Khối ngoại bán ròng trở lại 2.465 tỷ đồng trên HoSE sau 2 tuần mua ròng liên tiếp trước đó. Khối ngoại mua ròng trở lại hơn 231 tỷ đồng trên HNX và chủ yếu gom VND.
VN-Index tăng nhẹ trong tuần thứ ba liên tiếp với 7,05 điểm (+0,6%) lên 1.238,71 điểm. Trong khi đó HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,2%) xuống 293,11 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 1,22 điểm (-1,47%) xuống 81,79 điểm.
Điểm tiêu cực của thị trường trong tuần giao dịch từ 12-16/4 là việc khối ngoại quay trở lại bán ròng rất mạnh. Cụ thể, dòng vốn này mua vào 182,7 triệu cổ phiếu, trị giá 8.232 tỷ đồng, trong khi bán ra 226 triệu cổ phiếu, trị giá 10.517 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 43,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 2.285 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại đến 2.465 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng liên tiếp trước đó, tương ứng khối lượng bán ròng là 44,6 triệu cổ phiếu.
VHM bị khối ngoại bán ròng rất mạnh với giá trị lên đến 1.100 tỷ đồng. Đứ thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE là VNM với 392 tỷ đồng. CTG và GAS bị bán ròng lần lượt 331 tỷ đồng và 244 tỷ đồng. Các cổ phiếu trụ cột khác như HPG, BID, VPB... đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Đáng chú ý chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 bất ngờ bị khối ngoại bán ròng 151 tỷ đồng. Trong khi đó, NVL đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 405 tỷ đồng. VIC đứng sau với giá trị mua ròng là 357 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ ETF nội khác là FUESSVFL và FUEVFVND được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 227 tỷ đồng và 114 tỷ đồng.
Tại sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại hơn 231 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 3,5 triệu cổ phiếu.
VND bất ngờ được khối ngoại mua ròng đột biến với 268 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là VCS với chỉ 7,5 tỷ đồng. Chiều ngược lại, APS bị bán ròng mạnh nhất với 14,7 tỷ đồng. SHS và PVS bị bán ròng lần lượt 7,8 tỷ đồng và 5,2 tỷ đồng.
Ở sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng trở lại 51,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng là 2,1 triệu cổ phiếu.
QNS đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn UPCoM với 24 tỷ đồng. MCH đứng sau với giá trị mua ròng cũng ở mức gần 22 tỷ đồng. Trong khi đó, VTP bị bán ròng mạnh nhất sàn này với gần 61 tỷ đồng. BSR và ACV bị bán ròng lần lượt 24,4 tỷ đồng và 14 tỷ đồng.