The PAN Group đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 26% lên 495 tỷ đồng.
Tập đoàn tiếp tục thực thi chiến lược phát triển bền vững theo chuỗi giá trị để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng cho biết luôn xác định đầu tư vào nông nghiệp, thực phẩm không thể "hái quả" một sớm một chiều, song PAN và các đơn vị thành viên đang tăng trưởng theo đúng lộ trình, có những cơ sở để bứt phá từ năm 2021.
Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 26%
Chiều 23/4, Tập đoàn
PAN (HNX:
PAN) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Cuộc họp có sự tham gia của 126 cổ đông đại diện cho hơn 76,35% số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.
Năm 2021, tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất vượt 10.025 tỷ đồng, cao hơn 20% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu đạt 495 tỷ đồng, tăng 26%. Mức cổ tức dự kiến tối thiểu 5%.
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Trà My cho biết tập đoàn định hướng năm 2021 sẽ đẩy mạnh thực thi chiến lược phát triển bền vững theo chuỗi giá trị để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Về hoạt động kinh doanh, tập đoàn tập trung cho mảng tôm xuất khẩu với nhà máy chế biến công suất 15.000 tấn, duy trì tăng trưởng 20-30% tại mảng giống cây trồng, tập trung vào các dòng sản phẩm bánh kẹo cao cấp hơn, nâng công suất mảng chế biến hạt nhờ mở rộng kênh phân phối…
Về hoạt động đầu tư, tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn tất các kế hoạch M&A với Bibica (BBC) và Khử trùng Việt Nam (VFG), đồng thời tìm kiếm các mục tiêu M&A tiềm năng để hoàn thiện chuỗi giá trị.
Năm ngoái
PAN ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lần lượt 8.329 tỷ đồng và 188 tỷ đồng, tương đương 105% và 124% kế hoạch đề ra. Với kết quả này, HĐQT trình cổ tức là 5% bằng tiền mặt, đã được tạm ứng vào quý I.
Bứt phá trong năm 2021
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng chia sẻ ngay từ khi bắt đầu bỏ vốn vào đầu tư nông nghiệp, thực phẩm, ông và các đồng sự đã xác định đây không thể là lĩnh vực có thể tăng trưởng nhanh, "hái quả" trong một sớm một chiều. Tuy vậy, đến nay, khi Tập đoàn
PAN đang dần hoàn tất quá trình xây dựng chuỗi giá trị, doanh nghiệp đã có những cơ sở để tạo được bứt phá trong thời gian tới.
Cụ thể trong năm 2021, tập đoàn chắc chắn sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) lên 51%. Khi Vinaseed và VFG ở trong cùng "một gia đình" thì sẽ có nhiều thuận lợi về kênh phân phối, từ đó hoạt động tốt hơn và tăng hiệu quả hơn.
Việc sản xuất gạo cũng không chỉ dừng lại ở việc thu mua. Theo đó,
PAN sẽ nghiên cứu để làm chuỗi giá trị thương hiệu gạo nhằm xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước, mang lại tăng trưởng tốt hơn cho
PAN Farm.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN chia sẻ tại cuộc họp.
Đối với
PAN Food, tập đoàn sẽ nhanh chóng tăng sở hữu tại Bibica lên 100% và kiếm một đối tác chiến lược cùng ngành nghề ở nước ngoài để sản xuất sản phẩm Việt Nam với chất lượng quốc tế, nhằm cạnh tranh các công ty khác.
Huro Probiotics thì nhanh chóng đưa các chế phẩm sinh học vào sản phẩm bởi chế phẩm này đang thịnh hành. Tập đoàn cũng vừa hoàn thành nhà máy Probiotics đầu tiên ở Việt Nam, đây là mảng hứa hẹn cho
PAN Food.
Ngành tôm cũng vừa thả giống và chưa bao giờ có được năng suất tốt như năm nay. Điều này rất có ý nghĩa bởi sự Coivd-19 hoành hành thời gian qua đã khiến nguồn nguyên liệu năm tới rất khó khăn, các công ty nhập từ Ấn Độ và Indonesia không còn dễ nữa.
"Đầu tư vào nông nghiệp thì đừng hy vọng nó tăng trưởng vùn vụt, nhưng mọi thứ ở
PAN đang tăng trưởng rất tốt theo đúng lộ trình đề ra", Chủ tịch
PAN Group chia sẻ.
Nâng sở hữu cao nhất có thể ở các công ty thành viên
Trả lời thắc mắc của cổ đông tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng cho biết chiến lược của
PAN là kiểm soát các công ty để sau đó tham gia định hướng chiến lược cho các đơn vị thành viên. Bản thân tập đoàn sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên cao nhất có thể và sau đó kiếm các đối tác chiến lược để cùng tham gia phát triển trên nền tảng đã thực hiện.
