theo tìm hiểu thì hầu hết lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng đều tăng trưởng tốt, thậm chí là vượt kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận vượt mục tiêu
Năm 2020 đã khép lại với tác động của đại dịch Covid -19 hằn rõ trên hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt ở chính sách tiền tệ và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Dẫu vậy, bản thân hệ thống cũng không lùi bước trước thử thách lớn này, thể hiện qua năng lực tài chính và kết quả kinh doanh nhìn chung tiếp tục được củng cố qua những con số lần lượt công bố và cập nhật gần nhất.
Ngay trong ngày đầu năm mới, TPBank cho biết, kết thúc năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ cũng có mức tăng trưởng tốt, khá cao so với toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 của TPBank vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra.
MSB vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2020 với tổng tài sản tăng 13% so với 2019, đạt mức trên 178 nghìn tỷ; tổng thu nhập thuần đã tăng gần 52% so với năm 2019 lên mức 7.013 tỷ đồng, trong đó, thu nhập lãi ròng ghi nhận kết quả 4.705 tỷ, (tăng 57% so với năm trước).
MSB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2020, nhưng đã tiết lộ lợi nhuận 11 tháng của năm cũng hết sức ấn tượng.
Tại ACB tính đến ngày 30/11/2020, ACB có tổng tài sản gần 428 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8.723 tỷ, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm. Huy động vốn đạt 343 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 11,5%.
Tương tự, ABBank, trước thềm đưa cổ phiếu lên UPCoM, ngân hàng cho biết tính đến hết ngày 30/11/2020, ABBank đã đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm. Tính đến cuối tháng 11, tổng tài sản ABBank đạt 92.337 tỷ đồng; Huy động từ khách hàng đạt 72.013 tỷ đồng.
Ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank cho biết, với số liệu sơ bộ cập nhật vào cuối tháng 11, trong năm nay ngân hàng sẽ vượt xa các chỉ tiêu kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông thông qua và đang sẵn sàng bắt nhịp khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi.
Động lực tăng trưởng đến từ đâu?
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020 dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thế nhưng ngành ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả “sáng” bất chấp tăng trưởng tín dụng giảm.
Động lực giúp nhiều ngân hàng vượt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, bán chéo bảo hiểm hoặc tập trung vào các lĩnh vực tín dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như mua nhà, mua xe... cũng được các ngân hàng chú trọng để ''cứu'' lợi nhuận.
Lãnh đạo TPBank chia sẻ, mặc dù biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm đáng kể do ngân hàng đã chủ động giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu và hạ lãi suất cho vay mới, nhưng nhờ dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng tích cực và thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu từ dịch vụ và bảo hiểm tăng cao, đã giúp cho tổng doanh thu vẫn tăng trưởng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, đạt được kết quả cao trong năm 2020 là nhờ tổng thu nhập ngoài lãi của ngân hàng cũng tăng đến 42%/năm, đóng góp hơn 2.300 tỷ cho tổng thu nhập thuần. Đặc biệt, thu thuần về hoạt động dịch vụ tăng đến 50%.
Nhận định về bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 của ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, năm 2020, các ngân hàng thương mại chịu nhiều áp lực hơn từ cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ khách hàng giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, với việc kiểm soát được dịch bệnh và kinh tế hồi phục, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã có những dấu hiệu khả quan nhờ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vẫn tăng trưởng tốt.
Công ty Chứng khoán SSI dự báo, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 so với năm 2019 của ngân hàng thương mại cổ phần tăng 3,3%, trong khi ngân hàng có vốn Nhà nước được giảm 15,9% do cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.
Còn Fiin Group dự đoán lợi nhuận sau thuế của 21 ngân hàng niêm yết sẽ tăng 10,2% so với năm 2019, vẫn là mức khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm so với năm trước.
Cũng đưa ra nhận định về tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đến từ mảng dịch vụ, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong năm 2020 dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của khách hàng. Ngân hàng đã ứng biến kịp thời bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa nhiều dịch mới đi vào thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh của các nhà băng.
Điển hình như Vietcombank ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank; BIDV phát động Chiến dịch chuyển đổi số; VietinBank triển khai ứng dụng VietinBank iPay Mobile 5.1...
Với những gì đã diễn ra trong năm 2020, người ta tin rằng, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2020 dường như sẽ tiếp tục sẽ diễn ra trong năm 2021, dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn do đại dịch vẫn chưa tới hồi kết.