Xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ qua “thời vận” khó khăn năm vừa qua và sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, vẫn ẩn chứa những rủi ro khó lường từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lệnh tạm dừng nhập khẩu ở một số thị trường, khả năng phục hồi riêng ở từng doanh nghiệp…
Khi dự báo về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu (XK) cá tra trong năm 2021, một trong những vấn đề mà các chuyên gia lưu ý chính là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng này.
Ẩn chứa rủi ro
Không chỉ có vậy, lệnh tạm ngừng nhập khẩu từ một số thị trường còn nặng tính bảo hộ cũng là một nỗi lo lớn.
Chẳng hạn như ở thị trường Campuchia. Hồi đầu tháng 1/2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp ra thông báo dừng nhập khẩu 4 loại cá da trơn (trong đó có cá tra) từ Việt Nam nhằm bảo vệ thị trường cho các hộ nuôi cá của Campuchia.
Dù ngành hàng cá tra được kỳ vọng phục hồi tăng trưởng trong năm 2021 nhưng vẫn ẩn chứa những rủi ro khó lường.
Điều này khiến cho nhiều lô hàng cá tra XK sang Campuchia qua cửa khẩu Khánh Bình (tỉnh An Giang) không được thông quan, phải quay trở lại Việt Nam.
Dù thị trường Campuchia không phải là thị trường lớn (với kim ngạch XK thuỷ sản khoảng 60 triệu USD/năm) nhưng động thái tạm dừng nhập khẩu nêu trên rõ ràng là một chỉ báo về những rủi ro khó lường cho các DN XK cá tra.
Nhất là hiện nay, một số quốc gia láng giềng (như Campuchia, Trung Quốc) mà Việt Nam đang có hoạt động XK cá tra khá ổn định, cũng đẩy mạnh việc sản xuất cá tra để tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Chẳng hạn như Trung Quốc, năm 2020 vừa qua ghi nhận có sự chuyển đổi ao nuôi từ cá rô phi sang cá tra rất nhanh, thu hút nhiều nông dân đổ xô nuôi vì cho rằng có nguồn thu tốt hơn.
Riêng sản lượng cá tra nuôi của Việt Nam năm 2021 (hiện chiếm khoảng 40% tổng lượng cá tra toàn cầu), theo dự báo mới đây từ Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep) sẽ đạt ít nhất 1,65 triệu tấn.
Có nghĩa là sản lượng cá tra có thể sẽ tăng 0,09 triệu tấn so với năm ngoái - vốn chịu đựng nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động XK, các thị trường chính gặp trở ngại, lượng hàng tồn kho cao.
Nhận định thêm về triển vọng ngành hàng cá tra trong năm 2021, theo Công ty chứng khoán BSC, dịch Covid-19 sẽ là rủi ro lớn nhất đối với sự phục hồi của các thị trường.
Ngoài ra, rủi ro còn có thể đến từ kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn…) chưa thể hồi phục về mức trước dịch trong năm 2021, do tâm lý người dân vẫn e sợ đến nhà hàng. Tuy vậy, kênh tiêu thụ này (vốn chiếm tỷ trọng lớn trong phân phối ngành hàng cá tra) vẫn được kỳ vọng phục hồi trong năm nay về với mức trước dịch.
Thực tế cho thấy dịch Covi-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng. Và cá tra đông lạnh của Việt Nam vẫn có lợi thế trên thị trường XK, dù kênh dịch vụ bị ảnh hưởng thì người tiêu dùng vẫn hướng đến tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản dễ ăn ở nhà (điển hình như cá tra đông lạnh).
Kỳ vọng phục hồi tốt
Ở một DN đầu ngành trong lĩnh vực XK cá tra như CTCP Vĩnh Hoàn, như nhận định của các nhà phân tích thì trong năm nay, nếu như dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, công ty có thể đạt mức doanh thu khoảng 8.289 tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm 2020) và lợi nhuận có thể đạt đạt 941 tỷ đồng (tăng 5,5%).
Để có con số tăng trưởng lạc quan như vậy, đòi hỏi DN này cần duy trì vị thế trên thị trường XK trong năm nay, trong bối cảnh thị phần XK đang gặp nhiều thách thức.
Hoặc như CTCP thuỷ sản Nam Việt cũng được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng tốt trong năm nay với XK cá tra khi mà năm vừa qua, công ty đã triển khai dự án nuôi cá tra công nghệ cao với quy mô 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Trong đó, với khu nuôi cá tra thương phẩm diện tích 450ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động, mỗi năm công ty sẽ sản xuất khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng cao, phục vụ chế biến XK.
Có thể nói thị trường XK cá tra của Việt Nam vốn còn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có những biến đổi nhất định. Điều mong mỏi của các DN trong ngành hàng này là các thị trường XK chủ lực như Trung Quốc, EU, Mỹ và một số nước Đông Nam Á sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc (hiện chiếm đến 35% thị phần XK), thị trường EU vẫn đang được kỳ vọng gia tăng thị phần (hiện mới chỉ ở dưới mức 10%).
Đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được cho là sẽ thúc đẩy kim ngạch XK cá tra của Việt Nam nhờ mức chênh lệch về thuế.
Theo đó, thuế suất XK các sản phẩm cá tra Việt Nam vào EU sau 3 năm hầu hết sẽ giảm về 0%, thấp hơn mức thuế của đối thủ cạnh tranh như Indonesia (4,5 - 9%), Trung Quốc (0 - 9%).
Mục tiêu của ngành hàng cá tra trong năm 2021 là sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt kim ngạch XK khoảng 1,6 tỷ USD. Không những vậy, trong 5 năm, Vasep cũng đặt ra mục tiêu cho kim ngạch XK cá tra là 2,5 - 3 tỷ USD/năm.
Mục tiêu này có thể nói là khá lạc quan và đầy tham vọng. Muốn làm được điều đó, ngoài việc vượt qua những rủi ro do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hay lệnh tạm dừng nhập khẩu từ một số thị trường, điều quan trọng là bản thân các DN cần đẩy mạnh tốc độ phục hồi, thể hiện tốt năng lực cạnh tranh qua các phân khúc có giá trị gia tăng cao và có sự năng động, đầu tư mới.