Hai hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA) và Bamboo Airways (BBA) đã được cấp slot (lượt cất, hạ cánh theo giờ) ở sân bay Mỹ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hàng không Việt đã có thể bay thẳng đến Mỹ, do vẫn còn phải hoàn thiện nhiều thủ tục.
Ngày 7/5 vừa qua, hãng hàng không BBA công bố vừa được cấp slot bay đến hai sân bay Los Angeles và San Francisco (California) bắt đầu từ ngày 1/9. BBA đặt mục tiêu triển khai các chuyến bay quốc tế không thường lệ (charter) tới Mỹ từ tháng 7 và các chuyến bay thẳng thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và San Francisco từ tháng 9 tới, tần suất ban đầu khoảng bốn chuyến/tuần.
Tần suất này sẽ dần được nâng lên 7 chuyến/tuần, căn cứ tình hình thực tế. Đồng thời, BBA cũng đang đề nghị Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cấp phép bay thuê chuyến (charter) đến Mỹ.
Cách đây hai năm, từ năm 2019, hãng hàng không VNA đã được cấp slot bay ở các sân bay Mỹ. Đầu tháng 9/2020, VNA được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép bay thương mại đến Mỹ, trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên có giấy phép này. Hiện hãng đã đi tiếp đến các bước tiếp theo gồm gửi hồ sơ xin phép tới Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ (TSA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Đánh giá về việc BBA được cấp slot bay thẳng đến Mỹ, một chuyên gia hàng không nhận định, mặc dù thời gian gần đây, hàng không Việt đã có những bước tiến lớn, nhưng cần nhớ rằng giấy phép đã được Bộ GTVT Mỹ cấp và slot bay ở các sân bay Mỹ mới chỉ là bước đầu. Các hãng vẫn còn phải theo đuổi việc cấp phép tại nhiều cơ quan có thẩm quyền của Mỹ, gồm Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép khai thác; Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ cấp phép (TSA); các thủ tục khác với Cơ quan quản lý thu nhập nội địa Mỹ, Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTBS); thông báo lịch bay, kế hoạch ứng phó khẩn nguy, hồ sơ xin giấy phép khai thác đến các cơ quan hữu quan,… trước khi chính thức khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ đến Mỹ.
Cả VNA và BBA đều sở hữu tàu bay thân rộng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ.
Một trong những thử thách lớn nhất phía trước là được Cơ quan an ninh Vận tải hàng không Mỹ (TSA) cấp phép, do thủ tục ở khâu này đặc biệt khắt khe. Cụ thể, TSA phải sang khảo sát sân bay ở Việt Nam, bảo đảm phía Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh của họ thì mới xem xét các bước tiếp theo. Trong khi đó, giấy phép của TSA lại là cơ sở để Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp phép. Hiện chưa có hãng hàng không Việt nào có giấy phép của TSA và FAA.
Trong năm 2020, VNA đã thực hiện hơn 20 chuyến bay thuê chuyến không thường lệ (charter) giữa Việt Nam và Mỹ để vận chuyển công dân hồi hương, hàng hóa và chuyên gia. Đến hiện tại, VNA là hãng có những bước tiến xa nhất trong việc đáp ứng điều kiện bay thẳng đến Mỹ.
Về năng lực kỹ thuật khai thác, cả VNA và BBA đều sở hữu tàu bay thân rộng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ. Trong đó, VNA sở hữu đội tàu bay thân rộng khá hùng hậu với gần 30 chiếc, gồm 14 tàu Airbus A350 và 15 tàu Boeing 787-9 (trong đó, 11 tàu 787-9 và 4 tàu 787-10), còn BBA sở hữu 3 tàu Boeing 787-9.
Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng phải tính toán nếu bay thẳng Mỹ bắt buộc phải giảm tải (chở ít khách và hàng hoá hơn so với cấu hình thiết kế), như vậy sẽ không bảo đảm về mặt doanh thu, còn chọn phương án có 1 điểm dừng lại làm phát sinh thêm chi phí cất/hạ cánh và làm tăng thời gian bay. Vì thế, giảm tính cạnh tranh của dịch vụ, đó là bài toán khá đau đầu đối với hai hãng khi xúc tiến bay thẳng tới Mỹ.
Cục trưởng HKVN Đinh Việt Thắng cho hay, đường bay Việt - Mỹ là đường bay dài 12-13 tiếng liên tục, do vậy các hãng phải tính toán giảm tải hoặc mua các dòng máy bay hiện đại hơn. Hiện nay, dòng máy bay thân rộng hiện đại của VNA (B787-9 Dreamliner, A350-900 XWB) để bay thẳng được vẫn phải giảm tải thông qua việc giảm khối lượng hàng hóa hoặc bớt số lượng khách so với thiết kế.
Xác định Mỹ là thị trường chiến lược, theo đại diện VNA, hiện nay đường bay khai thác đi đến Mỹ gặp cạnh tranh rất lớn với các hãng hàng không bay vòng (có khoảng 20 hãng hàng không khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Mỹ nên gây sức ép cạnh tranh về giá bán).
Theo một tính toán trước đây, VNA cần khoảng 5-10 năm mới có thể hòa vốn đường bay Việt-Mỹ. Trong năm năm đầu khai thác, đường bay này sẽ lỗ khoảng 30 triệu USD/năm. Đây chính là áp lực lớn mà các hãng hàng không cần phải giải quyết khi lên kế hoạch bay thẳng đến Mỹ.
Mặt khác, giai đoạn hiện nay còn phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, nhu cầu đi lại bị hạn chế, hãng hàng không đang đối mặt với khó khăn và thiệt hại tài chính, do đó các chuyên gia cho rằng, rất khó có khả năng hàng không Việt cất cánh bay thẳng thương mại tới Mỹ trong năm nay.