Giá vàng trong nước sáng nay không có nhiều biến động trong khi trên thị trường thế giới, kim loại quý vừa có phiên lên ngưỡng cao nhất trong 2 tuần.
Ảnh minh họa.
Khảo sát lúc 8h55 sáng nay (16/3), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 55,35 - 55,75 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra hiện đang ở ngưỡng 400 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng không có nhiều biến động, vẫn đang được niêm yết ở mức 55,35 – 55,75 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào bán ra tại doanh nghiệp này cũng được thu hẹp xuống còn 400 nghìn đồng/lượng.
Biểu đồ: Kitco
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.731,9 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce, tương đương 0,23% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 48,34 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 4/2021 tăng 9,40USD/ounce tương đương gần 0,6% lên 1.729,20USD/ounce – đây là ngưỡng đóng cửa cao nhất của giá vàng tính từ ngày 2/3/2021, theo tính toán của FactSet.
Vào tuần trước, giá vàng giảm điểm trong ngày thứ Sáu nhưng tính cả tuần giá vàng vẫn tăng 1,3%. Giá vàng chấm dứt khoảng thời gian giảm giá 3 tuần liên tiếp khi lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng. Nỗi lo về lạm phát do kỳ vọng kinh tế phục hồi nhanh chóng đang lớn dần.
Theo giới phân tích, diễn biến của giá vàng trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả buổi họp chính sách tiền tệ của Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC). Buổi họp này sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư với tuyên bố về chính sách tiền tệ. Dự kiến sẽ không có thay đổi chính sách nào lớn sau buổi họp, nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ quan điểm của Fed liên quan đến tăng trưởng kinh tế và triển vọng lạm phát.