Mức tăng trưởng GDP quý I/2021 thấp hơn kịch bản nên chắc chắn các quý tiếp theo phải "gánh" để đạt mục tiêu cuối cùng là 6,5% trong năm nay. Trong bức tranh kinh tế quý I cho thấy nhiều điểm sáng về triển vọng phục hồi của doanh nghiệp, của nhiều ngành kinh tế chủ chốt, song con số tăng trưởng kinh tế 2021 vẫn là "ẩn số" khó đoán định khi mà dịch COVID-19 chưa được khống chế.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Tổng cục Thống kê cho biết Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Mặc dù kết quả tăng trưởng GDP chưa cao như kỳ vọng nhưng đây là con số chấp nhận được trong bối cảnh dịch bệnh.
Sẽ cập nhật lại kịch bản
Chỉ ra nhiều điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2021 như công nghiệp chế biến chế tạo, nông lâm nghiệp tăng trưởng mạnh... Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, cho biết hiện Tổng cục đang phối hợp với các Bộ, ngành căn cứ kết quả sản xuất để cập nhật lại kịch bản tăng trưởng kinh tế, sẽ điều chỉnh với mục tiêu cho từng quý để đảm bảo tăng trưởng đạt 6,5% trong năm nay.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt khó khăn do COVID-19 gây ra.
"Kết quả quý I/2021 sẽ là động lực cho quý tiếp theo để tăng trưởng kinh tế Việt Nam bứt tốc, nhất là khi Việt Nam đã tiến hành tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19, các ngành kinh tế quan trọng đang có dấu hiệu phục hồi, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt. Quý I tăng trưởng GDP thấp nên quý tiếp theo phải gánh phần tăng trưởng của quý I. Hy vọng nền kinh tế Việt Nam sớm tìm được lối ra cho sản xuất trong nước", ông Hiếu kỳ vọng.
Theo TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của quý I với mức tăng 9,45%. Sản phẩm xuất khẩu của ngành chế biến chế tạo là động lực quan trọng cho sản xuất trong nước phục hồi và phát triển.
Tuy vậy, ông Thúy cho biết DN Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy, có tới 31,4% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 14,9% số DN dự báo khó khăn hơn so với quý I/2021.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN quý I/2021, có 55,1% số DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 49,5% số DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,1% số DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 27,1% số DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu...
Đặc biệt, con số tăng trưởng GDP trong quý I/2021 được đánh giá khả quan trong bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước dịch.
Vì vậy, đại diện Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng đề nghị cộng đồng DN cần chủ động tích cực tìm kiếm cơ hội, đối tác kinh doanh mới. DN với vai trò động lực quan trọng nhất kinh doanh cần phát huy tối đa tinh thần đổi mới sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng lợi thế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần bổ sung gói hỗ trợ hiệu quả như xem xét giảm thuế thu nhập DN hết năm 2021.
Ông Thúy kiến nghị: "Nhà nước có tính toán cụ thể mức giảm, giãn thế nào phù hợp để đảm bảo tháo gỡ khó khăn, tạo ổn định sản xuất cho DN".
Cân nhắc biện pháp hỗ trợ
Bàn về gói hỗ trợ, ông Lê Trung Hiếu đặt vấn đề hiện tại, Việt Nam chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả của gói hỗ trợ lần 1 nhưng chúng ta có nên tiếp tục ban hành gói hỗ trợ như một số quốc gia trên thế giới hay không?
Nêu quan điểm cá nhân, ông Hiếu cho rằng kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nên việc nghiên cứu và đưa ra chính sách hỗ trợ cần thiết, song cần dựa trên cung - cầu phù hợp. Nguồn cung hạn chế, yếu kém, nếu tăng tổng cầu thì sẽ khiến lạm phát, kích thích nhập khẩu sản phẩm tiêu dùng. Do vậy khi nguồn cung trong nước tốt thì kích thích cầu mới hiệu quả.
Đối với thuế thu nhập DN, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng chỉ hỗ trợ cho DN đang phát triển tốt, bị ảnh hưởng rất ít bởi COVID-19. Còn với DN khó khăn, lợi nhuận âm thì không có ý nghĩa.
Về chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân thì kích cầu tiêu dùng thông qua giảm thuế, gián tiếp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Còn thuế VAT, việc giảm thuế sẽ có lợi cho DN và người tiêu dùng, đó là gia tăng lợi nhuận cho DN, còn người tiêu dùng được mua hàng hóa tốt hơn.
Với tác động từ gói tài khoá của Chính phủ Mỹ, ông Hiếu cho biết: Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi chúng ta là nước xuất khẩu lớn vào Mỹ, lượng tiền Mỹ tung ra thì sức cầu tiêu dùng Mỹ tăng lên, điều này sẽ kích thích cho sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Về phía chuyên gia, ông Lê Duy Bình, Giám đốc công ty Economica Việt Nam, nhìn nhận đại dịch COVID-19 trong trung và dài hạn tác động lớn tới tái cấu trúc khu vực DN Việt Nam, nếu tận dụng tốt cơ hội từ COVID-19 thì DN sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn. Trong khi đó, nhiều DN không tiếp tục thay đổi, không phù hợp thì bị thị trường "đào thải".
Đồng thời, ông Bình cho rằng chúng ta cũng cần phải thiết kế lại chính sách hỗ trợ DN cho phù hợp với cơ chế vận hành của thị trường. Làm sao để phát huy được lợi thế của DN Việt Nam.
Đáng chú ý, liên quan tới tăng trưởng kinh tế, bên cạnh những thành tựu, tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025) của Chính phủ mới đây cũng chỉ ra nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu...
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong khó khăn thách thức, "chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm"; đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Áp lực đối với Việt Nam là liên tục tăng trưởng cao, nếu không sẽ tụt hậu... Năm nay, chúng ta phấn đấu 6-6,5%, sang năm có thể 7%, nhưng sắp tới phải 8-9% bình quân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng trong giai đoạn từ 2016-2020, Việt Nam chưa đạt mức tăng trưởng kinh tế ở mức cao do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do đại dịch COVID-19 và những bất lợi từ kinh tế toàn cầu. Như vậy, trong giai đoạn 2020-2030, chúng ta phải cố gắng gấp bội, phải thực hiện những cách phát triển mới, mang tính đột phá thực sự.
Bà Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, DN và người dân. Trước mắt cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiếp tục thực hiện các giải pháp DN có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Shawn W.Tan
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB)
So với 2 lần khảo sát do WB tiến hành vào tháng 6 và tháng 10/2020 thì xu hướng chuyển dịch sang công nghệ số của DN Việt Nam lại giảm. Cụ thể, nếu như tháng 6/2020, rất nhiều DN Việt Nam háo hức chuyển đổi sang hoạt động trên nền tảng số với tỷ lệ 48%, thì con số này đang suy giảm, chỉ còn 11% DN. Do vậy,, chương trình đổi mới sáng tạo của Chính phủ cần giúp DN Việt Nam tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới nhiều hơn trong thời gian tới. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để hỗ trợ DN chủ động vượt thách thức và tận dụng cơ hội.
Ông Hoàng Quang Phòng
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Chúng ta đã thấy một Chính phủ hành động quyết liệt và kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 dù ngân sách Trung ương eo hẹp. Tuy vậy, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”. Và chúng ta vui mừng khi Chính phủ đang tính “gói cứu trợ lần 2” hay còn gọi là “gói kích thích kinh tế lần 2”.