• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.313,84 -9,21/-0,70%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.313,84   -9,21/-0,70%  |   HNX-INDEX   216,79   -0,67/-0,31%  |   UPCOM-INDEX   96,14   +0,31/+0,32%  |   VN30   1.409,56   -9,80/-0,69%  |   HNX30   429,07   -1,96/-0,45%
22 Tháng Năm 2025 6:04:36 CH - Mở cửa
AI và bài toán báo cáo phát triển bền vững của ngân hàng
Nguồn tin: VietNam Finance | 22/05/2025 2:28:22 CH

Trong bối cảnh các ngân hàng đang từng bước triển khai thực hành báo cáo phát triển bền vững, công nghệ – đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) – được xem là một yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và chất lượng của báo cáo.

Loạt thách thức trong công bố báo cáo phát triển bền vững

Theo số liệu của NHNN, hầu hết các tổ chức tín dụng đã báo cáo và tích hợp nội dung phát triển bền vững trong Báo cáo thường niên của ngân hàng. Trong đó, có khoảng 13-15 ngân hàng thương mại đã công bố được Báo cáo phát triển bền vững độc lập của mình.

Xu hướng công bố Báo cáo phát triển bền vững tăng mạnh trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025. Gần đây ngành Ngân hàng cũng có thêm 6 ngân hàng thương mại công bố Báo cáo mới. Ngoài ra, tính đến 31/3/2025, đã có 57 TCTD đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội với dư nợ hơn 3,62 triệu tỷ đồng.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết:

“Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng không chỉ phải quản lý các rủi ro tài chính truyền thống mà còn cần chủ động nhận diện, đo lường vừa kiểm soát những rủi ro, vừa tận dụng cơ hội liên quan đến ESG trong hoạt động cho vay, đầu tư và vận hành nội bộ.

Việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh và quản trị nội bộ sẽ tạo nền tảng quan trọng giúp hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh, bao trùm”.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, song theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN, quá trình thực hành và công bố Báo cáo Phát triển bền vững tại Việt Nam – đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng – vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi.

Việc triển khai các cam kết phát triển bền vững và quản trị ESG còn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm: thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, hạn chế về nguồn lực và năng lực phân tích dữ liệu, cũng như bất cập trong phương pháp thu thập và xử lý thông tin một cách hiệu quả và minh bạch.

Theo ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách thuộc Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện báo cáo phát triển bền vững.

Chẳng hạn, chi phí thuê tư vấn và đầu tư xây dựng báo cáo còn ở mức cao, trong khi đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về ESG vẫn còn thiếu. Ngoài ra, chưa có một hệ thống pháp lý rõ ràng để hỗ trợ việc xác định danh mục đầu tư xanh và phát triển bền vững trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Ở góc độ ngân hàng thương mại, bà Ngô Thúy Phượng, Phó Ban Chiến lược và Thư ký Hội đồng Quản trị Vietcombank, nhận định rằng việc thiếu khung phân loại xanh quốc gia và bộ tiêu chuẩn thống nhất về ESG là những trở ngại then chốt.

Bà Phượng cũng chỉ ra rằng hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng về nội dung, phương pháp và quy trình để xác minh tính chính xác của các báo cáo phát triển bền vững do doanh nghiệp cung cấp. Các ngân hàng vì vậy vẫn thiếu công cụ, dữ liệu và kỹ năng cần thiết để đánh giá đầy đủ các yếu tố phi tài chính, đặc biệt là các tiêu chí ESG.

Ứng dụng AI vào báo cáo phát triển bền vững

Trong bối cảnh các ngân hàng đang từng bước triển khai thực hành báo cáo phát triển bền vững, công nghệ – đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) – được xem là một yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và chất lượng của báo cáo.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings, nhận định: "Không có AI và không có công nghệ thì sẽ không thể chuyển đổi được", đồng thời cho rằng việc làm thủ công trong lĩnh vực này là không khả thi.

Đồng quan điểm, bà Ngô Thúy Phượng cho rằng ngành ngân hàng có nhiều thuận lợi trong việc ứng dụng AI vào báo cáo phát triển bền vững nhờ đã có sự chuẩn bị về mặt thể chế, sự hỗ trợ từ quốc tế và nâng cao nhận thức trong hệ thống. Bà đánh giá AI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng và tính minh bạch của báo cáo.

Theo các chuyên gia, AI mang lại nhiều tiềm năng cho quá trình báo cáo phát triển bền vững.

Cụ thể, AI có thể hỗ trợ thu thập và xử lý dữ liệu lớn, phân tích xu hướng, tự động hóa quy trình lập báo cáo, cũng như giám sát và phát hiện các bất thường trong dữ liệu – tương tự như cơ chế phát hiện gian lận trong hệ thống ngân hàng. Nhờ đó, AI có thể giúp tiết kiệm nguồn lực, tập trung vào những chỉ tiêu có rủi ro cao và hạn chế tình trạng “rửa xanh” (greenwashing).

Ngoài ra, AI có thể được sử dụng để xây dựng các bảng điều khiển (dashboard) ESG theo thời gian thực, tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất dữ liệu.


Các chuyên gia cho rằng không thể không sử dụng AI, công nghệ trong thực hành báo cáo phát triển bền vững.

Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm sử dụng AI trong quá trình thực hành báo cáo ESG. TS Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT cho biết, cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã sử dụng AI để chấm điểm báo cáo ESG của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

MAS đã phát triển nền tảng kỹ thuật số Gprnt để đơn giản hóa việc thu thập và báo cáo dữ liệu ESG cho các doanh nghiệp, đặc biệt là SME nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn xanh.

Giải pháp được sử dụng là sử dụng AI và các công cụ kỹ thuật số để giúp doanh nghiệp đo lường, báo cáo và hành động dựa trên dữ liệu bền vững của họ. Tích hợp dữ liệu từ các nguồn như hóa đơn, tiêu thụ năng lượng và chuỗi cung ứng để tự động phân loại và chấm điểm ESG cho các SME.

“Nhờ đó, thời gian xét duyệt khoản vay giảm đáng kể, tăng khả năng tiếp cận vốn xanh cho các SME, giúp các ngân hàng tuân thủ các yêu cầu về báo cáo ESG một cách hiệu quả hơn”, ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để AI thực sự phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ báo cáo phát triển bền vững, các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần có sự đồng bộ giữa khung pháp lý, hệ thống dữ liệu và nguồn nhân lực. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là sớm ban hành bộ tiêu chuẩn phân loại xanh quốc gia – nền tảng quan trọng để tích hợp các yếu tố môi trường – xã hội vào hệ thống dữ liệu ngân hàng và triển khai các giải pháp công nghệ một cách hiệu quả.

Khánh Tú-Link gốc