Thị trường chứng khoán bùng nổ là cơ hội để doanh nghiệp huy động vốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp muốn huy động vốn từ cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ với giá gấp nhiều lần thị giá.
Thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi từ cuối năm 2020 đến nay, giao dịch bùng nổ, VN-Index chinh phục mốc 1300 điểm. Tận dụng thời điểm này, hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch huy động vốn. Trong đó, nhiều đơn vị có cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá dưới mệnh giá, hay còn gọi cổ phiếu “trà đá” lên kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm nay.
Theo thống kê của Fiin Pro, khoảng 45 doanh nghiệp có cổ phiếu đang dưới mệnh giá xây dựng kế hoạch phát hành huy động vốn "khủng", có đơn vị tăng vốn gấp gần 8 lần. Giá chào bán cổ phiếu tối thiểu là 10.000 đồng/cp, gấp nhiều lần giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu với giá gấp nhiều lần thị giá.
Công ty Cẩm Hà (UPCoM: CHC) vừa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên thông qua phương án chào bán 2,24 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, gấp 4 lần thị giá (2.500 đồng/cp).
Doanh nghiệp muốn huy động vốn cho kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng nội thất. HĐQT tự tin tỷ lệ thành công của đợt chào bán sẽ đạt trên 70% do Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam và một số cổ đông lớn đã thống nhất góp vốn vào Cẩm Hà.
Bên cạnh kế hoạch chào bán, doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 20:13. Dự kiến, sau 2 đợt tăng vốn, vốn điều lệ Cẩm Hà sẽ tăng từ 27,2 tỷ đồng lên 67 tỷ đồng, gấp 2,5 lần.
Cẩm Hà là doanh nghiệp chế biến gỗ thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, hoạt động kinh doanh tương đối ổn định nhiều năm qua với doanh thu khoảng 300 tỷ đồng và lợi nhuận 9 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Giá cổ phiếu đang ở mức 3.600 đồng/cp, Công ty Đầu tư Nhà đất Việt (HNX: PVL) lên phương án chào bán riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20% với giá không thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/cp). Theo đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng huy động tối thiểu 100 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.
Kết quả kinh doanh của Nhà đất Việt trồi sụt, năm lãi chục tỷ thì năm lỗ trăm tỷ. Do vậy, tính đến cuối năm 2020 đơn vị lỗ lũy kế 277 tỷ đồng. Quý I năm nay, doanh nghiệp lỗ tiếp 1 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
Một số doanh nghiệp khác tận dụng thời điểm thị trường chứng khoán thuận lợi để lên phương án chào bán cổ phiếu hoán đổi nợ, cải thiện sức khỏe tài chính và giảm bớt áp lực nợ vay.
Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) dự kiến chào bán 40,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 405 tỷ đồng cho chủ nợ Bùi Hồng Minh, tương đương với 1 cổ phiếu hoán đổi 10.000 đồng nợ vay. Tuy nhiên, cổ phiếu doanh nghiệp phát hành cho chủ nợ Bùi Hồng Minh là loại cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi với mức cổ tức cố định 6,5%/năm.
Ngoài ra, TTF cũng sẽ chào bán riêng lẻ 59,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp để huy động vốn bổ sung vốn lưu động và tái cấu trúc khoản nợ. Cổ phiếu này cũng là cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi, tỷ lệ cổ tức cố định là 12%/năm.
Chia sẻ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT cho biết 2 phương án trên nhằm huy động thêm gần 1.000 tỷ đồng giải quyết triệt để tồn đọng nợ xấu, cụ thể là khoản nợ tại Ngân hàng Đông Á. Lãnh đạo Gỗ Trường Thành cũng cam kết cổ phiếu sẽ sớm trở về mệnh giá – 10.000 đồng/cp (cổ phiếu hiện ở vùng 6.000-7.000 đồng/cp).
Hoạt động kinh doanh chính sa sút, thu không đủ bù lãi vay dẫn đến tình trạng thua lỗ, ban lãnh đạo Tổng công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (UPCoM: TH1) xác định năm 2021 phải tiến hành tái cấu trúc tài chính toàn diện, xử lý nợ xấu và thu hồi công nợ.
Cụ thể, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát hành 34,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 257% để hoán đổi nợ. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng từ 135 tỷ đồng lên 482 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý I, doanh nghiệp có khoản nợ vay ngắn hạn 569 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn khác 318 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 206 tỷ đồng.
Trong bối cảnh lãi suất thấp, dòng vốn rẻ mà kênh chứng khoán lại đang thăng hoa thì mỗi hành động của doanh nghiệp đều có thể kích thích lòng tham của nhà đầu tư, đặc biệt là những cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá. Bởi khi huy động vốn, doanh nghiệp sẽ phải chào bán với giá ít nhất là bằng mệnh giá, trừ một số trường hợp riêng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Theo đó, nhà đầu tư kỳ vọng các cổ phiếu "trà đá" sẽ được kéo lên, ít nhất là về mệnh giá để thu hút, đảm bảo tính thành công của phương án phát hành.
Thực tế thì có nhiều cổ phiếu đã bật tăng giá trước thông tin huy động vốn. Như cổ phiếu CX8 của Công ty Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 đã có 2 phiên tăng trần từ 7.600 đồng/cp lên 9.100 đồng/cp sau thông tin chào bán 2,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn từ 22 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Trước đó, cổ phiếu này không có giao dịch và đi ngang ở mức giá 7.600 đồng/cp.
Đầu tư và Xây lắp Constrexim số 8 sẽ chào bán cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp trong khi giá trị sổ sách thời điểm đầu năm là 12.542 đồng/cp. Nguồn tiền huy động được dùng để bổ sung vốn cho các dự án đầu tư tại Hà Nội, công trình và vốn lưu động thực hiện trong 2021-2022.
Hay cổ phiếu PVL sau thời gian đi ngang quanh vùng giá 1.000 đồng/cp thì kể từ cuối năm 2020 bất ngờ tăng mạnh lên vùng giá 4.500 đồng/cp cùng thanh khoản từ vài chục nghìn lên hàng triệu đơn vị trong 3 tháng gần đây. Thời điểm cổ phiếu này tăng giá lên vùng 4.500 đồng/cp là thời điểm doanh nghiệp công bố thông tin về phương án tăng vốn, trong khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chưa có tín hiệu khởi sắc.
Diễn biến cổ phiếu PVL 1 năm qua. Nguồn: TradingView
Tuy nhiên, phần lớn những cổ phiếu dưới mệnh giá còn lại thanh khoản thấp thậm chí không giao dịch. Đồng thời, doanh nghiệp trình phương án tăng vốn để cổ đông xem thông qua và chưa xác định thời điểm cụ thể thực hiện, đã có rất nhiều trường hợp được cổ đông thông qua mà phương án hết năm này qua năm khác chưa được triển khai vì nhiều lý do.