• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.218,37 -13,52/-1,10%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:25:01 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.218,37   -13,52/-1,10%  |   HNX-INDEX   221,17   -2,65/-1,18%  |   UPCOM-INDEX   91,38   -0,49/-0,53%  |   VN30   1.272,68   -13,97/-1,09%  |   HNX30   468,34   -8,26/-1,73%
15 Tháng Mười Một 2024 11:28:19 SA - Mở cửa
Liên kết vùng tốt, Bình Dương sẽ phát triển bùng nổ
Nguồn tin: Zing News | 29/12/2021 9:10:00 SA
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng để Bình Dương có bước nhảy vọt tiếp theo trong quá trình phát triển, liên kết vùng cần được thúc đẩy mạnh hơn, tạo ra sự cộng hưởng cho cả vùng.
 
 
Bình Dương hiện là địa phương duy nhất Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới (*). PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đây là một kết quả xứng đáng với nỗ lực và thành tích mà Bình Dương đạt được.
 
Theo ông, Bình Dương là tỉnh sớm triển khai định hướng thị trường - mở cửa và cạnh tranh quốc tế, là một trong những hình mẫu tốt nhất của nỗ lực phát triển theo tinh thần hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
 
Đồng thời, vị chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức mà Bình Dương phải đối mặt sau 25 năm phát triển và gợi ý những giải pháp để tỉnh tiếp tục giữ vững đà phát triển tiên phong trong tương lai.
 
Hình mẫu tốt nhất trong phát triển
 
- Theo quan sát của ông, 25 năm qua, Bình Dương đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong phát triển?
 
- Bình Dương là địa phương đầu tiên tuyên bố nguyên tắc phát triển “xin Trung ương cho cơ chế, không xin tiền”. Tỉnh hiểu rằng trong nền kinh tế thị trường, để thu hút nguồn lực phát triển thì yếu tố quan trọng nhất là phải có cơ chế phân bổ nguồn lực tương thích với nguyên tắc thị trường; chính quyền phải cung cấp cơ chế, chính sách tốt để phục vụ doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ “quản” họ; và các nhà đầu tư cần được bảo đảm cơ sở thể chế để kinh doanh hiệu quả.
 
Bình Dương đã “xin” được Trung ương làm việc đó nên thu hút nhiều nhà đầu tư, cơ bản là các nhà đầu tư tốt - những người biết cách “trả ơn phát triển” cho Bình Dương. Chính nhờ tư duy và cách hành động như vậy mà ngay từ những năm đầu sau khi tách tỉnh, Bình Dương đã nổi lên như một ngôi sao sáng của đổi mới và có bước tiến nhảy vọt.
 
Điểm nội bật nhất của Bình Dương là cách thu hút đầu tư bằng thể chế và thông qua việc tạo lập những tọa độ hấp dẫn đầu tư - các khu công nghiệp “kiểu mới”, để nguồn vốn đầu tư vào dễ dàng và phát huy tác dụng nhanh. Bình Dương đã tiếp cận hình thái khu công nghiệp kiểu hiện đại, mang tính cạnh tranh, chứ không phải khu công nghiệp kiểu cũ. Tọa độ thử nghiệm, định hướng thành công chính là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Hiện nay, mô hình khu công nghiệp này đã được mở ra tại nhiều tỉnh trên cả nước.
 
 
VSIP hiện là khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh.
 
Độ “mở” thể chế đã giúp Bình Dương thu hút được nguồn lực lớn, đặc biệt là nguồn lực từ nước ngoài. Đây là nguồn lực có trình độ, chất lượng cao hơn trên nhiều mặt, bảo đảm xu thế tăng trưởng nhanh và vững chắc.
 
Bình Dương đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế không chỉ ở khía cạnh sản lượng. Các khu công nghiệp của tỉnh tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động từ khắp mọi miền đất nước; đóng góp ngân sách, đóng góp xuất khẩu tăng vượt bậc.
 
Nhưng thành tích nổi bật và quan trọng nhất của Bình Dương là “cống hiến” một tư duy phát triển mới. Cốt lõi của tư duy đó là phát triển không dựa vào cơ chế “xin - cho”, mà là sự kết hợp của hai yếu tố: Một là cạnh tranh thị trường, hai là sự phục vụ doanh nghiệp của chính quyền. Mục tiêu của cơ chế vận hành mới là bảo đảm môi trường đầu tư - kinh doanh mang tính cạnh tranh và khuyến khích sáng tạo, đổi mới, dựa vào nguồn lực chủ yếu của kinh tế thị trường, tức khu vực tư nhân.
 
Bình Dương là hình mẫu tốt của quá trình phát triển theo tinh thần hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
PGS.TS Trần Đình Thiên
 
Điểm nổi bật thứ 2 của Bình Dương là thu hút đầu tư chủ yếu hướng tới tư nhân, nhưng trên cơ sở nền tảng doanh nghiệp Nhà nước.
 
Bình Dương có rất ít doanh nghiệp Nhà nước, nghĩa là lực lượng kinh tế “chủ đạo” không nhiều. Becamex là một trong số rất ít đó. Tuy nhiên, Becamex lại đóng vai trò “kiến trúc”, tạo nền móng, định hình sự phát triển của Bình Dương, hay nói một cách “kinh điển”, đóng vai “bệ đỡ” cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Sự khác biệt đáng lưu ý là ở chỗ vai trò “chủ đạo” của Becamex không làm thiên lệch, méo mó, thúc đẩy cạnh tranh không lành mạnh. Becamex còn làm cầu nối thông chính sách giữa Nhà nước với khu vực doanh nghiệp tư nhân.
 
Tôi cho rằng mô hình liên kết cơ chế - chính sách đó là một thử nghiệm thành công của quá trình chuyển đổi, vừa giúp giữ vững vị thế của doanh nghiệp Nhà nước, vừa thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Thời gian qua, tôi chưa thấy tỉnh nào thiết kế và triển khai một mô hình kết nối doanh nghiệp Nhà nước - tư nhân hiệu quả như vậy.
 
Điểm nổi bật thứ 3 là thay đổi tư duy phát triển đúng lúc. Sau một thời gian phát triển khu công nghiệp “rực rỡ”, Bình Dương nhận ra rằng tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp nhưng đa số là khu công nghiệp “tầm thấp”, công nghệ chưa cao, thu hút nhiều lao động kỹ năng thấp, tiền công rẻ, cấu trúc phát triển đô thị không tương xứng. Tỉnh thấy cần phải “đột phá” để tiến lên một đẳng cấp khác.
 
Bước đầu là đột phá thị trường đã thành công, giờ phải chuyển sang bước hai là tập trung phát triển theo hướng hiện đại hóa, lấy đô thị Bình Dương hiện đại làm hạt nhân, là mục tiêu định hướng. Thành phố mới Bình Dương sẽ không là sản phẩm của công nghiệp hóa “cổ điển” mà là hiện thân của hiện đại hóa kiểu mới, đưa Bình Dương lên một đẳng cấp phát triển khác.
 
Hiện nay, thành phố trẻ Bình Dương được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, với năng lực cạnh tranh rất cao. Đó thật sự là một bước tiến vượt bậc, là điểm thành công đặc sắc của Bình Dương theo tinh thần 4.0.
 
 
Khu hành chính tập trung của thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Phạm Ngôn.
 
Cả 3 điểm nổi bật trên đi liền với quyết tâm phát triển cao, đồng lòng phát triển mạnh, cách lựa chọn bước đi thông minh và một chiến lược triển khai khôn ngoan.
 
Để đánh giá rõ sự phát triển cả về tầm và thế của Bình Dương, cần nhìn ra xung quanh. Bình Dương liên kết và cạnh tranh phát triển với TP.HCM và Đồng Nai không dễ tí nào khi các địa phương này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, đặc biệt là lợi thế kết nối quốc tế. Dù vậy, Bình Dương vẫn tranh thủ mở ra được kết nối để vươn lên và tiến vượt.
 
Thực sự tới giờ, tôi vẫn coi Bình Dương là hình mẫu tốt nhất của quá trình phát triển theo tinh thần hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
"Cú choáng" của Bình Dương
 
- Ông từng nói việc thu hút đầu tư nước ngoài giữa các địa phương dễ dẫn đến xu hướng "cạnh tranh cùng xuống đáy". Bình Dương liệu có rơi vào vòng xoáy này?
 
- Tôi không nghĩ Bình Dương cạnh tranh theo cách “cùng xuống đáy”. Ngược lại, Bình Dương cạnh tranh để bứt lên. Cạnh tranh xuống đáy tức là các địa phương đua nhau hạ giá đất rẻ đi, giảm thuế, tăng cường ưu đãi cho nhà đầu tư ... hơn "ông hàng xóm". Khi các "ông hàng xóm" đều tuân thủ chiến lược này để thu hút đầu tư, đều theo cách “nhịn miệng đãi khách” thì kết cục là “cùng xuống đáy”.
 
Vấn đề lớn nhất của Bình Dương là biết nhận diện đúng "tình thế đổi mới" để có những quyết sách mạnh dạn.
 
PGS.TS Trần Đình Thiên
 
Nhưng Bình Dương cạnh tranh bằng thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư bằng sự phục vụ của chính quyền, xây dựng hạ tầng tốt hơn, đảm bảo nhà đầu tư được hưởng không gian chính sách thoáng đãng.
 
Cách tiếp cận này ngược lại với cái gọi là "xuống đáy" và giúp Bình Dương đi lên. Đó là bài học kinh nghiệm cần được đúc kết kỹ, không chỉ cho Bình Dương mà cho tất cả địa phương khác.
 
- Khi đã đạt được những thành tích rất cao như hiện tại, thách thức lớn nhất trong phát triển của Bình Dương là gì?
 
- Bình Dương đang vướng một số chuyện liên quan đến kỷ luật lãnh đạo, xử lý khuyết điểm của một số cơ quan, làm cho đà phát triển bị suy giảm. Ngoài câu chuyện phẩm chất cá nhân, tình hình nói trên, xét trong nền tảng của nó, còn có căn gốc từ bản chất của quá trình chuyển đổi, của sự đổi mới. Chuyển đổi là thay cái cũ, vượt qua cái hiện có. Đổi mới tức là vượt qua cơ chế, chính sách hiện hành, tạo lập thể chế mới. Say sưa với tinh thần đổi mới nhiều khi quá đà, vượt “luật” không đúng lúc, dễ thành “phạm luật”, gây tổn thất không lường được.
 
Đó là vấn đề - thách thức đáng kể nhất mà Bình Dương được cảnh báo. Tôi nghĩ sau sự cố này, giống như một "cú choáng", Bình Dương sẽ đứng dậy, tiếp tục tiến lên với đà đang có. Khi cách tiếp cận, khát vọng phát triển đã được định hình thành bản lĩnh văn hóa thì Bình Dương sẽ vẫn đi lên theo xu thế đáng tin cậy, sẵn sàng cho bước nhảy mới.
 
 
Bình Dương thu hút được lượng lớn lao động khắp cả nước tới làm việc. Ảnh: Phạm Ngôn.
 
Tôi cho rằng đến giờ môi trường kinh doanh của Bình Dương vẫn đủ sức hấp dẫn. Nhưng bài học trên cho thấy một trong những vấn đề lớn nhất của Bình Dương là biết nhận diện đúng "tình thế đổi mới" để có những quyết sách mạnh dạn.
 
Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Bình Dương cũng thể hiện khát vọng đó. Đây là mục tiêu mang tính thách thức mà Bình Dương đặt cho mình - một thách thức đích thực, vượt qua để đi lên, chứ không phải để hoàn thành một “nhiệm vụ hành chính” thông thường.
 
Sức hấp dẫn đầu tư sẽ cao hơn nhiều
 
- Để có bước nhảy vọt tiếp theo, phải chăng Bình Dương cần đến một cơ chế liên kết vùng tốt hơn để cùng các địa phương khác phát triển?
 
