15h00
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,01 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 25.292 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh chiếm 22.720 tỷ đồng, trong đó, riêng sàn HoSE là 18.600 tỷ đồng.
Khối ngoại quay đầu bán ròng trở lại 134 tỷ đồng bất chấp việc MWG được mua ròng lên đến hơn 660 tỷ đồng trên HoSE. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh có HPG, VPB...
14h48
Trong phiên ATC, áp lực bán tháo xuất hiện và khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn như PVS, HSG, VRE, MSN, PVD, GVR... Bên cạnh đó, các mã như CTG, STB, VHM, BID hay MBB cũng giảm trên 4%.
Các mã cổ phiếu vừa và nhỏ như FTM, KBC, SMC, AAA, CTS, DLG, DRH, FCN... cũng đua nhau giảm sàn.
VN-Index chốt phiên giảm 40,46 điểm (-3,19%) xuống còn 1.227,82 điểm, đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ hôm 8/2 (-3,88%). HNX-Index giảm 9,44 điểm (-3,18%) xuống 287,04 điểm.
14h20
Áp lực bán trên diện rộng khiến nhiều cổ phiếu lớn nhỏ lao dốc và điều này tác động xấu đến xu hướng của các chỉ số. VN-Index hiện giảm 26,01 điểm (-2,05%) xuống 1.242,27 điểm. HNX-Index 7,59 điểm (-2,56%) xuống 288,89 điểm. UPCoM-Index giảm 1,68 điểm (-2,06%) xuống 80,05 điểm.
Hiện tại, GVR giảm sàn xuống 23.450 đồng/cp, CTG giảm 4,3% xuống 40.200 đồng/cp, MSN giảm 4,1% xuống 101.200 đồng/cp, VIC giảm 3,2% xuống 138.500 đồng/cp, PLX giảm 3,2% xuống 51.200 đồng/cp...
13h44
Áp lực bán tiếp tục dâng cao ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến các chỉ số bị nới rộng đà giảm. Trong đó, VN-Index có lúc giảm đến hơn 16 điểm. Các mã như GVR, PVS, THD, BAB, PVD, HVN, PLX...đều giảm trên 2%.
Hiện tại, VN-Index đang giảm 9,61 điểm (-0,76%) xuống 1.258,67 điểm. HNX-Index giảm 5,93 điểm (-2%) xuống 290,55 điểm. UPCoM-Index giảm 1,27 điểm (-1,55%) xuống 80,46 điểm.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 6,73 điểm (-0,53%) xuống 1.261,55 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng, 311 mã giảm và 30 mã đứng giá. HNX-Index giảm 5,11 điểm (-1,72%) xuống 291,37 điểm. Toàn sàn có 47 mã tăng, 169 mã giảm và 38 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,16 điểm (-1,42%) xuống 80,57 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 500 triệu cổ phiếu, trị giá 12.900 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh là 11.300 tỷ đồng, riêng sàn HoSE chiếm 9.400 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng hơn 111 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này tập trung mua ròng mạnh MWG với 661 tỷ đồng. Trong khi đó, HPG, VPB, VSC... bị bán ròng mạnh.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h14
Sắc đỏ đã bao trùm lên nhóm cổ phiếu trụ cột trên thị trường và điều này khiến đà giảm của các chỉ số bị nới rộng, trong đó, GVR giảm 3,6%, PVS giảm 3%, PVD giảm 2,5%, SSB giảm 2,2%, CTG giảm 1,5%, HVN giảm 1,3%.
Chiều ngược lại, VPB, MWG, VCB... là các cổ phiếu trụ cột hiếm hoi còn tăng mạnh và góp phần kìm hãm đáng kể đà giảm của VN-Index. VPB hiện đang tăng 3,8% lên 51.400 đồng/cp, MWG tăng 2,9% lên 146.600 đồng/cp, VCB tăng 1,2% lên 104.200 đồng/cp.
Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lao dốc mạnh, trong đó, FTM, DLG, HAG, PMG, PXS... đều bị kéo xuống mức giá sàn.
Hiện tại, VN-Index giảm 5,68 điểm (-0,45%) xuống 1.262,6 điểm. HNX-Index giảm 5,05 điểm (-1,7%) xuống 291,43 điểm. UPCoM-Index giảm 1,18 điểm (-1,44%) xuống 80,55 điểm.
9h54
HPG sau khoảng thời gian bị bán mạnh đầu phiên thì hiện tại tăng trở lại 1% lên 57.800 đồng/cp và khớp lệnh 8,9 triệu cổ phiếu sau thông tin về kết quả kinh doanh quý I được tiết lộ trong cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra sáng 22/4. Theo đó, Hết quý I, công ty đạt doanh thu 31.000 tỷ đồng, tăng 63% và lãi sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, trong đó riêng lãi từ hoạt động kinh doanh 6.500 tỷ đồng và lãi từ thoái vốn công ty nội thất 500 tỷ đồng.
9h45
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 22/4 với những diễn biến khá tiêu cực khi sự rung lắc xảy ra. Khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán mạnh và giảm sâu, điều này tác động xấu đến đường đi của các chỉ số.
Tuy nhiên, lực cầu vẫn khá mạnh nên khiến các chỉ số rơi vào trạng thái giằng co với những đợt tăng, giảm điểm đan xen.
Hiện tại, các mã như NVL, PVS, PVD, THD, SSB, TCB... đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, NVL giảm 1,5% xuống 106.900 đồng/cp, THD giảm 3,1% xuống 197.000 đồng/cp, PVS giảm 1,7% xuống 22.800 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, lực cầu vẫn duy trì tốt ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó, VHM tăng 2,2% lên 111.000 đồng/cp, MWG tăng 2,2% lên 145.200 đồng/cp, VCB tăng 1,5% lên 104.500 đồng/cp.
VN-Index giảm 0,79 điểm (-0,06%) xuống 1.267,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 147 triệu cổ phiếu, trị giá 4.100 tỷ đồng. HNX-Index giảm 3,72 điểm (-1,25%) xuống 292,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,5 triệu cổ phiếu, trị giá 780 tỷ đồng. UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,7%) xuống 81,16 điểm.
VN-Index có phiên tăng điểm khá mạnh trong phiên 20/4 với sự nâng đỡ từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VHM... Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,07 tỷ cổ phiếu, trị giá 27.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 24.700 đồng/cp.
Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng hơn 554 tỷ đồng trong phiên 20/4 và tập trung vào các mã lớn như VHM, VNM, CTG, HPG...
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có thể tiếp tục rung lắc trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại 1.235 – 1.260 điểm.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 21/4, Nasdaq tăng mạnh nhất với 1,2% lên 13.950,22 điểm. Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 0,9%. Khối lượng cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 9,22 tỷ, thấp hơn mức trung bình của 20 phiên giao dịch gần nhất là 10,44 tỷ.
Giá dầu giảm trước thông tin Iran và các cường quốc sẽ đàm phán để cứu thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Giá dầu Brent giảm 2% xuống 65,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,1% xuống 61,35 USD/thùng. Đây đều là các mức giá thấp nhất kể từ ngày 13/4.