Năm 2021, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đi ngang với gần 190 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo tiếp tục dự báo mảng nhựa đường sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023.
Sáng 19/4, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (HNX:
PLC) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Ông Đỗ Hữu Tạo – Chủ tịch HĐQT trình bày báo cáo của HĐQT năm 2020 với doanh thu đạt 5.608,4 tỷ đồng, giảm 9% cùng kỳ, vượt 11,8% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 189,95 tỷ đồng, tăng 2,47% cùng kỳ, vượt 37,64% kế hoạch.
Ngành hàng nhựa đường năm 2020 đã có sự tăng trưởng mạnh so với 4 năm trước. Sản lượng đạt 260.128 tấn/m3, tăng 32,85% so với cùng kỳ và vượt 32,72% kế hoạch. Doanh thu đạt 2.525 tỷ đồng, tăng 12% cùng kỳ, vượt 24,16 % kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 32,25 tỷ đồng, bằng 580% cùng kỳ, vượt 114,83% kế hoạch.
HĐQT sẽ thực hiện các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2019 - 2024 là ổn định thị trường dầu nhờn, đồng thời phát triển thêm các kênh bán hàng để giữ vững hiệu quả kinh doanh. Hiệu quả sử dụng vốn của ngành hàng nhựa đường, hóa chất lên ngang mức trả cổ tức. Công ty phát triển mạnh sang thị trường các nước lân cận để đảm bảo tổng lợi nhuận tăng trưởng trong nhiệm kỳ tới.
HĐQT đảm bảo cổ tức bằng tiền của cổ đông hàng năm không thấp hơn 12%, Tổng công ty vẫn có tích lũy, tái đầu tư để tăng vốn chủ sở hữu của Hóa dầu Petrolimex lên trên 1.600 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hà Trung – Thành viên HĐQT trình bày tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2020. Công ty sẽ chi khoảng hơn 121 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 15%, trong đó đã tạm ứng cổ tức 10% trong năm 2020.
Ông Lê Quang Tuấn – Tổng giám đốc trình bày kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, doanh thu dự kiến đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 7,02% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 190 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức thực hiện năm 2020 là 189,95 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ đã thông qua đơn từ nhiệm vị trí thành viên Ban kiểm soát của ông Tống Văn Hải (Kiểm soát viên). Đại hội cũng thông qua việc bầu bổ sung Kiểm soát viên đối với bà Đinh Thị Kiều Trang – hiện là Phó Ban kiểm toán – HĐQT Petrolimex (HoSE: PLX). Bà Trang cũng chính là người được Petrolimex đề cử vào vị trí nói trên.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Hóa dầu Petrolimex. Ảnh: Bảo Lâm.
Ông Phạm Đức Thắng – Tổng giám đốc Petrolimex - cổ đông chi phối cho biết Hóa dầu Petrolimex cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vốn. Petrolimex không muốn bán phần vốn của Hóa dầu Petrolimex nhưng vẫn cân nhắc để hoàn thiện kết quả kinh doanh. Petrolimex đang góp vốn vào 3 công ty con là gần 700 tỷ đồng/800 tỷ đồng nên cũng phải bàn kỹ vấn đề tái cơ cấu. Ban lãnh đạo cần chuẩn bị để báo cáo với ĐHĐCĐ kỳ sau.
Phần thảo luận
Ban lãnh đạo trong thời gian tới có những thay đổi gì trong phương hướng sản xuất kinh doanh?
Ông Đỗ Hữu Tạo: Tổng công ty sẽ tăng cường công tác quản trị bằng việc chuyển đổi số toàn hệ thống. Công ty sẽ mở rộng thị trường mới, gia tăng sản lượng bán hàng, với những giải pháp là tiếp tục quan tâm đến khách hàng thương mại của Petrolimex, ra mắt các sản phẩm mới phù hợp với các loại động cơ mới. Thời gian qua, công ty đã đưa ra sản phẩm ưu việt mới và được khách hàng đánh giá cao.
Tình hình kinh doanh tại công ty Vận tải hóa dầu VP, liệu năm 2021 Tổng công ty có được hoàn nhập tiếp như 2020?
