Thị trường năng lượng vừa có một tuần diễn biến tích cực. Giá dầu Brent tương lai hôm 5/2 tăng 50 cent, tương đương 0,9%, lên 59,34 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 59,79 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 20/2/2020. Giá dầu WTI tương lai tăng 62 cent, tương đương 1,1%, lên 57,29 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 57,29 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 22/1/2020.
Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 6%, WTI tăng 9%.
OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, ngày 3/2 gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng ở mức hiện tại, cho thấy các thành viên đều hài lòng với mức cắt giảm trong bối cảnh vẫn còn bất ổn về lực cầu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
“Giá dầu Brent đang hướng tới mốc 60 USD/thùng. OPEC và đồng minh, tức OPEC+, đã xoa dịu phần lớn lo ngại về nguồn cung, sự lạc quan toàn cầu trong đại dịch Covid-19 cũng tăng đáng kể”, theo Edward Moya, nhà phân tích cấp cao tại OANDA, New York.
“Các yếu tố cơ bản vẫn vững chắc nhưng đợt tăng này khả năng cần có sự củng cố”.
Trong khi đó, tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp. Cụ thể, tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 29/1 giảm còn 475,7 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 3/2020, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Tỷ lệ lọc dầu tăng 0,6 điểm phần trăm.
“Các cơ sở lọc dầu đã hoạt động trở lại, có lợi cho dầu thô”, theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, Chicago, bang Illinois.
Thị trường dầu phần nào được thúc đẩy nhờ Phố Wall lập đỉnh, các tiến triển trong quá trình triển khai gói hỗ trợ Covid-19 1.900 tỷ của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden còn số liệu xác nhận thị trường lao động đang ổn định.
Các công ty năng lượng Mỹ tuần trước triển khai thêm 8 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 392, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 4 lên 299, giàn khoan khí đốt tăng 4 lên 92 và giàn khoan dự phòng vẫn là 1.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 9/2
Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 10/2
EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.
Ngày 12/2
Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 5/2 phục hồi, lấy lại mốc 1.800 USD/ounce sau khi giảm sâu trong phiên trước đó nhờ USD giảm giá và số liệu cho thấy thị trường lao động tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, đồng nghĩa nền kinh tế Mỹ cần hỗ trợ thêm. Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 21,3 USD/ounce lên 1.815,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai tăng 1,2% lên 1.813 USD/ounce.
Chốt tuần trước, giá vàng tương lai giảm 2%.
Kim loại quý này chịu áp lực bán mạnh trong phiên 4/2 do số liệu từ Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất trong tháng 1 là 58,7 điểm, vượt dự báo 56,8 điểm và cao hơn mức 57,7 điểm hồi tháng 12/2020. Tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ cũng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019.
Lý do lực bán gia tăng còn là USD tăng giá, đường cong lợi suất dốc lên, Rhona O’Connell, giám đốc phân tích thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và châu Á tại StoneX, nói.
Ngưỡng hỗ trợ cứng của giá vàng là 1.775 – 1.780 USD/ounce, theo Peter Hug, giám đốc giao dịch toàn cầu tại Kitco Metals. Trong khi đó, ngưỡng kháng cự lần lượt là 1.822 – 1.825 USD/ounce, 1.850 USD/ounce rồi đến 1.900 USD/ounce.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cảnh báo về nguy cơ giá vàng xuống dưới 1.600 USD/ounce nếu để mất mốc 1.766 USD/ounce.