Giai đoạn 2021-2023, BIDV lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2% và phát hành 8,5% vốn cho khối ngoại.
BIDV đối mặt rủi ro nợ xấu, thu hẹp NIM và quá trình tăng vốn chậm lại.
Ngân hàng đã tất toán trái phiếu VAMC và dự kiến hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2021.
CTCK Vietcombank (VCBS) có báo cáo cập nhật về BIDV (HoSE:
BID) đề cập lợi nhuận có thể tăng trưởng nhờ chất lượng tài sản ngày càng cải thiện. Hiện BIDV đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và dự kiến hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2021. Do đã trích lập phần lớn nợ xấu tồn đọng, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2021 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể giúp lợi nhuận đi lên.
Tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2021 khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt và trọng tâm dần chuyển dịch sang phân khúc bán lẻ. BIDV vừa nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng mới là 9,5%. VCBS kỳ vọng tốc độ tăng tín dụng có thể được cải thiện trong quý IV khi dịch bệnh được kiểm soát tốt với nhu cầu tín dụng tăng cũng như lực đẩy từ việc tăng vốn. Đồng thời, BIDV cũng cơ cấu lại danh mục tập trung tăng tỷ trọng phân phúc bán lẻ và doanh nghiệp SME nhằm cải thiện mức lãi suất cho vay cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập của BIDV ở mức thấp của ngành nhờ sự hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược, cùng với việc ứng dụng công nghệ mới và các giải pháp số hóa vào hoạt động (như Ứng dụng Smartbanking, hệ thống nộp và rút tiền tự động CRM,...).
Giai đoạn 2021-2023, ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2% đang xin ý kiến chấp thuận của Chính phủ, trong khi đó kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài với tỷ lệ 8,5% đang tiếp tục trong giai đoạn đàm phán. Lộ trình tăng vốn của BIDV có thể lùi lại một năm so với dự kiến.
Theo đó, NHNN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 65% vào cuối năm 2023. Như vậy, trong 2 năm tới, tỷ lệ cổ phần còn lại cho cổ đông ngoại còn hơn 15%. Đây là mức hấp dẫn để thu hút các quỹ ngoại hoặc một đối tác chiến lược tiềm năng khác.
VCBS cũng đề cập một số rủi ro với BIDV bao gồm rủi ro nợ xấu. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp diễn kéo dài, nợ xấu và nợ tái cơ cấu có thể tăng nhanh và ngân hàng sẽ phải đối mặt với một giai đoạn trích lập dự phòng ở mức cao kéo dài hơn so với kế hoạch hiện tại.
CTCK cũng đề cập rủi ro biên lãi ròng NIM thu hẹp. Các NHTM nhà nước chịu nhiều áp lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng hơn các NHTM tư nhân. Từ tháng 7,
BID đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, với tổng doanh thu hỗ trợ khách hàng là 7.100 tỷ đồng cho cả năm. Với tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) xoay quanh mức 86-87%, sắp tới
BID có thể phải chịu rủi ro về chi phí vốn khi tăng huy động để đảm bảo tỷ lệ LDR đáp ứng quy định. Lãi suất cho vay tiếp tục giảm và lãi suất huy động khó giảm thêm có thể khiến cho biên lãi ròng của BIDV thu hẹp làm giảm tốc độ tăng trưởng trong các quý tiếp theo.
Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ đứng trước rủi ro trì hoãn trong việc tăng vốn. Nếu điều kiện thị trường không thuận lợi do dịch Covid, kế hoạch tăng vốn có thể tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng tín dụng cho các năm tới.