Đã từng là một cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán nhưng cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 đã liên tục đi xuống sau sự cố với Youtube hồi đầu năm 2019. Dù Yeah1 liên tục khẳng định sẽ sớm trở lại, nhưng tính đến nay, lời hứa của doanh nghiệp vẫn chưa thể thành hiện thực, thậm chí còn theo chiều hướng xấu đi.
Liên tục dò đáy bất chấp thị trường đạt đỉnh, nhiều cổ phiếu vượt mức giá lịch sử,
YEG còn bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12/4. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là âm 385,33 tỷ đồng, sang năm 2020 tiếp tục âm 181,59 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2020 là hơn 219 tỷ đồng.
Cổ phiếu liên tiếp dò đáy
Lên sàn từ năm 2018 với tham vọng trở thành doanh nghiệp kỳ lân với vốn hoá chạm ngưỡng tỷ USD nhưng Yeah1 lại liên tục gây thất vọng cho nhà đầu tư. Từ mức giá cao ngất ngưởng hơn 300.000 đồng/cp đến nay cổ phiếu
YEG chỉ còn giao dịch quanh vùng giá 20.000 đồng/cp.
Từ một "siêu" cổ phiếu với mức giá hơn 300.000 đồng/cp đến nay YEG chỉ còn giao dịch quanh vùng giá 20.000 đồng/cp.
Lần gây thất vọng gần nhất của
YEG là giai đoạn kể từ đầu tháng 4 tới nay. Bất chấp việc chỉ số đại diện của thị trường Vn-Index liên tiếp thiết lập đỉnh mới trước sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền nội thì
YEG lại đi ngược xu thế khi giảm giá 12/14 phiên giao dịch, trong đó có 7 phiên giảm sàn liên tiếp.
Theo đó, thị giá của
YEG lao dốc từ mức giá 39.150 đồng/cp (phiên 1/4) xuống còn 20.500 đồng/cp (phiên 19/4), tương đương gần 48%. Nếu tính trong vòng 1 năm qua, thị giá của
YEG giảm 66,6%, còn so với mức đỉnh 343.000 đồng/cp hồi mới chào sàn (tháng 6/2018) thì
YEG đã mất hơn 94% giá trị.
Nếu bỏ 1 tỷ đồng mua vào cổ phiếu Yeah1 cách đây gần 3 năm, giá trị khoản đầu tư giờ chỉ còn lại khoảng 60 triệu đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị giá liên tiếp lao dốc, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống- Chủ tịch HĐQT Yeah1 lại khá tích cực bán ra cổ phiếu. Gần đây nhất, trong thời gian giao dịch từ 5-12/4, ông Tống đã bán thành công 250.000 cổ phiếu
YEG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 24,72% vốn.
Trước đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã bán hơn 5 triệu cổ phiếu
YEG từ ngày 17/2 đến ngày 19/2/2020, qua đó, nhằm hạ tỷ lệ sở hữu từ 41,66% vốn xuống còn 25,52% vốn, tương ứng gần 8 triệu cổ phiếu.
Nguồn cơn của việc kinh doanh bết bát, cổ phiếu lao dốc của Yeah1 là việc bị Youtube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những sai phạm liên tục và lặp lại trong quản lý nội dung kể từ đầu năm 2019.
Để trấn an các cổ đông, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống lên tiếng cho biết, Youtube chỉ chiếm phần nhỏ trong hệ sinh thái của Yeah1 và khẳng định Yeah1 sẽ quay trở lại, thậm chí liên tiếp ra thông báo mua cổ phiếu quỹ để bình ổn thị trường. Tuy nhiên đến nay, sự chuyển mình của Yeah1 vẫn chỉ dừng lại ở quyết tâm.
Kế hoạch thoát lỗ mong manh?
Nhìn vào những gì đang diễn ra tại Yeah1 có thể thấy, sau tất cả điều còn lại ở doanh nghiệp tính đến hiện tại là sự nhiệt huyết để tái khởi nghiệp của người đứng đầu khi đưa ra phương án khắc phục lỗ sau thuế trong năm nay.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Yeah1 dự kiến sẽ đem về 2.710 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi thực hiện năm 2020; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 174 tỷ đồng.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, Yeah1 sẽ tiếp tục đẩy mạnh 2 mảng cốt lõi là kỹ thuật số (Digital) và thương mại truyền thông (Gigal), mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài để xây dựng các nền tảng truyền thông mới nhằm đa dạng hóa nguồn thu và đồng thời đầu tư phát triển nội dung số có chất lượng.
Ngoài ra, Yeah1 cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc dùng thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế năm 2020. Được biết, tính tới 31/12/2020, doanh nghiệp có thặng dư vốn cổ phần là 772,9 tỷ đồng. Nếu như xoá toàn bộ lỗ luỹ kế năm 2020 là hơn 219 tỷ đồng, công ty còn thặng dư vốn cổ phần 553,62 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp này thực hiện xoá lỗ lũy kế bằng thặng dư vốn cổ phần. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, Yeah1 đã thông qua việc sử dụng một phần nguồn thặng dư vốn cổ phần để xoá lỗ luỹ kế tới thời điểm 31/12/2019, với mức lỗ luỹ kế 305,4 tỷ đồng.
Yeah1 cho rằng, giải pháp này nhằm lành mạnh hoá tình hình tài chính của công ty. Nếu kế hoạch này được thông qua, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, doanh nghiệp trích ra 524,7 tỷ đồng từ thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc sử dụng thặng dư vốn để xoá lỗ lũy kế chỉ là giải pháp tình thế mà các doanh nghiệp kinh doanh khó khăn sử dụng để làm sạch bảng cân đối kế toán.
Bởi lẽ, việc này không làm thay đổi được các hệ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp như nợ trên vốn chủ sở hữu, nợ trên tổng nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn (ROE), hiệu quả sử dụng tài sản (ROA)…, vốn là các chỉ tiêu quan trọng khi ngân hàng, đối tác xem xét đầu tư, cho vay.
Hơn nữa, động thái "lỗ tới đâu xoá tới đó" bằng thặng dư vốn cổ phần của Yeah1 cũng khác biệt khá nhiều với các doanh nghiệp khác. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ giữ lỗ luỹ kế để được khấu trừ thuế trong các kỳ tiếp theo, giảm số thuế phải nộp từ đó tăng sức mạnh của dòng tiền.
Từ những vấn đề còn tồn tại, cùng với "dớp" quyết tâm hụt của những năm trước đó, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại với sức khoẻ của Yeah1, thậm chí có ý kiến cho rằng, cổ phiếu
YEG đang nằm lộ trình về với mệnh giá (10.000 đồng/cp).