Mía đường Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi, phát triển thị phần tại thị trường nội địa và quốc tế sau khi thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng. Điều này làm dấy lên hy vọng cho các nhà đầu tư chứng khoán sau thời gian dài nhận “vị đắng” từ nhóm cổ phiếu đáng lẽ phải đầy ngọt ngào này.
Nhu cầu gia tăng liên tục của thị trường, cùng với sự sụt giảm sản lượng đường của các quốc gia lân cận đã mở rộng cửa cho mía đường Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Cơ hội vươn tầm
Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức đường quốc tế (ISO), thị trường thế giới niên vụ 2020 - 2021 sẽ thiếu hụt lên đến 4,8 triệu tấn do sự sụt giảm sản lượng ở Tây Âu và nhiều quốc gia khác như Iran, Pakistan, Thái Lan… cùng những tác động từ khủng hoảng logistic toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ được dự báo sẽ tăng 2,1% so với vụ trước, ở mức 173,8 triệu tấn.
Với kỳ vọng giá đường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong niên vụ 2020-2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dự báo sẽ tích cực.
Bên cạnh đó, đường Việt Nam còn có cơ hội xuất khẩu phân khúc chất lượng cao sang các nước EU nhờ hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường nhập khẩu vào EU trong niên vụ 2020/2021, ước đạt 3 triệu tấn (tăng 43%, mức tăng cao so với dự báo cũ là 2,1 triệu tấn).
Ngoài các thị trường cao cấp như EU, mía đường Việt Nam còn có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc khi nước nay quyết định gia tăng trữ lượng đường trong niên vụ tới, sau ảnh hưởng của Covid-19 và lũ lụt.
Không chỉ thị trường thế giới mà đường Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội chứng tỏ với thị trường nội địa khi ngày 9/2 vừa qua, Bộ Công Thương ký quyết định số 477/QĐ-BCT về việc Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá , chống trợ cấp với các mặt hàng đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó, mức thuế với đường tinh luyện là 48,88% và đường thô là 33,88%.
Lâu nay, tại thị trường trong nước, ngành mía đường Việt Nam luôn phải chịu “lép vế” bởi chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng từ đường nhập lậu, đường nhập khẩu bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Trần Ngọc Hiếu-Tổng giám đốc CTCP Mía đường Sơn La cho biết, đường nội tuy chất lượng tốt nhưng khó cạnh tranh về giá trong hoàn cảnh “khó chồng khó” khi hoạt động sản xuất trong nước chủ yếu bằng thủ công, chi phí thu hoạch và vận chuyển lớn, đặc biệt là thách thức từ nạn hàng giả, hàng nhập lậu.
Theo đánh giá của CTCK Vietcombank (VCBS), sau khi mức thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực thì sản lượng đường thô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ giảm mạnh và giá đường nội địa của Việt Nam có thể tăng giá. Điều này cũng đồng thời tạo tác động gián tiếp giúp các nhà máy đường tăng giá mía để khuyến khích nông dân phát triển và phục hồi trở lại vùng nguyên liệu.
Cổ phiếu lội ngược dòng
Trên thị trường chứng khoán, nếu so về tuổi đời thì mía đường là một trong những nhóm cổ phiếu kỳ cựu trên sàn với thâm niên hàng chục năm. Tuy nhiên, dấu ấn mà nhóm cổ phiếu này tạo ra lại vô cùng mờ nhạt, thỉnh thoảng mới có một "con sóng" không dài và cũng thua kém nhiều so với các nhóm cổ phiếu “tân binh” khác.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự thiếu hấp dẫn này này của nhóm cổ phiếu mía đường như không có doanh nghiệp nào có vốn hóa, hoạt động kinh doanh hoặc thương hiệu vượt trội.
Hay như việc mối liên quan giữa các doanh nghiệp trong ngành mía đường khá rời rạc, mô hình kinh doanh của mỗi đơn vị mỗi khác nên khó tạo ra hệ tham chiếu để đánh giá toàn bộ ngành khiến hiệu ứng không thể lan tỏa trong từng cổ phiếu.
Ngoài ra, số lượng mã chứng khoán của ngành này cũng không nhiều, dòng tiền chỉ đổ vào một cách đơn lẻ và có chọn lọc dẫn đến thanh khoản thấp.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu mía đường đang có những biến động khá tích cực với nhiều mã tăng trưởng mạnh.
Có thể kể đến như cổ phiếu
LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn ghi nhận mức tăng hơn 64% từ mức giá 7.860 đồng/cp lên 12.900 đồng/cp chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2021. Cũng trong thời gian này, cổ phiếu
SLS của CTCP Mía đường Sơn La cũng kịp thời tăng cho mình gần 75% thị giá,
KTS của CTCP Mía đường Kon Tum tăng 36,4%,
QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi tăng hơn 7,6%,
SBT của
TTC Sugar cũng tăng hơn 9%...
Hỗ trợ mức tăng trưởng này tất nhiên là đến từ việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường thô từ Thái Lan và việc giá đường thế giới đang tăng "phi mã".
Giá đường thế giới hiện ở mức cao nhất trong 3 năm qua, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đường trắng tại sàn London kỳ hạn tháng 7 hiện đang ở mức 460 USD/tấn, nếu về đến Việt Nam giá bán sỉ tương đương 17,500 đồng/kg (kể cả thuế và phí). Giá đường thế giới được dự báo còn tăng, có thể lên hơn mức 500 USD/tấn (chưa bao gồm thuế, phí và premium) do nhu cầu tăng mạnh hậu Covid và thiếu hụt nguồn cung.
Nhìn chung, biến động lợi nhuận của doanh nghiệp ngành mía đường luôn phụ thuộc lớn vào giá đường do mặt hàng kinh doanh chủ yếu là đường trắng và đường tinh luyện, trong khi các phụ phẩm chưa được đẩy mạnh.
Theo đó, với kỳ vọng giá đường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong niên vụ 2020-2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dự báo sẽ tích cực, từ đó tác động đến giá cổ phiếu.