SCIC bán trọn lô cổ phiếu Vocarimex với giá 1.255,6 tỷ đồng, tương đương 28.400 đồng/cp.
Vinachem bán khớp lệnh cổ phiếu DGC trên sàn với giá khởi điểm 152.100 đồng/cp.
Vinachem cũng đã ký hợp đồng tư vấn bán vốn nhiều doanh nghiệp như LAS, HVT.
SCIC liên tiếp công bố thoái vốn 3 doanh nghiệp, Vinachem bán vốn DGC
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo triển khai bán đấu giá cả lô hơn 44,2 triệu cổ phiếu Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM:
VOC), giá khởi điểm 1.255,6 tỷ đồng, tương đương với 28.400 đồng/cp. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào 14h30 ngày 8/11.
Cuối năm trước SCIC tiến hành thoái vốn Vocarimex và suýt thành công khi có 2 nhà đầu tư tham gia là Tập đoàn Kido (HoSE:
KDC) và cá nhân Trần Hoàng Nam. Tuy nhiên, phiên đấu giá bị hoãn vào phút cuối do vướng Nghị định 140/2020/NĐ-CP.
Cùng với đó, tổng công ty triển khai bán trọn lô 1,3 triệu cổ phiếu Kỹ nghệ Thực phẩm Á Châu, tương đương 79,2% vốn với giá 28 tỷ đồng; bán trọn lô gần 3,2 triệu cổ phiếu Công ty Bến xe Kon Tum với giá khởi điểm 37,2 tỷ đồng, chiếm 97% vốn.
SCIC liên tiếp công bố thoái vốn 3 doanh nghiệp.
Vinachem mới đây thông báo bán toàn bộ 15,1 triệu cổ phiếu
DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE:
DGC) theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Thời điểm bán trong quý IV/2021 và quý I/2022. Giá khởi điểm 152.100 đồng/cp, Vinachem có thể thu về 2.296 tỷ đồng.
Thoái vốn trở thành động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán cuối năm?
Hoạt động thoái vốn gần như bị đóng băng kể từ đầu năm tới nay bất chấp thị trường chứng khoán thăng hoa, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp lập đỉnh. Theo số liệu của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm, cơ quan quản lý đã bán vốn nhà nước tại 13 tập đoàn, tổng công ty với giá trị sổ sách 287 tỷ đồng, thu về 2.166 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại hội thảo diễn ra cuối tháng 6 từng bày tỏ quan điểm thị trường chứng khoán diễn biến tích cực là thời điểm thích hợp cho hoạt động thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa.
Thực tế là cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đã tăng rất mạnh thời gian qua. Như cổ phiếu
DGC hiện giao dịch vùng giá 160.000 đồng/cp, gấp 4,5 lần trong vòng 1 năm. Mức giá này đang cao hơn giá khởi điểm mà Vinachem chào bán. Cổ phiếu
VOC chốt phiên ngày 21/10 ở mức giá 31.900 đồng/cp, tăng 60% trong vòng 1 năm qua và cũng cao hơn giá khởi điểm SCIC chào bán.
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC chia sẻ việc phải chờ văn bản hướng dẫn Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ban hành 30/11/2020 khiến hoạt động thoái vốn của SCIC đứng lại từ đầu năm. Cụ thể, có 2 nội dung thuộc Nghị định phải hướng dẫn thi hành là việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử của doanh nghiệp và quy chế bán đấu giá mẫu.
Nút thắt này đã được gỡ khi cuối tháng 6, Thủ tướng ban hành thông tư 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định 91/2015, Nghị định 32/2018, Nghị định 121/2020 và Nghị định 140/2020. Thông tư 36/2021 có hiệu lực từ 10/7/2021 hướng dẫn nhiều quy định tại Nghị định 140, trong đó điều quan trọng nhất là hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp theo giá trị văn hóa, lịch sử.
Với động thái của các tổng công ty, tập đoàn thì nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào làn sóng thoái vốn nhà nước mang đến chất xúc tác mới cho thị trường chứng khoán trong quý cuối năm.
Danh sách thoái vốn nhà nước năm nay của SCIC rất nhiều cái tên quen thuộc như Sabeco (HoSE:
SAB), Bảo Minh (HoSE:
BMI), Vinatex (UPCoM:
VGT), Nhựa Tiền Phong (HNX:
NTP)…
Bên cạnh đó, Vinachem cho biết đã ký đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn để thực hiện chuyển nhượng vốn tại 3 doanh nghiệp khác trong những tháng cuối năm nay tại Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX:
LAS), Hóa chất Việt Trì (HNX:
HVT), Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất.
Vào cuối tháng 9, Viettel đã bán thành công gần 40% vốn Công ty Vĩnh Sơn – Chủ đầu tư dự án Rose Valley sau 4 lần rao bán, thu về 922,5 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực cho hoạt động thoái vốn.