Ông Lê Viết Hải khẳng định mục tiêu hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu và hoàn toàn khả thi.
Tập đoàn đặt kế hoạch năm nay với doanh thu hợp nhất 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận 235 tỷ đồng.
Đầu tư dự án bất động sản, năng lượng tái tạo là một số mảng kinh doanh được Hòa Bình lựa chọn đẩy mạnh.
Kiên định mục tiêu hướng ra thị trường nước ngoài
Trong thông điệp gửi tới cổ đông, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhận định 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử 33 năm hình thành và phát triển của công ty. Suốt 3 năm 2018 - 2020, thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp phép xây dựng, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến các chủ đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại nặng nề. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xây dựng, đặc biệt là các công ty chuyên thi công công trình khách sạn, condotel, biệt thự biển, khu nghỉ dưỡng, trung tâm giải trí... trong đó có Hòa Bình. Ông Hải cho biết nhiều nhà đầu tư đánh giá Hòa Bình khó có thể vượt qua được khủng hoảng, giá cổ phiếu có thể dưới 6.000 đồng/cp nhưng với tinh thần "cánh diều ngược gió", Tập đoàn đã vượt qua khủng hoảng kép liên tục 3 năm qua.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh, năm 2018, Hòa Bình đạt doanh thu 18.300 tỷ đồng, tương đương hơn 800 triệu USD, cùng với các doanh nghiệp xây dựng tư nhân khác trong nước chiếm gần hết thị phần của công ty xây dựng nước ngoài trong lĩnh vực dân dụng.
Ông Lê Viết Hải cho rằng đầu tư ra nước ngoài là con đường tất yếu của Hòa Bình. Ảnh: HBC
Ông Hải cho rằng Hòa Bình rất khó giữ đà tăng trưởng nhanh 5 năm tăng 5 lần như 30 năm trước kể từ khi thành lập. Bởi theo đúng quy luật này, đến năm 2028, doanh thu của Hòa Bình sẽ lớn hơn tổng sản lượng của cả ngành xây dựng Việt Nam năm 2019 (16 tỷ USD). Đây là điều không tốt cho nền kinh tế và cũng không thể xảy ra. Vì vậy, hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu của tập đoàn. Có như thế, Hòa Bình mới thoát khỏi giới hạn chật hẹp của thị trường trong nước, đồng thời kéo theo nhiều doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng cùng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, đưa công nghiệp xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Do không kịp thời phát triển ra nước ngoài, khối doanh nghiệp xây dựng tư nhân đã phải đối diện với khủng hoảng thừa trong 3 năm qua, khi tốc độ tăng trưởng đầu tư trong nước không tăng tương ứng.
Chủ tịch Hòa Bình chỉ ra cơ hội cho xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài là hoàn toàn khả thi. Cơ hội này càng lớn hơn sau đại dịch khi hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc không còn được ưa chuộng ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, trong những năm qua, doanh nghiệp xây dựng Nhật Bản, Hàn quốc không chỉ kém cạnh tranh ở thị trường Việt Nam mà còn cả ở quốc tế vì giá cao, trong khi không có sự khác biệt nhiều về chất lượng. Các nhà đầu tư ở nhiều nước hiện nay đều quan tâm đến chi phí xây dựng và đang tìm kiếm những nhà thầy khu vực Đông Nam Á để thay thế, trong đó Việt Nam được đánh giá nhiều ưu điểm vượt trội.
Cũng theo ông Hải, Hòa Bình có một số dự án tại Canada để thử nghiệm và đánh giá nhưng chưa đẩy mạnh được do dịch Covid-19. Hiệu quả của những dự án này là cơ sở để mở rộng ra thị trường toàn cầu trong tương lai. Tại thị trường trong nước, Hòa Bình xác định mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu.
Kế hoạch lãi 2021 gấp hơn 3 lần năm trước
Năm 2020, Hòa Bình đạt 11.228 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% cùng kỳ và 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 83%. So với kế hoạch năm, công ty hoàn thành 90% doanh thu và 56% lợi nhuận. Hòa Bình đã đánh dấu sự có mặt trên 5 quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam như: Campuchia, Malaysia, Myanmar, Kuwait và Canada.
Đơn vị: tỷ đồng
Năm 2021, ban lãnh đạo Hòa Bình xác định chiến lược chiếm lĩnh thị trường tiềm năng bằng việc phát triển các thị trường mũi nhọn chưa triển khai dự án như Nghệ An, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng Thái Nguyên... Ngoài thế mạnh về thi công nhà ở, khách sạn, tập đoàn định hướng đẩy mạnh phát triển nhóm dự án công nghiệp và năng lượng tái tạo, hạ tầng. Ban điều hành nhận định xu hướng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc và chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ là cơ hội lớn để gia tăng thị phần mảng công nghiệp, hạ tầng trong năm nay và các năm tiếp theo.
Chỉ tiêu kinh doanh năm nay được đặt ra với doanh thu hợp nhất 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận 235 tỷ đồng. Nếu chỉ tiêu này được cổ đông thông qua, doanh thu tăng 20% còn lợi nhuận gấp 3,3 lần thực hiện năm trước. Chỉ tiêu trúng thầu các hợp đồng khoảng 14.000 tỷ đồng, trong đó 75% là dân dụng, 25% là công nghiệp.
Cập nhật tiến độ các dự án đầu tư BĐS
Vào ngày 31/5 tới đây, Xây dựng Hòa Bình sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Nội dung cụ thể tờ trình đại hội chưa được công bố. Tuy nhiên, nội dung họp có đề cập tới các dự án BĐS đầu tư dài hạn và hướng phát triển thời gian tới; phát hành cổ phiếu tăng vốn; miễn nhiệm Thành viên HĐQT độc lập với ông Đặng Hồng Anh, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Với mảng đầu tư BĐS, báo cáo thường niên 2020 có đề cập đến tiến độ đầu tư một số dự án trong nước và nước ngoài. Trong đó, Hòa Bình có đầu tư 95% vốn vào khu đất 2,45 ha tại quận 9, TP HCM, vốn đầu tư 900 tỷ đồng. Dự án đã có giấy chứng nhận đầu tư, quyền sử dụng đất, đang làm phê duyệt giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh. Thời gian hoàn thành dự kiến trong năm 2024. Lợi nhuận dự kiến 10%.
Công ty cũng góp 21,5% vốn vào dự án khu nhà ở Long Thới, Nhà Bè, TP HCM, diện tích 3 ha, gồm 462 căn hộ nhà ở xã hội và 92 căn thương mại. Dự án đang được hoàn thiện hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư, đã phê duyệt 1/500. Dự kiến, dự án khởi công trong quý III năm nay và hoàn thành vào quý III/2023. Lợi nhuận dự kiến 10%.
Ở nước ngoài, Hòa Bình có góp 20% vốn làm dự án chung cư cao cấp 30 tầng tại Ontario, Canada. Vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành thiết kế ý tưởng và thiết kế chi tiết, đang huy động thêm vốn để triển khai thủ tục xin Giấy phép xây dựng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn góp của chủ sở hữu khoảng 114%.
Một dự án hỗn hợp khác cũng được Hòa Bình góp 36% ở Ontario, Canada với các sản phẩm căn hộ chung cư, nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng. Vốn đầu tư dự án khoảng 6.800 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn góp của chủ sở hữu khoảng 163%.