Ông Lê Quang Tuấn: Năm 2020 tình hình kinh doanh của VP có nhiều thuận lợi đặc biệt là khai thác các tuyến vận chuyển nhựa đường, bên cạnh đó tình hình giá nhiên liệu rất thấp giúp chi phí đảm bảo hoạt động kinh doanh của đơn vị này. Năm 2021 nhiều bất lợi diễn ra trong đó quý I giá nhiên liệu tăng cao. Tuyến khai thác truyền thống tàu từ Singapore hay Indonesia bị hạn chế. Tình hình kinh doanh của VP tiếp tục gặp những khó khăn nhất định. Kết quả quý I của đơn vị này cũng âm 3,6 tỷ đồng, điều này dẫn đến việc hoàn nhập trong năm 2021 là khó kỳ vọng.
Công suất nhà máy Nhà Bè và Thượng Lý có tăng sau khi mở rộng hay không?
Ông Lê Quang Tuấn: Sau khi nâng câp mở rộng sẽ đạt được công suất 50.000 tấn/năm cho mỗi nhà máy và đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Giá dầu tăng cao, công ty có thay đổi gì về chính sách hàng tồn kho?
Ông Lê Quang Tuấn: Giá dầu gốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cung cầu. Bên cạnh đó, kênh đào Suez bị đình trệ dẫn đến lưu chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng. Giá dầu gốc đến tháng 4 có những mặt hàng tăng gấp 3 lần. Một số hãng dầu gốc lớn ở khu vực có những thông báo bất khả kháng, nhiều đơn vị không có hàng để bán.
Tuy nhiên, tổng công ty có mối quan hệ đặt biệt với các đơn vị cung cấp. Tháng 4 vừa qua, các đơn vị cũng dành cho Tổng công ty nguồn hàng nhất định để đảm bảo sản xuất. Ban lãnh đạo dự báo qua tháng 6 tình hình kể trên mới phục hồi như bình thường. Tổng công ty vẫn quản lý được hàng tồn kho tốt để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mảng nhựa đường, các dự án cao tốc đang triển khai sẽ tác động như thế nào?
Ông Lê Quang Tuấn: Năm 2020 Chính phủ triển khai nhiều dự án đầu tư công và giúp cơ hội kinh doanh nhựa đường tốt. Ban lãnh đạo tiếp tục dự báo mảng kinh doanh này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023.
Ông Đỗ Hữu Tạo: Quý II/2021 sẽ dự báo khó khăn hơn do các dự án giao thông đang ở giai đoạn làm nền nên sau đó mới đến giai đoạn trải nhựa đường. Bên cạnh đó, công tác tái xuất sang Lào và Campuchia phải cân nhắc do dịch bùng phát ở đây.
Kết quả kinh doanh quý I?
Ông Lê Quang Tuấn: Sản lượng quý I đạt 104.000 tấn, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 46,8 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận mảng dầu mỡ nhờn đạt 37 tỷ đồng, mảng nhựa đường là hơn 9 tỷ đồng, mảng hóa chất là 1,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận hợp nhất sẽ bị trừ đi khoảng 1,6 tỷ đồng từ khoản lỗ của VP.
Petrolimex có giảm vốn?
Ông Đỗ Hữu Tạo: Thời điểm giảm vốn là bài toán của cả hệ thống Petrolimex nói chung. Trong đề án thành lập Tập đoàn xăng dầu Việt Nam có quy định tỷ lệ sở hữu tại Hóa dầu Petrolimex là 79,07%. Lĩnh vực tổ chức sản xuất của công ty là ngành hàng trọng tâm chính của Petrolimex mang thương hiệu của đơn vị này. Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn như thế nào sẽ do Petrolimex quyết định.
Kế hoạch 2021 sản lượng giảm nhưng doanh thu tăng nghĩa là giá bán tăng?
Ông Lê Quang Tuấn: Lĩnh vực dầu mỡ nhờn có những mặt hàng giá bán bình quân tăng 7% nhưng việc bán ra phụ thuộc nhiều yếu tố trên thị trường, trong đó lĩnh vực này hiện có nhiều đơn vị nước ngoài cạnh tranh. Lĩnh vực này được tổng công ty ưu tiên giữ thị phần và cân nhắc tăng giá bán hợp lý vừa phải để giữ được khách hàng do nhiều khách hàng gặp khó khăn. Lĩnh vực nhựa đường và hóa chất cũng được tổng công ty làm như vậy.