Vấn đề của VNM đến từ sự kém hấp dẫn ngay cả đối với nhà đầu tư trong nước khiến cổ phiếu này không có lực đỡ đủ khỏe để cân lại ảnh hưởng từ giao dịch của khối ngoại.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo thường niên 2020, tính đến ngày 6/1/2021, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tổng cộng hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 57,75% cổ phần tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã
VNM). Đáng chú ý, 20 cổ đông nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Vinamilk có tới 19 nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh cổ đông Nhà nước nắm giữ 36% vốn.
Nổi bật trong số những nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk phải kể đến bộ đôi Platinum Victory và F&N Dairy Investments. Cuộc đua gom cổ phần tại “gã khổng lồ” ngành sữa giữa 2 cổ đông lớn này vẫn là chủ đề tốn không ít giấy mực trong những năm qua.
Ngoài 2 cái tên kể trên, danh sách cổ đông ngoại của Vinamilk còn có sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp như nhóm quỹ Mathews, nhóm Genesis, Deutsche Bank, Vietnam Ventures, Government of Singapore, nhóm Dragon Capital, nhóm Morgan Stanley,…
Danh sách 20 cổ đông lớn nhất của Vinamilk tại ngày 6/1/2021
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư đã quá quen với cảnh khối ngoại bán ròng triền miên cổ phiếu
VNM hết ngày này qua ngày khác. Tính riêng qua kênh khớp lệnh, cổ phiếu này đã dẫn đầu toàn sàn về giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài với gần 6.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cập nhật đến hết ngày 19/5, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk ở mức xấp xỉ 55%, tức là số cổ phiếu khối ngoại “miệt mài” bán ròng từ đầu năm chỉ chiếm chưa đến 3% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp này. Con số này không phải quá lớn để có thể nhấn chìm cổ phiếu
VNM về vùng đáy 1 năm như hiện tại.
Vấn đề thực sự với
VNM đến từ sự kém hấp dẫn ngay cả đối với nhà đầu tư trong nước khiến cổ phiếu này không có lực đỡ đủ khỏe để cân lại ảnh hưởng từ giao dịch của khối ngoại. Bài toán tăng trưởng được cho là nguyên nhân trọng yếu dẫn đến tình trạng trên.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng có nhiều cổ phiếu chất lượng với khả năng tăng trưởng cao, Vinamilk dần trở nên thất thế trong việc thu hút dòng tiền. Thêm vào đó, làn sóng nhà đầu tư F0 đổ bộ vào chứng khoán chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân cũng đòi hỏi tính đầu cơ cao hơn, điều mà cổ phiếu có vốn hóa lớn như
VNM khó có thể đáp ứng.
Diễn biến cổ phiếu VNM trong vòng 1 năm trở lại đây
TIÊU THỤ SỮA VẪN TĂNG TRƯỞNG KHẢ QUAN
Diễn biến giá cổ phiếu
VNM từ đầu năm 2021 cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý đầu tiên. Vinamilk thậm chí tăng trưởng âm với doanh thu thuần đạt 13.190 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.597 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 7% và 6,5% so với cùng kỳ.
Năm 2021, Vinamilk lên kế hoạch kinh doanh rất thận trọng với mục tiêu doanh thu thuần 62.160 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ trong khi chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến đi ngang ở mức 11.240 tỷ đồng.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 "Công ty trình kế hoạch thận trọng vì chưa biết được tình hình tương lai thế nào, chỉ có thể chắc chắn và vững tin xây dựng kế hoạch khi Việt Nam có miễn dịch cộng đồng. Có những nơi tưởng chừng như yên ổn nhưng giờ lại không yên ổn tí nào, ví dụ như Ấn Độ, Campuchia, Lào… Khi chưa có miễn dịch cộng đồng thì yên ổn chỉ là tạm thời".
Mặt khác, một tín hiệu tích cực đối với Vinmilk là khả năng tiêu thụ sữa và các sản phẩm sữa ở Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Doanh thu sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam dự kiến sẽ duy trì ở mức 7-8%/năm trong giai đoạn 2021-2025, đạt tổng giá trị khoảng 93.800 tỷ đồng vào năm 2025. Trong đó, sữa chua được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng cao nhất với tốc độ tăng trưởng CAGR là 12%/năm. Sau giai đoạn giảm tốc 2016-2019, tăng trưởng thị trường sữa và các sản phẩm từ sữa trong nước đang có dấu hiệu cải thiện.
Theo Euromonitor, trong năm 2020, sản lượng tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam đạt 1,76 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Việt Nam vẫn thuộc top các quốc gia có mức tiêu thụ sữa khá thấp, chỉ với 26-27 kg/người/năm trong khi trung bình tại Châu Á đạt 38 kg/người/năm.
Báo cáo thị trường của Kantar Worldpanel cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực nhờ cơ cấu dân số trẻ, thu nhập trung bình tăng; xu hướng sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch và xu hướng tiêu thụ các sản phẩm tiện lợi, có thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.