Hiện, 99% công việc của Coteccons liên quan xây dựng nhà ở nhưng mới chỉ chiếm 7% thị phần.
Chủ tịch HĐQT cho rằng đa dạng hóa các mảng kinh doanh sẽ giúp Coteccons không phụ thuộc vào vòng xoáy thị trường, chu kỳ tăng giảm của ngành bất động sản.
Đại diện ban điều hành khẳng định việc đa dạng hóa ngành nghề là xu hướng tất yếu, nhiều mảng kinh doanh khác có hiệu quả tốt.
Coteccons muốn đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh. Ảnh: CTD
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons (HoSE:
CTD) khẳng định trong 5 năm tiếp theo, công ty sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động, mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác như hạ tầng, năng lượng, tổng thầu (EPC), thiết kế thi công....
Ông Bolat cho rằng nếu đa dạng hoá được các mảng kinh doanh thì Coteccons không phụ thuộc vào vòng xoáy thị trường, chu kỳ tăng giảm của ngành bất động sản. Muốn phát triển bền vững thì phải mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác dựa trên nền tảng cốt lõi là xây dựng. Coteccons là công ty xây dựng hàng đầu, tập trung 99% vào xây dựng nhưng mới chỉ chiếm 7% thị phần, còn rất nhiều dư địa tăng trưởng. Thay vì xây dựng toà nhà, Coteccons có thể xây dựng công nghiệp, nhà máy, khu chế xuất…
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó Tổng giám đốc nói về chiến lược đa dạng hóa của Coteccons. Hiện tại, 99% công việc của Coteccons liên quan xây dựng nhà ở, còn nhiều việc khác chưa làm như hạ tầng, tổng thầu EPC (năng lượng, nhà máy, tàu điện ngầm), dịch vụ tài chính, quản lý tài sản. Ông Quốc khẳng định có các lý do chính để Coteccons chuyển đổi. Thứ nhất là sự cạnh tranh ngành xây dựng ngày càng trở nên khốc liệt, lợi nhuận thấp trong các dự án xây dựng. Thứ 2 là tiềm năng thị trường ngoài dân dụng và công nghiệp rất lớn. Thứ 3, nhà đầu tư đang đa dạng hóa công việc đầu tư. Thứ 4 là xu thế chung của các tập đoàn xây dựng, thực hiện chuyển đổi nhiều mảng khác nhau…
Ông Quốc lấy dẫn chứng hệ thống metro ở Hà Nội mới xây 2/8 tuyến, còn TP HCM là 1/8 tuyến đang xây dựng. Giá trị đều trên 2 tỷ USD cho mỗi tuyến metro. Để hoàn thành 2 hệ thống này, Việt Nam cần 50 năm nữa, do đó Coteccons cần chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Hoặc tuyến cao tốc Bắc Nam có 6.400 km đến 2030, mỗi km cao tốc có giá trị xây dựng là 200 tỷ đồng, nhưng mới chỉ hoàn thành 20% (1.300 km) còn 80% thì chưa làm. Coteccons sẽ làm.
Mảng năng lượng điện gió, Coteccons cũng đang cố gắng dấn thân, có 55.000 MW đang được đề xuất xây dựng, mỗi MW giá 20 tỷ đồng, thực tế mới 377 MW được đưa vào khai thác, còn nhiều việc cần làm. Còn mảng xây dựng sân bay, riêng sân bay Long Thành, chi phí xây dựng giai đoạn 1 là 4 tỷ USD. Tại sao Coteccons lại đứng ngoài cuộc, ông Quốc đặt câu hỏi.
Để thực hiện đa dạng hóa, ông Quốc vạch ra Coteccons cần lập các phòng ban mới, tìm kiếm các khách hàng FDI mới, thiết lập hợp tác chiến lược, thực hiện M&A các công ty chuyên nghiệp trong các lĩnh vực, hỗ trợ tài chính (từ tiền nhàn rỗi, sử dụng vốn ngân hàng) và tự mình đầu tư vào các dự án PPP, BOT, PFI.
Trong 2021 – năm đầu tiên thực hiện chiến lược đa dạng hóa, Coteccons sẽ ký hợp tác chiến lược với 2 tổ chức tư vấn, 2 nhà thầu; ký hợp đồng ít nhất 1 dự án năng lượng, 1 dự án hạ tầng; hỗ trợ vốn ít nhất 2 dự án bất động sản; nghiên cứu ít nhất 5 công ty cho mục tiêu M&A ngành hạ tầng. Ngoài ra, công ty sẽ thành lập phòng EPC, tập trung cho mảng năng lượng; thành lập phòng hạ tầng; thành lập phòng kinh doanh sản phẩm phi truyền thống; củng cố ban đầu tư; thành lập bộ phận hỗ trợ khách hàng FDI (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Đặc biệt, công ty bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực quản lý tài sản.