Cổ phiếu VTP với nền tảng cơ bản tốt gây hụt hẫng khi đã để đánh mất xu hướng tăng dài hạn thời gian qua. Tuy nhiên, khi khối ngoại đang giải ngân trở lại, VTP cũng đang có màn trở lại đáng chú ý.
VTP trước ngưỡng cửa trở lại xu hướng tăng dài hạn
Đầu năm nay, cổ phiếu VTP của Tổng CTCP Bưu chính Viettel là cái tên liên tục được nhắc đến trong top bán ròng của khối ngoại bán ròng. Đây là nguyên nhân chính khiến VTP đã đánh mất xu hướng tăng dài hạn. Tính đến hết tháng 4, khối ngoại bán ròng VTP tới hơn 600 tỷ đồng. Và tới ngày 4/5, cổ phiếu VTP đã đạt mức thấp nhất của năm 2021 là 63.590 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 25% so với đầu năm.
VTP được mua ròng mạnh nhất kể từ 4/5.
Tuy nhiên, từ mức đáy này, VTP đang hồi phục rất nhanh và điều đáng chú ý là diễn biến này đang trùng hợp với sự mua ròng trở lại của khối ngoại. Tính từ 4/5 đến cuối tuần qua, khối ngoại đã mua ròng VTP với giá trị khoảng 260 tỷ đồng.
Đợt hồi phục này đã diễn ra được gần 2 tháng và hiện giá VTP đã quay lại giao dịch trên đường MA200, mở ra cơ hội lấy lại hoàn toàn xu thế tăng dài hạn.
Trước mắt, các biến động giá ngắn hạn đang cho thấy sự kiểm tra lại đường MA20, một thói quen đã liên tiếp xảy ra khi giá VTP vọt mạnh khỏi đường MA20. Một nhịp điều chỉnh với khối lượng giao dịch giảm dần sẽ tạo nền tảng để MA20 chính thức cắt lên MA200. Với những nhà đầu tư dài hạn, vùng giá quanh 80.000 đồng/cổ phiếu có thể là điểm vào đáng xem để giải ngân khi VTP vẫn đảm bảo được đà tăng.
VTP đang giành lại thị phần mảng chuyển phát nhanh
VTP thành lập vào năm 2006 với tư cách là một công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc Tập đoàn Viettel. Mảng kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, phục vụ nhu cầu của các nhà bán lẻ theo mô hình B2C và C2C. Mạng lưới của công ty bao gồm hơn 2.000 cửa hàng Viettel Post trên 63 tỉnh, cùng với 6 trung tâm logistic đặt tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, VTP có 2 công ty con tại Myanmar và Campuchia.
Trong quý 1/2021, VTP đạt 5,2 nghìn tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 109% và 11,9% so với cùng kỳ. Doanh thu mảng cốt lõi và dịch vụ chuyển phát nhanh đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (+16% so với cùng kỳ), dẫn dắt bởi tăng trưởng sản lượng hàng hóa 30% so với cùng kỳ và giá bán bình quân giảm 15% so với cùng kỳ (từ mức giá thấp hơn mới được áp dụng từ tháng 8/2020).
SSI ước tính rằng giá trị thị trường thương mại điện tử năm 2021 có thể tăng 25% so với cùng kỳ lên 15 tỷ USD. Do đó, mức tăng trưởng sản lượng 30% so với cùng kỳ của VTP cho thấy VTP đang lấy lại thị phần đã mất. Cụ thể, VTP sẽ giành lại 2% thị phần và chiếm 28% thị phần chuyển phát nhanh.
Sau 3 quý liên tiếp tỷ suất lợi nhuận giảm, tỷ suất lợi nhuận gộp cốt lõi trong quý 1/2021 đã phục hồi từ 7,1% lên 11,2% trong quý 4/2020. Theo ban lãnh đạo, tỷ suất lợi nhuận cải thiện là nhờ Công ty sử dụng lao động thấp hơn khi VTP bắt đầu vận hành trung tâm phân loại tại TP.HCM vào quý 1/2021 và Công ty đang đóng cửa một số bưu cục có chi phí cố định cao. Cùng với đó, đợt bùng phát dịch Covid lần thứ 3 vào tháng 2 đã thúc đẩy nhu cầu thương mại điện tử cao hơn, dẫn đến tăng quy mô và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, công ty đang áp dụng giải pháp SAP ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) để tách biệt và tối ưu chi phí trong các mảng kinh doanh khác nhau, dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 3/2021. Tỷ suất lợi nhuận sẽ tiếp tục phục hồi trong suốt cả năm.
Trong dài hạn, VTP lên kế hoạch 5 năm cho mảng logistics để tăng 55% doanh thu vào năm 2026. Điều này sẽ bắt đầu với việc hợp tác với đối tác chiến lược sắp được công bố với Tân Cảng Sài Gòn (SNP) (chiếm khoảng 60% thị phần cảng biển). Việc hợp tác với SNP sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics cho xuất/nhập khẩu, vận hành hàng loạt từ xếp hàng hóa đến vận chuyển hàng hóa đến điểm đến cuối cùng trên khắp cả nước thông qua mạng lưới kho hàng và nhân viên trên toàn quốc của VTP, cũng như nền tảng MyGo (kết nối xe tải có thừa công suất).
SSI cho rằng sự hợp tác tiềm năng này có thể dẫn đến tăng trưởng đáng kể đối với VTP, vì thị trường logistics xuất/nhập khẩu lớn hơn nhiều so với phân khúc logistics thương mại điện tử. VTP dự kiến chi 2 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho liên doanh mới này trong 5 năm tới (chủ yếu là xây dựng nhà kho) nhưng hiện tại VTP chưa có kế hoạch tăng vốn.
Năm 2021, lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ tăng 29% so với cùng kỳ do tăng trưởng mạnh hơn trong mảng chuyển phát cốt lõi trong năm 2021. Năm 2022, SSI ước tính mới về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 26,6% so với cùng kỳ (từ mức ước tính trước đây là 27% so với cùng kỳ).
Mức EPS chưa tính triển vọng mảng logistic có thể đạt lần lượt là 5.379 đồng và 6.809 đồng cho năm 2021 và 2022.
Mai Hương