Ngày 30/12, Cục Thống kê tỉnh Bình Dương công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2021 đã cho thấy, kinh tế của tỉnh đã vượt qua 'bão COVID' một cách ngoạn mục, đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2,62% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,3%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,1%.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 61.200 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương 32.201 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 152,2 triệu đồng/năm, tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2020.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, tăng 13,5%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 14,7%. Thặng dư thương mại của tỉnh Bình Dương năm 2021 đạt 6,8 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quán triệt, triển khai các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh chưa có tiền lệ để thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; đồng thời, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Do đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 cơ bản hoàn thành mục tiêu và một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Song song đó, tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo từng thời điểm cụ thể, hạn chế tối đa sự đứt gãy của chuỗi sản xuất; chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, tín dụng duy trì tăng trưởng so với 2020, đảm bảo cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu.
Cùng đó, thu ngân sách đạt dự toán, kịp thời cắt giảm và tiết kiệm chi thường xuyên để cân đối, bổ sung cho phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút vốn đăng ký kinh doanh và đầu tư nước ngoài vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, huy động hiệu quả nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng; kịp thời hỗ trợ người lao động trở lại làm việc sau dịch.
Có thể thấy, sau 25 năm kể từ ngày tái lập, từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nhưng với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, Bình Dương đã chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, để trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trở thành vùng đổi mới sáng tạo, trung tâm sản xuất và xuất khẩu, chuỗi cung ứng hàng hóa đứng đầu cả nước.
Ngày nay, Bình Dương là một trong những trung tâm phát triển năng động, là đầu mối quan trọng gắn kết các tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại và đang khởi động lộ trình hướng đến đô thị thông minh trong tương lai, Bình Dương tiếp tục khẳng định những đổi thay vượt bậc để trở thành một nơi đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư.