Cuối cùng thì một phần nguyên do giá cổ phiếu CMS liên tục phi mã đã được gợi mở…
Theo thông báo của Công ty CMVietnam (mã chứng khoán
CMS, sàn HNX), từ ngày 29/11, ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, người vừa trở thành thành viên HĐQT tạm thời của CMVietnam, sẽ thực hiện mua vào cổ phiếu
CMS để gia tăng sở hữu.
Cụ thể, số cổ phần ký mua là 3.708.800 cổ phần (tương ứng với tỷ lệ 21,56%), cộng với số cổ phần nắm giữ trước khi đăng ký mua 574.000 cổ phần (tương ứng với tỷ lệ 3,34%), dự kiến nếu giao dịch thành công tổng sở hữu của ông Hưởng sẽ lên tới 24,9%. Loại giao dịch là lệnh thị trường trên sàn HNX.
Như vậy, với diễn biến mới, ông Nguyễn Đức Hưởng không chỉ có mặt trong cơ cấu HĐQT CMVietnam, mà còn sở hữu và chính thức công bố tăng tỷ lệ sở hữu tại đây. Theo đó, một phần nguyên do giá cổ phiếu
CMS liên tục tăng phi mã trong khoảng một tháng qua đã được gợi mở.
Trên thị trường chứng khoán một tháng trở lại đây,
CMS tạo hiện tượng đột biến, trở thành một trong những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên cả ba sàn. Từ hơn 4.000 đồng/CP, giá
CMS đến cuối tuần qua đã lên tới 25.700 đồng/CP, tức gấp hơn 6 lần.
Trước khi những chuyển động trên được công bố, giá cổ phiếu
CMS tạo một quãng đột biến bất thường. Trước hết, với tổng khối lượng niêm yết chỉ 17,2 triệu cổ phiếu, trong đó hơn 60% “cố định” trong tỷ lệ sở hữu của các lãnh đạo chủ chốt, lượng trôi nổi và giao dịch trên sàn rất hạn chế.
Trong khoảng thời gian trên, sức cầu tại cổ phiếu này đột biến và quy mô giao dịch xuất hiện nhiều phiên đạt quanh 1 triệu đơn vị/phiên - quy mô chưa từng có trong lịch sử niêm yết của
CMS. Trong khi đó, như trên, với lượng niêm yết và trôi nổi hạn chế, cầu át cung, giá tăng là một khía cạnh.
Một tuần qua, điểm được chú ý hơn, sự xuất hiện của ông Nguyễn Đức Hưởng tạo thay đổi cơ cấu HĐQT CMVietnam. Điều này gắn với câu chuyện riêng của doanh nghiệp, góp phần lý giải hiện tượng bất thường trên trở nên… bình thường hơn.
Cuộc giải cứu lịch sử hơn 200 công nhân mắc kẹt tại Ghi-nê Xíc Đạo hồi tháng 7/2020. Với biến cố này, CMVietnam trở thành một "nạn nhân" điển hình của đại dịch - Ảnh: Tuoitre
BƯỚC NGOẶT TẠO XOAY CHUYỂN TẠI CMVIETNAM?
Sự bất thường tại giá cổ phiếu
CMS vừa qua gắn với thực trạng doanh nghiệp đang có kết quả kinh doanh lỗ từ năm 2018, trở lại có lãi trong năm 2019 nhưng rồi lỗ từ năm 2020 cho đến kỳ báo cáo gần nhất là tháng 9/2021.
Trong đó, năm 2020 công ty này gặp khó khăn bất thường và bất khả kháng, cũng là một “nạn nhân” điển hình của đại dịch COVID-19.
Giữa năm 2020, câu chuyện và tình huống tại CMVietnam đã vượt khỏi khuôn khổ của một doanh nghiệp quy mô còn nhỏ, lên tầm quốc gia gắn với cuộc khủng hoảng của đại dịch. Gần 200 công nhân của công ty, với nhiều người bị nhiễm COVID-19, mắc kẹt tại dự án Thủy điện Sendje ở Ghi-nê Xíc Đạo. Cuộc giải cứu cân não và lịch sử kéo dài, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của nhiều bộ ngành diễn ra trong năm 2020 trở thành tiêu điểm trên nhiều mặt báo trong và ngoài nước…
Với CMVietnam, biến cố trên càng đè nặng lên những khó khăn và lý giải thêm cho mức lỗ lên tới 14 tỷ đồng trong năm qua, mà cho đến nay đang phải tập trung xử lý để có thể trở lại có lãi vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Đức Hưởng: “Trong kinh doanh và cuộc sống, nếu chỉ đi bằng một chân khó mà trụ vững.
