Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 2/12, bao gồm HPG, HHV và SBT.
PHS: Khuyến nghị mua dành cho HPG
Trong quý III, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) ghi nhận doanh thu đạt 38.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 57% và 173% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả ấn tượng có được nhờ giá thép nội địa tăng cao, dù cho sản lượng thép xây dựng trong quý giảm 2% cùng kỳ.
HPG đã tập trung vào việc xuất khẩu trong suốt thời gian giãn cách. Sản lượng thép xây dựng xuất khẩu đạt mức cao nhất, lên đến 298.000 tấn, tăng 74% cùng kỳ và 37% so với quý liền trước. Tăng trưởng của sản lượng xuất khẩu bù trừ cho sự sụt giảm của sản lượng tiêu thụ tại khu vực miền Nam (giảm 62% cùng kỳ và giảm 35% so với quý II).
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự phóng doanh thu năm 2021 của
HPG là 149.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 31.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 66% và 133% so với năm 2020.
Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh tương sáng trong năm 2021, PHS dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 của
HPG khá ảm đạm. Theo đó, doanh thu dự kiến chỉ đạt 148.000 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế giảm còn 25.000 tỷ đồng, thấp hơn 20% cùng kỳ.
Dự báo quý IV/2021, giá thép sẽ điều chỉnh từ mức cao. PHS cho biết, giá quặng sắt và HRC trong tháng 11 đã giảm lần lượt là 44% và 15% so với mức cao trong tháng 7. Mức doanh thu dự phóng theo đó giảm nhẹ do PHS tin rằng sản lượng của
HPG sẽ vẫn tăng trưởng nhờ vào sự phục hồi của mảng xây dựng trong năm 2022. Dự báo lợi nhuận của
HPG sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi sự sụt giảm của giá bán.
Điểm sáng của
HPG thời gian tới đó là việc dự án Dung Quất mở rộng sẽ bắt đầu khởi công vào cuối năm nay. Dự án Dung Quất giai đoạn II này sẽ tăng công suất của doanh nghiệp thêm 5,6 triệu tấn thép, biến
HPG trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó,
HPG có kế hoạch tăng quy mô mảng bất động sản trong tương lai, mới đây đã được phê duyệt để làm khảo sát cho 2 dự án ở Cần Thơ. Mặt khác,
HPG đã mua lại một dự án mỏ quặng ở Úc, dự kiến sẽ nhập khẩu nguyên vật liệu từ mỏ này vào đầu năm 2022.
Bằng các phương pháp định giá giống với báo cáo lần trước, PHS hạ giá hợp lý của cổ phiếu xuống 59.100 đồng/cổ phiếu, giảm 9% so với giá trong báo cáo lần trước. Dù kết quả của phương pháp DCF không có nhiều thay đổi, định giá của PE và EV/EBITDA đã giảm do phản ánh mức tăng trưởng âm của doanh nghiệp trong năm 2022.
Tuy nhiên, PHS vẫn duy trì khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này vì triển vọng tăng khá lớn (20% so với giá đóng cửa ngày 1/12). Dù vậy, PHS lưu ý rằng với tham vọng trở thành hãng sản xuất thép hàng đầu thì
HPG cần phải đầu tư nhiều vào tài sản cố định. Dù cho
HPG chỉ mới đề xuất dự án Dung Quất mở rộng, vốn đầu tư chuẩn bị sẽ tiềm ẩn rủi ro về cơ cấu nợ vay cao.
Cùng với đó, sự kỳ vọng của thị trường sẽ tạo áp lực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn khi thị trường nhận thấy được khả năng về mức tăng trưởng âm trong năm 2022.
BVSC: Khuyến nghị khả quan đối với HHV
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (UPCoM:
HHV) ghi nhận doanh thu đạt 1.245 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 218,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 47% và 234% so với cùng giai đoạn năm trước. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh gây ảnh hưởng tới lưu lượng các xe qua trạm. Động lực tăng trưởng chủ yếu nhờ việc hoàn thành và bắt đầu khai thác hầm Hải Vân 2.
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định
HHV còn nhiều dư địa tăng trưởng, khi mà nhu cầu đầu tư công, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đường bộ tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Mặt khác, năng lực thi công của
HHV khá tốt - đã được chứng minh từ các dự án trong quá khứ - là lợi thế giúp Tập đoàn Đèo Cả có thể nhận được các dự án lớn trong tương lai, mở ra cơ hội cho các công ty thành viên như
HHV.