- Tôi cho rằng câu chuyện liên kết vùng hiện nay đang đặt ra để Trung ương giải quyết trên phạm vi toàn vùng. Bình Dương lâu nay vẫn nỗ lực cho liên kết vùng nhưng không thể vượt qua giới hạn thẩm quyền - trách nhiệm của mình. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về nỗ lực của Bình Dương để khơi thông các tuyến liên kết, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận.
 
Vị thế của Bình Dương đang lên và Trung ương cũng như vùng cần tạo ra lối mở.
 
PGS.TS Trần Đình Thiên
 
Hiện nay, vấn đề liên kết vùng của Vùng TP.HCM hay Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam được đặt ra rất quyết liệt. Bình Dương sẽ có đóng góp tích cực trong việc giải quyết vấn đề này. Đặc biệt là các tuyến đường kết nối đến trung tâm hội nhập quốc tế tới đây mở ra - Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải hay sân bay Long Thành. Các tọa độ ấy đang được kết nối với các đường vành đai TP.HCM, thì Bình Dương sẽ có bước tiến mạnh, sức hấp dẫn đầu tư của Bình Dương sẽ cao hơn nhiều.
 
Trong xu thế đó, Bình Dương phải biết giữ không gian phát triển như quỹ đất, quỹ môi trường để có cơ hội phát huy lợi thế. Nếu Bình Dương “vung vãi” các khu công nghiệp kiểu cũ, đua tranh thiếu tính chọn lọc, giá trị của liên kết sẽ bị lãng phí.
 
Trong cấu trúc liên kết, Bình Dương cũng có thể mở ra bên ngoài, về phía Bình Phước, Tây Ninh. Tôi cho rằng đó là những lối mở liên kết giúp Bình Dương giải phóng hoặc mở rộng không gian phát triển ở đẳng cấp cao hơn.
 
 
Bình Dương cần cơ chế liên kết vùng tốt hơn để phát triển. Ảnh: Phạm Ngôn.
 
- Để liên kết này phát triển, Bình Dương có cần được Trung ương cấp nhiều cơ chế hơn hiện tại?
 
- Không phải Bình Dương cần một cơ chế cho riêng Bình Dương. Quan trọng hơn là một cơ chế, phương thức liên kết phát triển vùng hiệu quả. Năng lực của Bình Dương đang tốt thì phải phát huy năng lực; đồng thời, mở ra cơ chế liên kết vùng đúng nghĩa. Đây là trách nhiệm của vùng và của Trung ương đối với Bình Dương cũng như đối với bất cứ tỉnh nào. Đây không thể là câu chuyện “xin - cho” của địa phương với Trung ương được.
 
Liên kết vùng sẽ cộng hưởng được sức mạnh cả Bình Dương - Đồng Nai - TP.HCM, tới đây là cả Bình Phước, Tây Ninh... Bình Dương định hình xây dựng một trung tâm logistics cấp vùng thì Trung ương và cả vùng phải xử lý các vấn đề cho Bình Dương, tức là xử lý cho vùng, chứ không thể là chuyện Bình Dương “xin - cho” Bình Dương.
 
Như vậy, tầm vóc, giá trị của vấn đề được nâng lên. Còn nếu chỉ tiếp cận ở góc độ địa phương mang tính cục bộ, nhỏ hẹp, sẽ khó được ưu tiên giải quyết đúng tầm. Đừng đặt Bình Dương hay bất cứ tỉnh nào vào thế xin - cho, như thế, đất nước sẽ tiến chậm, không phát triển được.
 
Tôi muốn nói rằng vị thế của Bình Dương đang lên và Trung ương cũng như vùng cần tạo ra lối mở. Như vậy mới vừa hội tụ, vừa cộng hưởng được sức mạnh, tạo ra một sự bùng nổ phát triển mạnh hơn.
 
(*) Năm 2021, Bình Dương lần thứ 3 được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn. ICF là diễn đàn toàn cầu với hơn 180 thành viên là các đô thị thông minh thịnh vượng khắp thế giới.