Trong khi thị trường chứng khoán liên tiếp thăng hoa, thiết lập hết mốc lịch sử này đến mốc lịch sử khác cùng những màn tăng giá ấn tượng của nhiều mã cổ phiếu thì vẫn có những cái tên lựa chọn đi ngược xu thế như CTD của Coteccons. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá chán nản với sức ì của “gã khổng lồ” này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4, cổ phiếu
CTD ghi nhận mức tăng 1,4% lên 73.000 đồng/cp với thanh khoản ở mức trung bình hơn 550.000 đơn vị. Đây là một phiên tăng khá hiếm hoi của
CTD trong vòng gần một tháng qua khi cổ phiếu này liên tiếp chìm trong sắc đỏ.
Nếu tính tại mức giá 78.200 đồng/cp của phiên giao dịch ngày 9/3 đến nay,
CTD đã “đánh rơi” hơn 7% giá trị. Trong khi đó, cũng giai đoạn này, nhiều cổ phiếu đã tăng tới vài chục phần trăm cùng với đà thăng hoa của thị trường chung. Đặc biệt, vào thời kỳ đỉnh cao,
CTD từng khẳng định vị thế độc tôn trong ngành xây dựng với sức bật mạnh mẽ từ mức giá 30.000 đồng/cp lên 200.000 đồng/cp trong suốt 2 năm.
"Sức khỏe" dần suy yếu
Sau nhiều năm lùm xùm tranh chấp giữa ban lãnh đạo và cổ đông lớn xảy ra tại Coteccons thì mọi việc đã chính thức chấm dứt từ ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 với sự ra đi đầy bất ngờ của ông Nguyễn Bá Dương và sau đó là dàn lãnh đạo cũ.
Mới đây, Hội đồng quản trị Coteccons đã có thông báo không gia hạn nhiệm kỳ vị trí quyền Tổng giám đốc đối với ông Võ Thanh Liêm - một trong những nhân sự chủ chốt cuối cùng dưới thời ông Nguyễn Bá Dương từ ngày 5/3.
Đã từng là một bluechip đắt đỏ khi giao dịch ở vùng giá 200.000 đồng/cp nhưng đến nay CTD đã mất gần 2/3 giá trị.
Thực tế, sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương đã kéo theo một hệ lụy nguy hiểm cho Coteccons là các backlog (các đơn đặt hàng mà khách hàng đã gửi nhưng chưa đến thời gian thực hiện) suy giảm mạnh. Thời kỳ hoàng kim (2015-2018), giá trị backlog được ký mới của công ty luôn bỏ xa các đối thủ, khi đạt trung bình 27.000 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, trong một báo cáo hồi cuối năm 2020, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã duy trì lo ngại cho rằng, tình hình cạnh tranh hiện tại sẽ là thách thức cho Coteccons trong việc gia tăng backlog.
VCSC giả định giá trị hợp đồng ký mới giai đoạn 2021-2025 đạt 15.000 tỷ đồng/năm, tương đương mỗi năm trong giai đoạn mới, Coteccons sẽ mất 12.000 tỷ đồng doanh thu. Đây sẽ là một sự sụt giảm lớn đáng lo ngại cho doanh nghiệp số 1 Việt Nam trong lĩnh vực tổng thầu thi công.
Đáng chú ý, nhằm huy động vốn cho hoạt động, trong phương án kinh doanh sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 tới đây, bên cạnh những con số về doanh thu và lợi nhuận có chiều hướng đi ngang, Coteccons còn đề xuất phương án chào bán khoảng 500 tỷ trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản với tổng giá trị tối đa 500 tỷ đồng hoặc một giá trị khác phù hợp với quyền hạn phê duyệt của HĐQT tùy tình hình cụ thể.
Đây là một động thái khác biệt dưới trướng lãnh đạo mới, khi Coteccons dưới thời ông Nguyễn Bá Dương không hề sử dụng đòn bẩy tài chính cả nợ vay và trái phiếu. Trước đó, lượng tiền mặt dồi dào cùng chính sách không vay nợ từng giúp Coteccons có tình hình tài chính vượt trội trong ngành.
Hướng đi khó hiểu
Thực tế, các vấn đề liên quan tới cổ đông lớn và ban lãnh đạo công ty thời gian qua đã làm thay thế toàn bộ cục diện của Coteccons hiện tại và đem lại nhiều băn khoăn cho giới đầu tư.
Lâu nay, đối với các doanh nghiệp niêm yết, biến động nhân sự cấp cao không phải chuyện hiếm nhưng đối với Coteccons lại được xem là một giai đoạn chuyển giao rất đặc thù và yếu tố thời gian sẽ là đáp án cho Coteccons.
Khi nhìn nhận lại toàn bộ sự việc, hướng đi của doanh nghiệp trong giai đoạn mới đang là một dấu chấm hỏi đối với các nhà đầu tư về con đường và vị thế của Coteccons khi những người đã từng lập nên “gã khổng lồ” này đã và đang trở thành đối thủ có sức ép vô cùng lớn lên doanh nghiệp.
Một điều nữa là các hợp đồng tiềm năng của Coteccons trước đó có khả năng sẽ bị mất và chuyển sang tay các thành viên cũ của công ty ở những công ty khác.
Đáng chú ý hơn, trong một chia sẻ mới đây về chiến lược kinh doanh năm 2021, ông Bolat Duisenov- Chủ tịch HĐQT, lại đưa ra những định hướng thiếu tính thống nhất, càng khiến cổ đông mất niềm tin vào tương lai của doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Bolat Duisenov cho biết, trong năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD với lĩnh vực chiến lược là cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, tài chính và xây dựng EPC. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025 là phát triển thành tập đoàn đa ngành với 5 trụ cột mới: khu công nghiệp và bất động sản, vật liệu xây dựng, logistics và vận chuyển, công nghệ thông tin và phát triển phần mềm, dịch vụ bảo hiểm và tài chính.
Như vậy, xây dựng sẽ không còn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Coteccons, trong khi những lĩnh vực kinh doanh được đưa ra đều khá mới, không thuộc sở trường của doanh nghiệp ngoại trừ lĩnh vực bất động sản.
Thế nhưng trước đó, trong những bức tâm thư gửi cho nhân viên, vị lãnh đạo này lại luôn khẳng định Cocteccons sẽ đổi mới mạnh mẽ, có những hướng đi táo bạo, bước nhảy thần tốc để đảm bảo luôn là công ty đứng đầu ngành xây dựng.
Tại báo cáo của nhiều công ty chứng khoán, khuyến nghị xem xét mua vào cổ phiếu
CTD cho mục tiêu trung và dài hạn với giá mục tiêu 100.100 đồng/cp (cao hơn khoảng 37% so với giá hiện tại) vẫn được đưa ra. Tuy nhiên, trước hành trình tìm lại chính mình với bản ngã không thống nhất như hiện nay, liệu có bao nhiều phần trăm nhà đầu tư sẽ thiết tha với
CTD là một câu hỏi khó trả lời.