Lô hàng nằm trong thỏa thuận giữa Thaco Industries (Việt Nam) và Tập đoàn PITTS Enterprises (Mỹ) ký hợp đồng xuất khẩu 15.500 sơmi rơmoóc trong năm 2022 với giá trị 215 triệu USD.
Ngày 15/12, tại Cảng PTSC Dung Quất, Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Thaco đã tổ chức lễ xuất khẩu 870 sơmi rơmoóc đầu tiên sang Mỹ.
Đây là lô hàng đầu tiên trong thỏa thuận giữa Thaco Industries (Việt Nam) và Tập đoàn PITTS Enterprises (Mỹ) ký hợp đồng xuất khẩu 15.500 sơmi rơmoóc trong năm 2022 với giá trị 215 triệu USD.
Tại lễ xuất khẩu, Thaco Industries và PITTS Enterprises đã chính thức ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối sơmi rơmoóc tại thị trường Mỹ với doanh số 25.000 sơmi rơmoóc trong năm 2023, giá trị hơn 350 triệu USD.
Tổng doanh số mà PITTS Enterprises cam kết phân phối trong hai năm 2022-2023 là 40.500 sơmi rơmoóc có giá trị 565 triệu USD.
Ngày 15/12, Thaco xuất khẩu 870 sơmi rơmoóc đầu tiên. Ngày 3/1/2022 xuất khẩu 1.400 sơmi rơmoóc; ngày 7/2/2022 xuất khẩu 1.200 sơmi rơmoóc và bình quân mỗi tháng tiếp theo xuất khẩu 1.200 sơmi rơmoóc.
Việc vận chuyển được thực hiện bởi hãng tàu quốc tế là Liberty Global Logistics (Mỹ) bằng tàu chuyên dụng RoRo.
Theo đại diện của Thaco, nắm bắt xu thế tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại song phương Việt Nam và Hoa Kỳ, Thaco đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm sơmi rơmoóc và đã được nhiều tập đoàn, công ty quan tâm; trong đó có Tập đoàn PITTS Enterprises - một trong 15 nhà sản xuất sơmi rơmoóc lớn nhất tại khu vực Bắc Mỹ.
Sau gần 2 năm nghiên cứu, phát triển và giới thiệu sản phẩm tại thị trường Mỹ, sơmi rơmoóc Thaco đã được đánh giá phù hợp với nhu cầu khách hàng và có năng lực cạnh tranh cao.
Lễ xuất khẩu 870 sơ mi rơ moóc đầu tiên sang Mỹ. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Để đáp ứng sản lượng lớn xuất khẩu tại thị trường Mỹ, đồng thời xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật Bản, Canada, Australia… Thaco Industries sẽ đầu tư xây dựng mới nhà máy sơmi rơmoóc và cấu kiện nặng, công suất 20.000 sản phẩm/năm với công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín gồm: hàn robot, phun bi bề mặt, sơn nhúng tĩnh điện ED với chiều dài đến 18m; sơn hoàn thiện tĩnh điện bột, dây chuyền lắp ráp, kiểm định và sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2022.
Bên cạnh đó, Thaco thực hiện chiến lược phát triển logistics tại Chu Lai-Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung, hướng đến giảm chi phí logistics 2 đầu Nam-Bắc thông qua dịch vụ giao nhận vận chuyển trọn gói gồm: vận tải đường bộ; vận tải biển và cảng biển.
Thaco đầu tư xây dựng bến cảng và luồng tuyến mới ở khu vực Cửa Lở để đón tàu có trọng tải đến 5 vạn tấn; từng bước phát triển Cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ quốc tế, kết nối với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và hai miền Nam, Bắc.
Lễ xuất khẩu sơmi rơmoóc sang thị trường Mỹ của Thaco cũng như kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua có ý nghĩa khẳng định chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô; chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035.
Thaco cam kết sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ bằng nội lực; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có ngành nghề liên quan bên ngoài để tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với thế giới./.