Lũy kế 11 tháng, TCM ghi nhận doanh thu tăng nhẹ lên mức 136,8 triệu USD (3.146 tỷ đồng) tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ thu về 5,1 triệu USD (117 tỷ đồng), giảm 51% so với cùng kỳ.
Chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận TCM giảm mạnh
CTCP Dệt may Thành Công (mã TCM) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 11 với doanh thu đạt 12,8 triệu USD (294 tỷ đồng), tăng nhẹ so với cùng kỳ và tăng 10,4% so với tháng trước. Trong đó, sản phẩm may đóng góp lớn nhất đến 76%, mảng vải chiếm 12% và sợi có tỷ trọng 10%.
TCM cho biết năng suất tháng 11 của các nhà máy may tăng so với các tháng trước, song chi phí nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán một số đơn hàng chưa tăng theo khiến biên lợi nhuận gộp tháng 11 của sản phẩm may chưa đạt kỳ vọng. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 86% so với cùng kỳ, đạt 143.096 USD (3,3 tỷ đồng).
Trước đó trong quý 3, tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp khiến TCM phải thực hiện giãn cách từ ngày 15/07/2021 nên năng suất lao động không đạt kế hoạch. Chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ tăng cao kéo TCM lỗ ròng 3 tỷ đồng, ghi nhận lần đầu tiên báo lỗ quý kể từ quý 4/2012.
Lũy kế 11 tháng, TCM đạt 136,8 triệu USD doanh thu (3.146 tỷ đồng), tăng nhẹ so với cùng kỳ và thực hiện 77% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế thu về 5,1 triệu USD (117 tỷ đồng), giảm 51% và thực hiện 41,3% kế hoạch năm.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất 46,3%, Nhật chiếm 16,3% và Hàn Quốc chiếm 13,7% trong khi thị trường châu Âu mới chỉ chiếm 7,8% tổng lượng hàng xuất khẩu. TCM cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này để tận dụng những ưu đãi về thuế quan khi hiệp định EVFTA mang lại.
TCM đã nhận đơn hàng đến quý 2/2022 và đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý 3/2022. Nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3 năm sau để kịp sản xuất các đơn hàng cho năm 2022. Ngoài ra, công ty cũng đã nhận những đơn hàng đầu tiên từ khách hàng Revise của Mỹ sau khi vượt qua kiểm tra và đánh giá nhà máy Thành Công tại Vĩnh Long.
Thanh Hà