Theo chuyên gia, việc dùng các quy định hành chính, đưa các bộ ngành vào cuộc để đẩy lãi suất xuống thấp là đi ngược với nguyên tắc mà chúng ta đã theo đuổi bốn chục năm nay, đó chính là nguyên tắc thị trường.
TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có đề xuất gửi Chính phủ về việc dần đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 0%.
Giải thích về kiến nghị này, VAFI cho rằng, hiện nay các nước Âu – Mỹ, các nước Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2%- 5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.
Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2%-0,7%/năm.
Còn với nước ta, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5% - 6,2%/năm, được VAFI đánh giá là ở mức rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.
Không thực tế và bất khả thi?
Trái ngược với quan điểm của VAFI, nhiều chuyên gia lại cho rằng, đây là đề xuất thiếu cơ sở và không khả thi.
Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ý kiến của VAFI là một ý tốt, muốn giúp doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, tuy nhiên, việc đưa lãi suất huy động về 0% là điều bất khả thi tại Việt Nam, ít nhất trong 10 năm tới.
“Thị trường tài chính của mình không đủ điều kiện, nền kinh tế cũng chưa có sự ổn định, hệ thống ngân hàng cũng chưa ổn định để có thể đưa lãi suất về 0%”, TS. Hiếu nhận định.
Trên phương diện toàn cầu, theo giải thích của TS. Hiếu, các nền kinh tế có thể đưa lãi suất huy động về 0% phải là nền kinh tế phát triển, ổn định, vững mạnh để người dân, khách hàng có thể chấp nhận gửi tiền mà không nhận lãi suất.
“Về phương diện đó, Việt Nam còn cách rất xa. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, S&P và Fitch đều xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức Non – Investment Grade – là mức không đáng đầu tư. Những quốc gia không thuộc nhóm đầu tư như Việt Nam khi phát hành trái phiếu quốc gia đều phải trả một phần bù rủi ro - Risk Premium. Còn nếu muốn trả lãi suất bằng 0% thì quốc gia phải có độ rủi ro rất thấp, ít nhất phải đạt mức Investment Grade. Có lẽ còn một thời gian dài nữa để Việt Nam có thể nhảy thêm 2 bậc nữa lên Investment Grade”, chuyên gia cho biết.
Còn đối với góc độ nhà băng, chuyên gia cho rằng, để một ngân hàng có thể huy động tiền gửi với lãi suất bằng 0 thì rủi ro tiền gửi ở ngân hàng đó phải bằng 0 thì người gửi tiền mới chấp nhận.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tính ổn định của ngân hàng vẫn còn ở mức khiêm tốn, còn khá nhiều ngân hàng yếu kém, dễ bị tổn thương nên không thể có rủi ro bằng 0.
Về yếu tố vĩ mô, số liệu cho thấy chỉ số lạm phát 5 tháng đầu năm của Việt Nam ở mức 3,5%, vẫn nằm dưới mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng năm nay lạm phát sẽ vượt mức 4% do giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đang tăng.
“Với mức lạm phát cao như thế, các ngân hàng sẽ phải trả lãi suất huy động thực dương khoảng 2%. Theo đó, mức lãi suất phải trả ít nhất 5-6%, cũng chính là mức mà các nhà băng hiện đang trả cho người gửi tiền. Nếu bây giờ hạ xuống 0% thì e rằng người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng nữa”, TS. Hiếu phân tích.
Về rủi ro thị trường, TS. Hiếu cho rằng, hiện đang có dòng tiền lớn chảy vào bất động sản và chứng khoán, tuy nhiên, dòng tiền này đang chảy trên thị trường thứ cấp chứ không phải thị trường sơ cấp.
“Nếu nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu lúc doanh nghiệp IPO thì đồng tiền đó sẽ chảy vào túi doanh nghiệp để doanh nghiệp sử dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc VN Index vượt 1.300, tiến sát đến 1.400 điểm như trong thời gian vừa qua là ở thị trường thứ cấp, nên tôi e rằng khi lãi suất bằng 0, người dân sẽ rút tiền khỏi ngân hàng và đầu tư tài sản kiếm lời mang tính chất đầu cơ, tức tiền vào thị trường thứ cấp chứ không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thành ra điều này có thể sẽ đi ngược lại mong muốn của VAFI, việc doanh nghiệp được hưởng lãi suất thấp là ảo tưởng. Ý tưởng của họ thì tốt nhưng không thực tế”, TS. Hiếu nói.
Theo đó, để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Hiếu đề xuất, NHNN đứng ra chủ trì một Tổ hợp tín dụng mà trong đó, tất cả các ngân hàng đều tham gia.
Mỗi ngân hàng đều phải dùng một phần trong dòng tiền CASA (khoảng 10%), với lãi suất huy động rất thấp, đóng góp vào Tổ hợp tín dụng này, với tổng số vốn của Tổ hợp sau khi có sự đóng góp của các nhà băng được kỳ vọng ở mức khoảng 300 nghìn tỷ đồng.
Số tiền này sau đó sẽ được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất cho vay ưu đãi bằng hình thức tín chấp trong 5 năm, với 2 năm đầu cho vay tuần hoàn, 3 năm sau trả góp.
“Dĩ nhiên không ngân hàng nào muốn rủi ro, bởi cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có rủi ro cao hơn. Để hạn chế rủi ro, tôi cho rằng Tổ hợp tín dụng này sẽ phải làm việc với Quỹ Bảo lãnh Tín dụng Quốc gia để thực hiện bảo lãnh cho các ngân hàng, nếu nhà băng cho vay thất bại thì sẽ được bồi thường. Nó như một loại bảo hiểm, hỗ trợ, là công cụ để các nhà băng có thể cho vay với lãi suất thấp đồng thời hạn chế rủi ro cho họ”, ông Hiếu nêu ý kiến.
Theo chuyên gia, việc dùng các quy định hành chính, đưa các bộ ngành vào cuộc để đẩy lãi suất xuống thấp như đề xuất của VAFI là đi ngược với nguyên tắc mà chúng ta đã theo đuổi bốn chục năm nay, đó chính là nguyên tắc thị trường.