Dưới đây là đánh giá về thị trường dầu thô, vàng tuần trước và nhận định cho tuần này.
Kết thúc phiên 18/6, giá dầu Brent tương lai tăng 43 cent, tương đương 0,6%, lên 73,51 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 60 cent, tương đương 0,8%, lên 71,64 USD/thùng.
Chốt tuần trước, giá dầu Brent tăng 1,1%, WTI tăng 1%. Đây là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của thị trường năng lượng trong bối cảnh lực tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ vẫn chưa khởi sắc còn số ca nhiễm mới Covid-19 tại Anh lên cao nhất 4 tháng.
Bất chấp sự lạc quan về lực cầu dầu toàn cầu, tiêu thụ xăng tại Mỹ là vấn đề cần lưu ý từ Ngày Tưởng niệm 31/5, thời điểm đánh dấu bắt đầu cao điểm đi lại mùa hè ở quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa cần thêm thời gian để lực cầu nhiên liệu ở Mỹ gia tăng. Giá xăng bán lẻ trong tuần vượt 3 USD/gallon dù tồn kho sản phẩm này tăng 10,5 triệu thùng trong 3 tuần qua, gấp gần 4 lần dự báo.
Tại Anh, số ca nhiễm mới Covid-19 ngày 17/6 là 11.007 với sự hiện diện của biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo Delta có thể trở thành biến chủng phổ biến ở nước này.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 11/6 giảm 7,4 triệu thùng, vượt dự báo, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Công suất lọc dầu đạt 92,6%, cao nhất kể từ tháng 1/2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 9 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan lên 470, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Cụ thể, số giàn khoan dầu tăng 8 lên 373, số giàn khoan khí tăng 1 lên 97 và số giàn khoan dự phòng vẫn là 0.
Các nguồn thạo tin cho biết OPEC đã có dự báo từ các chuyên gia trong ngành về triển vọng sản lượng của Mỹ. Điều này cho phép OPEC có thể quản lý thị trường tốt hơn trước kịch bản nguồn cung dầu đá phiến tăng mạnh vào năm 2022.
Đàm phán gián tiếp Mỹ - Iran về hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang gần đồng thuận hơn bao giờ hết nhưng vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần đàm phán, theo trưởng đoàn đàm phán của Tehran.
“Rất có thể đàm phán sẽ sụp đổ nếu các bên không đạt thỏa thuận vào tháng 8, khi Tổng thống Iran đương nhiệm Hassan Rouhani rời chính phủ”, theo Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, New York. Thẩm phán bảo thủ Ebrahim Raisi giành chiến thắng áp đảo hôm 19/6 trong cuộc bầu cử tổng thống Iran có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong lịch sử.
Ảnh: Reuters.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 22/6
Viện dầu mỏ Mỹ dự báo về tồn kho dầu thô hàng tuần.
Ngày 23/6
EIA cập nhật số liệu hàng tuần về tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế.
Ngày 25/6
Baker Hughes cập nhật số liệu về giàn khoan dầu Mỹ.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 18/6 tiếp tục giảm, có tuần tệ nhất hơn một năm, khi USD tiếp tục tăng giá sau cuộc họp của Fed. Giá vàng giao ngay tại sàn New York giảm 10,2 USD xuống 1.763,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giảm 0,3% xuống 1.769 USD/ounce.
Chốt tuần, giá vàng giao ngay giảm 6%, giá vàng tương lai giảm 5,9%, đều nhiều nhất kể từ tuần kết thúc ngày 6/3/2020.
Giá vàng giảm sâu sau khi Fed kết thúc hai ngày họp chính sách 15 – 16/6 với quyết định giữ nguyên lãi suất – như dự báo trên thị trường. Tuy nhiên, biểu đồ “dot plot” – gồm các dấu chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên FOMC về lãi suất tại một thời điểm nào đó – cho thấy 11 trong số 18 quan chức Fed cảm thấy cần tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm ít nhất hai lần trong năm 2023. Hồi tháng 3, Fed nhận định không tăng lãi suất ít nhất cho đến năm 2024.
“Đó là một cú lao dốc lớn, khiến nhiều người rời đi”, chủ tịch Kevin Grady của Phoenix Futures & Options nói. “Vàng có thể phục hồi một chút trong tuần này. Vàng cần tìm lại giá trị đúng, tôi nghĩ 1.950 – 2.000 USD/ounce hay 1.600 USD/ounce đều không phải”.
Daniel Pavilonis, môi giới cấp cao về hàng hóa tại RJO Futures, cùng quan điểm.
Tiêu điểm trong tuần này sẽ là phiên điều trần trước quốc hội của chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 22/6. Thị trường sẽ theo dõi kỹ phát biểu của ông để xác định tín hiệu chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ.