Đại diện bộ Xây dựng cho biết việc thoái vốn Nhà nước tại Viglacera dự kiến được thực hiện trong năm 2022.
Năm 2021, công ty đặt kế hoạch lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2020.
Viglacera sẽ tiến hành đàm phàn để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.
Sáng ngày 27/4, Tổng công ty Viglacera (HoSE:
VGC) họp ĐCĐCĐ thường niên năm 2021. Kế hoạch kinh doanh năm nay với 12.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 27% so với thực hiện 2020, riêng doanh thu công ty mẹ ước đạt 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2020– trong đó công ty mẹ mục tiêu lãi trước thuế 750 tỷ đồng. Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 12%.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Viglacera. Ảnh: Bảo Lâm.
Năm 2020 Viglacera đạt 9.433 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 667 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 600 tỷ đồng. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, công ty dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 11%.
Tổng công ty cũng lên kế hoạch để cổ đông Nhà nước thoái toàn bộ cổ phần, đồng thời tiếp tục bán vốn góp tại các công ty thành viên hoạt động không hiệu quả, tăng vốn vào một số đơn vị để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo chiến lược phát triển. Tổng công ty cũng thành lập mới các công ty TNHH quản lý phần vốn của Tổng công ty theo từng nhóm lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty cổ phần để triển khai các dự án mới.
Về việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, ĐHĐCĐ thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Viglacera Hải Vân lên 800 tỷ đồng để triển khai đầu tư và đưa vào vận hành khu khách sạn 5 sao và đầu tư mở rộng giai đoạn 2.
Giai đoạn 2021-2025, Viglacera định hướng xây dựng trở thành tập đoàn kinh tế mạnh ở cả hai lĩnh vực vật liệu xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đặt mục tiêu tăng trưởng 13%/năm và riêng công ty mẹ là 9%/năm. Doanh thu hợp nhất dự kiến tăng bình quân 11%/năm, và 10% với riêng công ty mẹ. Đồng thời, công ty hướng tới tổng giá trị xuất khẩu đạt 240 triệu USD, tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Để hiện thực hóa được kế hoạch trên, Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư trong 5 năm tới với tổng giá trị 20.300 tỷ đồng với toàn Tổng công ty, trong đó riêng công ty mẹ là 13.300 tỷ đồng.
Về công tác nhân sự, ĐHĐCĐ thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Luyện Công Minh về việc thôi tham gia HĐQT và thôi giữ chức Phó Chủ tịch theo nguyện vọng cá nhân. Cùng với đó, ĐHĐCĐ thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm của bà Phạm Ngọc Bích, thôi tham gia Ban Kiểm soát và thôi giữ chức vị Trưởng Ban kiểm soát để nhận nhiệm vụ khác.
Thay vào đó, HĐQT giới thiệu ông Nguyễn Trọng Hiền – Thành viên HĐQT độc lập tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX) để bầu là Thành viên HĐQT độc lập của Viglacera. Ông Trần Mạnh Hữu được bầu làm Thành viên Ban kiểm soát của công ty. Ông Hữu hiện đang là Trưởng Ban của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước – Ban đầu tư 5.
Đại diện Bộ Xây dựng, cổ đông nắm 38,58% vốn, cho biết Bộ hiện còn nắm giữ vốn 7 tổng công ty, trong đó có 2 công ty năm 100% vốn và 5 công ty có góp vốn. Tỷ lệ của Bộ Xây dựng tại Viglacera là ít nhất nhưng doanh nghiệp này có sự ổn định và phát triển. Năm 2020, cổ tức dự kiến là 11% hơn kế hoạch 0,5%, trong khi cao nhất ở các đơn vị còn lại chỉ 5%, thậm chí có doanh nghiệp không chia. Bên cạnh đó, duy nhất chỉ có Viglacera tổ chức ĐHĐCĐ đúng theo Luật Doanh nghiệp và đủ điều kiện niêm yết tại HoSE.
Nếu không có dịch bệnh bất ngờ, Bộ Xây dựng có thể hoàn thiện việc thoái vốn theo kế hoạch. Thủ tướng cơ bản chấp thuận việc Nhà nước không nắm giữ vốn tại Viglacera và sẽ có kế hoạch thoái vốn cụ thể trong năm 2022.
Gelex vừa mới nâng sở hữu lên để trở thành công ty mẹ của Viglacera với sở hữu 225,1 triệu cổ phần (50,21% vốn).
Phần thảo luận:
- Chi tiết hoạch 2021 đầu tư vào KCN với tổng giá trị 2.400 tỷ đồng? Dự kiến năm 2021 cho thuê bao nhiêu?
- Ông Trần Ngọc Anh - Thành viên HĐQT: Phần đầu tư cho các KCN đang triển khai dở dang và đã có khách hàng đặt thuê, xếp chỗ cho năm tới là Yên Phong 2C, Yên Phong mở rộng, Tiền Hải - Thái Bình... Công ty đang đầu tư khoảng 100 ha tại KCN Thuận Thành, trên quỹ đất sạch 300-400 ha. Trong đó, cơ cấu nhiều nhất là chi phí giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng. Bên cạnh đó, công ty đầu tư hoàn chỉnh các nhà máy cấp nước sạch, xử lý nước thải tại các khu công nghiệp.
Năm 2020, doanh nghiệp đã cho thuê 137 ha. Kế hoạch 2021, các nhà đầu tư tiềm năng đã khảo sát, đàm phán thuê là 173 ha trên tổng số 8 KCN còn quỹ đất cho thuê.
- Dự kiến nâng tỷ lệ tại Công ty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ lên 51% như thế nào?
- Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc: Dự án triển khai từ năm 2013-2014, tổng mức đầu tư khoảng 120 triệu USD nên công ty chưa đủ khả năng để chiếm chi phối, thay vào đó mời đối tác để chia sẻ. Idico chiếm 30% vốn và Khải Thịnh chiếm 35%. Hiện tình hình tài chính Viglacera đã tốt nên ban lãnh đạo tính đến việc mua cổ phần chi phối để vận hành nhà máy tốt hơn. Công ty sẽ đàm phán với 2 đối tác còn lại để mua cổ phần tăng lên trên 51%.
Hiện Idico muốn tập trung vào mảng chính là KCN. Sau quá trình đàm phán, đơn vị này muốn bán cổ phần tại Công ty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ. Bên cạnh đó, Viglacear tìm cơ hội nâng sở hữu tại công ty kính Việt Nhật.