Muốn phát triển, phải đi bằng hai chân, tạo thế kiềng ba chân để vững chắc. Phải luôn luôn nghĩ khác, nghĩ rất lớn trong khả năng của mình và trí tuệ tập thể, thực hiện chiến lược “đại dương xanh” tạo đà bay lên phục vụ cho chính mình và xã hội”
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, biến cố COVID-19 nói trên là cuộc giải cứu ngoạn mục, là câu chuyện tình người của Chính Phủ Việt Nam với quan điểm nhất quán “không bỏ ai lại phía sau”, cũng như thể hiện cái tâm của lãnh đạo
CMS với cán bộ nhân viên công tác và gặp nạn ở nước ngoài lúc bấy giờ.
Chi phí phát sinh bất khả kháng từ biến cố này hàng chục triệu USD công ty phải gánh chịu… Nhưng nguyên nhân đó cũng chỉ là một phần tác động đến kết quả kinh doanh. Điểm cốt yếu đối với một nhà thầu như CMVietnam là tình trạng bị nợ đọng, bị chiếm dụng vốn kéo dài (bên A) thậm chí mất vốn (bên B) tại các dự án thi công - một vấn đề khá phổ biến mà nhiều nhà thầu xây dựng ở Việt Nam gặp phải nhiều năm qua và càng khó gỡ hơn trong bối cảnh đại dịch.
“Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử CMVietnam, với những gì họ đã làm, đây là một công ty có thế mạnh về kinh nghiệm, đội ngũ thiện chiến, thiết bị hiện đại… khi đã thực hiện thành công nhiều công trình lớn trong và ngoài nước. Nhưng như vậy chính là điểm yếu trong chiến lược kinh doanh - cả đời đi làm thuê, phụ thuộc người ta.
Trong kinh doanh và cuộc sống, nếu chỉ đi bằng một chân khó mà trụ vững. Muốn phát triển, phải đi bằng hai chân, tạo thế kiềng ba chân để vững chắc. Phải luôn luôn nghĩ khác, nghĩ rất lớn trong khả năng của mình và trí tuệ tập thể, thực hiện chiến lược “ đại dương xanh” tạo đà bay lên phục vụ cho chính mình và xã hội”, ông Hưởng nêu quan điểm.
Nói về sự tham gia của mình vào HĐQT CMVietnam cũng như quyết định gia tăng tỷ lệ sở hữu, ông Hưởng tin rằng CMVietnam sẽ nhanh chóng trở lại, phát triển mạnh và bền vững nếu “đi hai chân”, và tạo được thế “ kiềng 3 chân”.
“Đồng thời phải có vị thế làm chủ, có tầm, tự chịu trách nhiệm với chính mình và xã hội, làm cho chính mình thay vì đi thi công thuê vất vả, đã vậy khi đi thi công mà luôn phải đi xin cái quyền lợi chính đáng của mình… ở trên trời”, ông Hưởng nói với ý nhiều khoản phải thu của công ty vẫn chưa được bên A trả sau thi công các công trình nhiều năm qua.
Hướng đi mới cũng được ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT CMVietnam gợi mở ở thông tin đã bắt đầu tham gia một số dự án mới trong lĩnh vực bất động sản và có sản phẩm ngay thời gian gần đây. Cùng đó, công ty đang hợp tác, liên doanh khảo sát và xúc tiến lập một số dự án quy mô lớn; cũng như tái cơ cấu dự án khách sạn ở Nha Trang, Phan Thiết… Với hướng này, CMVietnam dự kiến sẽ trở lại có lãi ngay cuối năm 2021.
Ông Phúc cho biết, những dự án và kế hoạch mới sẽ được báo cáo cổ đông cụ thể tại ĐHĐCĐ chính thức vào khoảng tháng 2/2022 và trước mắt có những bước đi được đưa ra xin ý kiến ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12 tới. Và để triển khai, CMVietnam dự kiến sẽ có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, với một cơ cấu mới, nguồn lực mới.
Với những chuyển động trên, CMVietnam đang đứng trước bước ngoặt xoay chuyển tình thế hiện nay, cả về vấn đề tài chính, cơ cấu cổ đông, chiến lược hoạt động để có thể mở ra một kỳ vọng mới.
Còn với diễn biến giá cổ phiếu
CMS vừa qua, ông Nguyễn Đức Hưởng khuyến nghị rằng: “Nếu nói về cổ phiếu
CMS, theo tôi nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa nên mua ở thời điểm này, vì công ty vẫn chỉ mới bắt đầu quá trình tái cơ cấu và xây dựng chiến lược mới”.