“Lotte là công ty niêm yết ở Hàn Quốc và Bibica niêm yết ở thị trường Việt Nam, do đó các giao dịch thỏa thuận phải chào mua công khai và công bố cùng thời điểm ở các thị trường khác nhau. Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận là Lotte cứ thoái vốn và chúng tôi sẽ chào mua công khai lên tối đa 100%, điều này sẽ được thực hiện sớm trong năm nay, có thể đến hết quý II”, ông Hưng tiết lộ về kế hoạch tăng sở hữu tại Bibica.
Đối với VFG, tập đoàn đã chào mua công khai 2 lần và chưa đạt được mục tiêu. Các cổ đông hiện hữu nắm giữ cổ phiếu VFG đều xác định đây là công ty tiềm năng hoặc có lý do nào đó chưa muốn bán tại mức giá
PAN chào mua. “Chúng tôi vẫn kiên trì với chiến lược này và cố gắng hoàn thành trong vòng 6 tháng tới, để đưa tỷ lệ sở hữu tại VFG lên ít nhất 51%”, Chủ tịch
PAN Group nói thêm.
PAN sẽ không bị thâu tóm bởi nước ngoài
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, với các quy định, điều lệ hiện nay thì không bao giờ có chuyện
PAN bị nước ngoài thâu tóm. Lý do là một số ngành pháp luật quy định không cho nước ngoài chi phối như giống thực vật, do đó điều lệ
PAN đang quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49%.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết thêm là các nhóm cổ đông lớn đang sở hữu
PAN cũng chưa bao giờ có ý định thoái vốn cho nước ngoài. Do đó từ luật pháp đến thực tế, chuyện nước ngoài có thể chi phối
PAN là không xảy ra.
Tập trung nguồn lực cho hoạt động R&D
CEO Nguyễn Thị Trà My chia sẻ với các tập đoàn lớn thì việc nghiên cứu sản phẩm rất quan trọng và
PAN Group không nằm ngoài việc này. Tập đoàn hiện có 15 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trải dài khắp từ Bắc đến Nam và đội ngũ hơn 70 nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ. Gần nhất là
PAN hợp tác với công ty dược ở Anh quốc và các chuyên gia tại đây để nghiên cứu loại thuốc chống cúm và hy vọng sắp tới có kết quả để thông báo.
“Chúng tôi cũng có những cuộc thi chọn ý tưởng kinh doanh, có rất nhiều ý tưởng hay được chia sẻ, đề xuất tham dự và thậm chí vận dụng vào sản xuất trong hoạt động doanh nghiệp như giống lúa Đài Thơm 8 hay một chế phẩm cho nuôi tôm”, bà My nói thêm.
Làm sao để liên kết các đơn vị thành viên
Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề thương hiệu của các công ty thành viên, ông Hưng nhìn nhận The
PAN Group có các công ty thành viên mà họ còn tồn tại trước khi thành lập
PAN. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là khi họ nhập vào
PAN thì tốt hay xấu hơn và câu trả lời là họ tốt hơn rất nhiều.
Vị lãnh đạo lấy ví dụ như Vinaseed từ một công ty nhỏ đã trở thành tập đoàn giống hàng đầu Việt Nam. Từ công ty tốt nhưng khả năng tăng trưởng chưa cao thì Sao Ta về với
PAN đã có chiến lược phát triển tăng trưởng tốt hơn nhiều. Hay như Bibica từ chỗ có mâu thuẫn thì giờ đã tích hợp lại để cùng phát triển…
Một vấn đề quan trọng khác là làm sao để có được các sản phẩm chất lượng, ví như người ta biết nhiều đến gạo VJ hay nước mắm 984 chứ không phải là công ty sản xuất, hay như các sản phẩm nổi bật gần đây là bánh kẹo Huro và hạt điều bán trên Amazon.
Chủ tịch Tập đoàn
PAN khẳng định đây là tập đoàn nông nghiệp, trên cơ sở chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp đến thực phẩm, cho nên mọi thứ rất khó để nhanh. Làm nông nghiệp mà không kiểm soát được giống thì khó phát triển bền vững, nhưng để nghiên cứu được giống thì câu chuyện không phải tính bằng tháng hay một năm, mà là câu chuyện của nhiều năm hay cả thế hệ.
“Nếu ai có ý định đầu tư cùng chúng tôi thì đây là câu chuyện dài hơi, còn chỉ mua vào bán ra cổ phiếu thì chưa đúng. Những người sáng lập ra
PAN là những người làm tài chính nhưng khi vào đây rồi thì không còn nhìn ở câu chuyện tài chính nữa, mà là câu chuyện của sản xuất kinh doanh”, ông Hưng bổ sung.