Chi phí lãi vay của Nhựa Tiền Phong giảm từ 30 tỷ về 8 tỷ đồng nhờ dư nợ bình quân giảm và lãi suất vay giảm.
Biên lợi nhuận doanh nghiệp nhựa cải thiện nhẹ từ 32% lên 33%.
Theo BCTC hợp nhất quý I, Công ty Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX:
NTP) ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 11,3% nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.
Biên lãi gộp trong kỳ cải thiện nhẹ từ 31,8% lên 32,9% giúp lãi gộp đạt 349 tỷ đồng, tăng 15%. Cùng với đó, chi phí tài chính giảm mạnh từ 39 tỷ về 15,6 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm từ 34 tỷ về 28 tỷ đồng, chi phí bán hàng duy trì mức tương đương cùng kỳ năm trước 158 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng cùng chi phí tài chính giảm khi số dư nợ vay bình quân cùng lãi suất tiền vay giảm. Cụ thể, chi phí lãi vay giảm từ 30 tỷ về 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp phát sinh chi phí chiết khấu thanh toán, lãi bán hàng trả chậm 7,3 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Tại thời điểm cuối kỳ, doanh nghiệp ghi nhận 300 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, thời điểm đầu năm không có; 665 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, gấp hơn 3 lần đầu năm.
Doanh nghiệp giảm đáng kể nợ vay ngắn hạn từ 910 tỷ về 576 tỷ đồng, vay dài hạn giảm từ 35 tỷ về 31 tỷ đồng. Trong năm 2020, đơn vị cũng đã giảm được 550 tỷ đồng nợ vay từ gần 1.500 tỷ đồng về 944 tỷ đồng.
So với kế hoạch năm, Nhựa Tiền Phong mới thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và 35,4% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế. Theo thời vụ, quý I là thời điểm doanh nghiệp nhựa ghi nhận lợi nhuận thấp nhất năm.