Trong 7 dự án đã và đang thi công với tổng mức đầu tư lên tới 47.403 tỷ đồng, Tập đoàn Đèo Cả luôn đảm bảo tiến độ, thậm chí thường hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch dự kiến. Tiến độ thi công nhanh, cùng với năng lực kiếm soát dự án tốt khiến chi phí thi công thường sát với dự toán (hoặc thấp hơn).
Bên cạnh đó, nhờ kinh nghiệm tại các dự án lớn và phức tạp, Đèo Cả còn được mời tham gia để gỡ rối cho các dự án hoạt động yếu kém (điển hình là dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn).
Hiện tại Tập đoàn Đèo Cả và
HHV đang tham gia đấu thầu xây dựng 4 dự án cao tốc lớn bao gồm dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo; Đồng Đăng – Trà Lĩnh; Tân Phú - Bảo Lộc và Hữu Nghị - Chi Lăng. Trong đó 1 dự án đang chuẩn bị triển khai thực hiện, 2 dự án đang trong quá trình phê duyệt, và 1 dự án đang trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi. Đó là cơ hội tăng trưởng lớn dành cho
HHV.
BVSC cho biết, trong kịch bản cơ sở, nếu Tập đoàn Đèo Cả đầu thầu thành công 4 dự án trên trong tương lai và chuyển giao cho
HHV, giá mục tiêu cho cổ phiếu
HHV sẽ tăng lên 28.117 đồng/cổ phiếu, cao hơn 10% so với thị giá hiện tại. Do đó, BVSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu
HHV.
PHS: Khuyến nghị mua SBT, giá mục tiêu 34.400 đồng/cổ phiếu
Năm tài chính 2020 (niên độ từ 1/7/2020 đến 30/6/2021), Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE:
SBT) mang về 14.925 tỷ đồng doanh thu thuần với mức tiêu thụ đạt 1,16 triệu tấn đường, lần lượt tăng 16% và 10% so với năm trước đó. Đó là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng tiêu thụ của
SBT đạt trên 1 triệu tấn.
Với điểm sáng là biên lợi nhuận gộp nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào,
SBT lãi sau thuế 650 tỷ đồng, tăng 79% so với năm tài chính 2019.
Bước sang năm tài chính 2021,
SBT tiếp tục gặt hái những kết quả khả quan với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.312 tỷ đồng (tăng 18% cùng kỳ) và 195 tỷ đồng (tăng 88%) trong quý đầu năm.
Doanh thu tài chính cũng là một điểm sáng trong quý này khi tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, trong đó phần lớn doanh thu đến từ hoạt động giao dịch đường trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, triển vọng tích cực của ngành mía đường Việt Nam từ chính sách phòng vệ của Chính phủ sẽ là yếu tố hỗ trợ cho
SBT.
Theo đó, ngoài Quyết định số 1578/QĐ-BCT việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp (đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN (Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar) trong tháng 9/2021.
Động thái này của Chính phủ kỳ vọng giúp giá đường tăng hai chữ số trong niên độ 2021/2022.
Bên cạnh đó, nhờ các yếu tố như tự chủ vùng nguyên liệu đầu vào hơn 66.000 ha, chiếm 25% tổng vùng nguyên liệu của cả nước; nỗ lực gia tăng các sản phẩm có biên lãi gộp tốt như đường Organic; chủ động ký kết hợp đồng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với nông dân từ đầu mùa vụ nhằm giảm thiểu biến động giá của nguyên liệu đầu vào và chủ động điều phối nguồn nguyên vật liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh thông qua GMC, nhà thương mại hàng hóa quốc tế, thì biên lợi nhuận gộp của
SBT dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.
Mới đây,
SBT đã ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Kỹ thuật tiên tiến (IAE) để phát triển mô hình nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu tái tạo với tổng số vốn gần 24 triệu USD nhằm hướng đến việc tăng hiệu quả sử dụng bã mía để phát điện trong công nghệ sản xuất đường, nâng cao hiệu quả tái chế năng lượng và sản xuất carbon sinh học để lưu trữ và kinh doanh.
PHS dự phóng doanh thu thuần của
SBT trong niên độ 2021 là 19.104 tỷ đồng, tăng 28% cùng kỳ với ước tính sản lượng đường tiêu thụ vào khoảng 1,26 triệu tấn (tăng 9%); cùng với đó, giả định mức giá bán đường bình quân tối thiểu dao động trong khoảng 15.000 - 20,000 đồng/kg.
Lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 880 tỷ đồng, tăng 35% cùng kỳ với kỳ vọng biên lãi gộp ở mức 15,1% nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào.
Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, PHS ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu
SBT khoảng 34.400 đồng/cổ phiếu (triển vọng tăng 38% so với giá hiện tại) trong 12 tháng tiếp theo. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.