Dù IFC đang thoái vốn, VietinBank cũng không có ý định chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư mới. MUFG vẫn là nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng.
Chủ tịch VietinBank kiến nghị nên sớm luật hóa Nghị quyết 42 tạo cơ sở mạnh hơn để xử lý nợ xấu trong tương lai.
Ngân hàng kiểm soát dư nợ vào các lĩnh vực rủi ro, tỷ trọng cho vay bất động sản dưới 5% tổng dư nợ.
Bên lề phiên họp thường niên 2021, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank (HoSE:
CTG) chia sẻ về định hướng hoạt động tín dụng, quá trình tăng vốn và một số vấn đề của ngân hàng.
- Vừa qua, NHNN chỉ đạo kiểm soát tín dụng vào chứng khoán, bất động sản, VietinBank thực hiện việc giải ngân các nhóm này và định hướng chung như thế nào?
- VietinBank là ngân hàng thương mại quốc gia, vì vậy sự phát triển gắn liền với kế hoạch điều hành chung của cơ quan Nhà nước. Trong hoạt động tín dụng, ngân hàng sẽ cung ứng vốn phù hợp với nhu cầu từng ngành và từng địa phương, người dân. Chúng tôi luôn hướng dòng vốn vào các lĩnh vực thiết yếu.
Với bất động sản, chứng khoán, ngân hàng có chính sách để đáp ứng nhu cầu chính đáng nhưng cũng quản trị rủi ro chặt để dòng vốn đi vào phục vụ đời sống, xã hội mà vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Tỷ trọng cho vay bất động sản của VietinBank dưới 5%, chủ yếu là cho vay mua nhà ở, không cho vay đầu tư. Ngân hàng hướng đến mục đích tiêu dùng thực của khách hàng.
Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Lê Đức Thọ. Ảnh: L.H
Về định hướng chung, ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở vùng thấp nhất trên thị trường, phí dịch vụ cũng thấp nhất, để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính, từ đó phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế .
Lãi suất mặt bằng chung ở mức thấp là rất tốt khi lạm phát được kiểm soát. Với vai trò là ngân hàng thương mại lớn, VietinBank sẽ chú trọng về tỷ trọng cho vay, cơ chế tín dụng để cân đối chung giữa mục tiêu vĩ mô và kế hoạch riêng của ngân hàng.
- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021 về cơ cấu nợ, giãn nợ, quy định về trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu. Điều này tác động như thế nào đến hoạt động doanh nghiệp, ngân hàng và VietinBank nói riêng, thưa ông?
- Thông tư 03 quy định về điều kiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) xác định các khoản nợ cơ cấu, điều kiện để miễn giảm lãi, cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng. Việc miễn, giảm lãi, phí đối với khoản vay của khách hàng, theo quy định tại thông tư thực hiện đến ngày 31/12/2021. Đồng thời, Thông tư số 03 cũng bổ sung quy định về trích lập dự phòng rủi ro, cho phép TCTD giãn, phân bổ trích lập dự phòng trong 3 năm.
Có thể nói, sự ra đời của Thông tư 03 đến từ việc tiếp thu, điều chỉnh phù hợp với các kiến nghị đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, các TCTD. Nội dung của thông tư giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn và tạo nhiều điều kiện hơn để giúp doanh nghiệp, người dân, TCTD khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra. Trong quá trình lấy ý kiến, VietinBank cũng đã đóng góp, chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế hoạt động để góp ý phù hợp.
- Bên cạnh Thông tư 03, những năm qua, Nghị quyết 42/2017 có tác động như thế nào đến hoạt động xử lý nợ của ngân hàng?
- Nghị quyết 42 là quyết định đúng và cần thiết đối với ngành ngân hàng, tạo ra cơ chế pháp lý, cơ sở để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Qua một số năm, với sự vào cuộc của các ngân hàng và các tổ chức, ban, ngành, công tác xử lý thu hồi nợ của VietinBank nói riêng và toàn ngành đạt được kết quả tích cực.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện nghị quyết thời gian qua, tôi cho rằng nên sớm hoàn chỉnh, bổ sung các quy định để luật hóa Nghị quyết 42/2017. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, mạnh mẽ hơn, xử lý nợ xấu hiệu quả hơn trong dài hạn.
- Một trong những vấn đề được quan tâm của VietinBank là triển khai tăng vốn từ lợi nhuận để lại, tiến độ của quá trình ra sao?
- Hiện nay, phương án tăng vốn của ngân hàng đã được trình lên Chính phủ và đợi phê duyệt. Sau khi Chính phủ đồng ý, ngân hàng sẽ triển khai ngay tăng vốn điều lệ đảm bảo các hệ số an toàn vốn, nâng cao chất lượng tài chính, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc tăng vốn vẫn đang được thực hiện theo đúng quy trình và ngân hàng sẽ sớm có thể triển khai trong thời gian tới.
- IFC (International Finance Corporation) đang thoái vốn tại VietinBank, ngân hàng có ý định tìm kiểm nhà đầu tư mới không?
- Việc IFC thoái vốn hoàn toàn là yếu tố mang tính thị trường. Lượng cổ phiếu IFC bán ra đều được thị trường hấp thụ. Với VietinBank, cổ đông chiến lược vẫn là The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ (MUFG), ngân hàng chưa có kế hoạch chào bán, tìm kiếm nhà đầu tư mới.
- Xin cảm ơn ông.