Vinaseed đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận 266 tỷ đồng trong năm nay, tăng lần lượt hơn 10% và 24% so với kết quả kinh doanh 2020.
Vinaseed đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25% mỗi năm, trong thời gian tới.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra hôm nay nay (27/4), Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - HoSE:
NSC), thành viên Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận 266 tỷ đồng, tăng lần lượt hơn 10% và 24% so với kết quả kinh doanh 2020. Công ty dự định sẽ chia cổ tức 30-40%.
Đại hội Cổ đông Vinaseed diễn ra sáng nay (27/4).
Đồng thời, Vinaseed cũng đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25% mỗi năm và chi phối thị trường giống cây lương thực Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược phát triển tập đoàn 2022-2026 và tái cấu trúc tổ chức của Vinaseed theo hướng tinh gọn, giảm đầu nối và nâng cao năng lực điều hành cũng được đưa ra tại đại hội.
Năm qua, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nhưng doanh thu của Vinaseed vẫn đạt 1.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 194,8 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch và chia cổ tức 40% bằng tiền mặt. Đồng thời, thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) là 299,5 tỷ đồng, bằng 138% kế hoạch.
Trong phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi về việc doanh thu từ giống Đài Thơm 8 hiện chiếm tỷ trọng khá lớn, việc phụ thuộc vào một giống như vậy tiềm ẩn rủi ro, HĐQT và Ban Điều hành có phương hướng quản lý như thế nào?
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed Group, cho biết hiện trong cơ cấu sản phẩm kinh doanh của Vinaseed, Đài Thơm 8 chiếm khoảng 30% trên tổng số 80.000 tấn gạo xuất khẩu và tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bà Liên thừa nhận việc doanh thu đến từ một loại sản phẩm nào đó với tỷ lệ hơn 20% đã là rủi ro rồi nhưng Vinaseed đã kịp thời nhận diện và có những giải pháp xử lý.
"Về phía Vinaseed và các đơn vị thành viên, chúng tôi có cơ cấu sản phẩm khác rất nhiều. Trong 74% cơ cấu sản phẩm của lúa thuần, Đài Thơm 8 chiếm khoảng 30%. Rủi ro ở đây có thể là ở Vinarice, bởi 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang phụ thuộc vào Đài Thơm 8", bà Liên nói.
Giải pháp mà Vinaseed đã thực hiện là phát triển mạnh giống VNR20 (giống chủ lực ở miền Bắc) để bổ sung cơ cấu cho Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ Hè - Thu. Đồng thời, giống Đài Thơm 8 chỉ là giống lúa thuần.
Doanh nghiệp cũng chủ trương đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, trong đó nâng dần tỷ trọng các giống rau, màu lên và giảm tỷ trọng giống lúa thuần. Đồng thời, trong chiến lược phát triển sản phẩm, Vinaseed đã đa dạng hóa và tránh phụ thuộc vào một loại giống. Bên cạnh đó, Vinaseed còn đưa tỷ trọng hạt lai (ngô lai, rau lai, lúa lai) tăng trưởng lớn trong cơ cấu của giống lúa thuần. Đây là biện pháp giúp Vinaseed phát triển bền vững và quản trị rủi ro trong chiến lược phát triển sản phẩm.
Về tình hình phát triển gạo thương hiệu, bà Liên cho rằng đây là một trong những chiến lược phát triển chuỗi giá trị của Vinaseed, cũng như của Tập đoàn PAN, là farm-food-family. Vinaseed tập trung phát triển gạo thương hiệu và tập trung ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo với thương hiệu Vinaseed (VJ Crystal và VJ Pearl) và Vinarice (Ban Mai).
“Chúng tôi đi theo hướng xây dựng sự khác biệt. Sự khác biệt ở đây là thực hiện chuẩn mực trong toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến cho đến việc tung sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi kiên định mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo tươi với hạn sử dụng 3-6 tháng thay vì 12 tháng như những doanh nghiệp khác”.
Trả lời về câu hỏi mục tiêu cơ cấu doanh thu năm nay, bao nhiêu % doanh thu đến từ gạo và bao nhiêu % đến từ giống, Bà Liên cho biết định hướng mảng gạo doanh thu 400 tỷ đồng trên 1.800 tỷ đồng và công ty chưa có ý định thay đổi tỷ lệ này.
Trước câu hỏi của cổ đông về tính khả thi của mục tiêu kinh doanh, bà Liên khẳng định: "Chúng tôi làm kế hoạch rất cẩn trọng, mục tiêu tăng trưởng năm nay hoàn toàn khả thi".
Cũng tại đại hội, bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC) từ 48% lên tối thiểu 51% trong năm nay để hỗ trợ Vinaseed xây dựng chuỗi giá trị khép kín.
Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN, thành viên HĐQT Vinaseed.
Ngoài ra, góp ý thêm cho định hướng phát triển sắp tới, bà My cho rằng Vinaseed cần đẩy mạnh và bài bản hơn nữa việc nghiên cứu phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và những giống rau, quả chất lượng dần thay thế sản phẩm giống nhập khẩu.
Về nguồn nhân lực, bà My cho rằng đây luôn là vấn đề nhức nhối trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Vinaseed cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và giữ chân các nhân sự chủ chốt của tập đoàn.
Thứ ba, về hoạt động marketing, bà My đánh giá việc xuất khẩu phải đẩy mạnh hơn nữa, tìm thêm những nhân sự am hiểu thị trường và tận dụng hiệu quả những FTA mà Việt Nam có.
Cuối cùng, bà Trà My nhìn nhận Vinaseed cần tăng cường việc hợp tác quốc tế để có những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh bình thường mới. Quan hệ hợp tác hướng tới các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia, qua đó rút ngắn thời gian nghiên cứu giống. “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, thay đổi để làm tốt hơn, cắt ngắn quãng đường phải đi và hoàn thành mục tiêu 3-5 năm tới”, bà Trà My nhấn mạnh.