Lãnh đạo C47 cho biết không gặp rủi ro khi giá cả tăng đột biến do các hợp đồng thi công đều được điều chỉnh giá theo quy định.
C47 đang thi công các công trình thủy lợi Đập chính Tân Mỹ (1.740 tỷ đồng), Đập chính Đồng Mít (1.035 tỷ đồng), Thủy điện Hòa Bình mở rộng (916 tỷ đồng), thủy điện Đa Nhim mở rộng (713 tỷ đồng).
Dự án thủy điện hồ chứa Nước Trong do C47 thi công. Ảnh: C47
CTCP Xây dựng 47 (HoSE:
C47) vừa có công bố thông tin về ảnh hưởng của biến động giá vật liệu, nhiên liệu đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, công ty không gặp rủi ro khi giá nguyên vật liệu cơ bản tăng cao, đặc biệt là giá thép xây dựng, giá dầu, phí dịch vụ logistic ảnh hưởng đến chi phí đầu vào.
Ông Dương Minh Quang, Tổng giám đốc lý giải tất cả các hợp đồng
C47 trúng thầu đều có thời gian thi công dài, là các dự án do Bộ NN & PTNN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Toàn bộ các hợp đồng này đều được điều chỉnh giá theo quy định. Cụ thể,
C47 đang thi công các công trình thủy lợi Đập chính Tân Mỹ (1.740 tỷ đồng), Đập chính Đồng Mít (1.035 tỷ đồng), Thủy điện Hòa Bình mở rộng (916 tỷ đồng), thủy điện Đa Nhim mở rộng (713 tỷ đồng).
Gói thầu 20 đập chính và đập phụ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Đập chính Tân Mỹ - Ninh Thuận), gói thầu số 05-XL hồ chứa nước Đồng Mít (Đập chính Đồng Mít - Bình Định) được điều chỉnh giá bằng phương pháp bù trừ trực tiếp khi có biến động của giá nguyên nhiên vật liệu, nhân công và khi Nhà nước thay đổi các chế độ chính sách.
Gói thầu DNE 12.1 thi công phần xây dựng dự án Thủy điện Đa Nhim (Ninh Thuận) mở rộng được điều chỉnh giá nhân công, nhiên liệu, xi măng, sắt thép và các loại vật liệu khác theo chỉ số giá của Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Gói thầu số 1XL-HB Thi công phần xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng được điều chỉnh giá khi nhà nước thay đổi quy định về thuế VAT. Trường hợp giá cả vật tư, vật liệu, nhiên liệu tăng bất thường thì được điều chỉnh khi cấp có thẩm quyền cho phép.
Ông Dương Minh Quang tái khẳng định các hợp đồng đang thi công của CC47 với các chủ đầu tư có uy tín, bố trí nguồn vốn đầy đủ, được cho phép điều chỉnh giá khi nhà nước thay đổi chính sách, khi có biến động tiền lương, giá cả vật tư, nhiên liệu nên không có rủi ro do giá cả tăng đột biến. Mặt khác, để khuyến khích phát triển kinh tế thời đại dịch, hiện nay Nhà nước tăng cường đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về thủy điện, thủy lợi và hạ tầng khác. Đây cũng là cơ hội và thế mạnh của
C47 để tham gia đấu thầu các dự án trong thời gian tới.
C47 đã thi công nhiều công trình như hồ chứa nước Định Bình - tỉnh Bình Định (850 tỷ đồng), hồ chứa Nước Trong - tỉnh Quảng Ngãi (1.052 tỷ đồng), thủy điện Đồng Nai 4 - tỉnh Đắc Nông (2.600 tỷ đồng), thủy điện Thượng Kontum - tỉnh Kon Tum (1.700 tỷ đồng), thủy điện Trung Sơn - tỉnh Thanh Hóa (2.959 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty đang kinh doanh lĩnh vực khách sạn, nhà hàng Hải Âu - Ninh Thuận (4 sao), Hải Âu Biên Cương - Bình Định (3 sao ), Lữ hành nội địa và Quốc tế, Xuất khẩu lao động.
Thông tin được
C47 đưa ra trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng có nhiều biến động mạnh về giá, nhất là giá thép. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngay từ sau Tết Tân Sửu, giá bán thép thành phẩm trong nước đã tăng bình quân tăng 20% so với cuối năm trước và cao hơn khoảng 40 - 45% so với cùng kỳ năm 2019 - 2020, là vùng giá cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Giá thép tăng phi mã khiến Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam bày tỏ các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng).