Khối ngoại bán ròng 9.200 tỷ đồng sau 3 tuần giao dịch trên sàn HoSE.
VNM vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lên đến 837 tỷ đồng.
Khối ngoại trên 2 sàn HNX và UPCoM cũng duy trì trạng thái bán ròng.
VN-Index thêm một tuần giao dịch với biên độ hẹp trước sự giằng co phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index vẫn có được mức tăng tương đối tốt.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.181,56 điểm, tương ứng tăng 12,87 điểm (1,1%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 14,11 điểm (5,4%) lên 273,91 điểm. UPCoM-Index tăng 1,77 điểm (2,25%) lên 80,33 điểm.
Điểm tiêu cực trên thị trường vẫn là việc khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng rất mạnh. Cụ thể, dòng vốn ngoại tuần qua mua vào 240 triệu cổ phiếu, trị giá 8.592 tỷ đồng, trong khi bán ra 328 triệu cổ phiếu, trị giá 12.090 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 88,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là gần 3.500 tỷ đồng.
Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 3.380 tỷ đồng (tăng 13% so với giá trị bán ròng của tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 85 triệu cổ phiếu. Như vậy, khối ngoại trên HoSE đã bán ròng trong 3 tuần liên tiếp với tổng giá trị hơn 9.200 tỷ đồng. Điểm có phần tích cực của dòng vốn này là sau khi bán ròng rất mạnh ở đầu tuần thì đã có sự chững lại trong các phiên sau đó.
VNM tiếp tục bị khối ngoại bán ròng rất mạnh với giá trị lên đến 837 tỷ đồng. Tiếp sau đó, POW cũng bị bán ròng 461 tỷ đồng. HPG và VCB bị bán ròng lần lượt 342 tỷ đồng và 274 tỷ đồng. Chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nội FUEVFVND đứng đầu danh sách mua ròng với 243 tỷ đồng. PLX tiếp tục được mua ròng mạnh với 169 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 50 tỷ đồng (giảm 46% so với tuần trước), tương ứng khối lượng 3,5 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại trên HNX mua ròng mạnh nhất mã BAX với 6,6 tỷ đồng. VCS đứng sau với giá trị mua ròng là 5,6 tỷ đồng. Chiều ngược lại, PVS bị bán ròng mạnh nhất với 14,4 tỷ đồng. API và BVS bị bán ròng lần lượt 10,3 tỷ đồng và 9,4 tỷ đồng.
Tại sàn UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng 71 tỷ đồng (gấp 13,4 lần tuần trước), tuy nhiên, nếu tính về khối lượng thì dòng vốn ngoại sàn này mua ròng trở lại gần 300.000 đơn vị.
QNS được khối ngoại mua ròng trở lại 23,4 tỷ đồng sau khi bán ròng mạnh ở tuần trước. BSR và MCH được mua ròng lần lượt 18 tỷ đồng và 17 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VTP bị bán ròng mạnh nhất với 123 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là ACV chỉ với 19 tỷ đồng.
Theo nhận định mới đây của ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam, yếu tố trọng yếu của việc khối ngoại bán ròng rất mạnh thười gian qua là từ việc đảo nghịch dòng vốn. Với dữ liệu thu thập được cho thấy dòng vốn ngoại đang bán ròng đồng loạt ở các thị trường cận biên và mới nổi - đây được cho là hành động tái cân bằng danh mục (rebanlance) khi các yếu tố ảnh hưởng tới định giá và thu nhập như lợi suất trái phiếu và kỳ vọng lạm phát đang diễn ra.
Ông Tuấn đánh giá giai đoạn tái cân bằng danh mục này sẽ kết thúc trong cuối quý I và đầu quý II dựa trên dự phóng lạm phát kỳ vọng sẽ chững lại vào giữa quý II và Fed tiếp tục giữa nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ nền kinh tế Mỹ cho đến khi thực sự phục hồi.