KBSV dự phóng mức điểm phù hợp của VN-Index vào thời điểm cuối năm là 1.480 điểm.
KBSV đánh giá nhịp điều chỉnh khả năng cao nhất sẽ xuất hiện trong nửa sau của quý III khi hiệu ứng tích cực từ mùa báo cáo KQKD quý II qua đi.
Triển vọng các ngành được đánh giá tích cực có bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, điện, cảng biển, công nghệ thông tin, ngân hàng, thuỷ sản và dầu khí.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá dư địa tăng giá của thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn tương đối dồi dào trong 6 tháng cuối năm, với động lực tiếp tục đến từ sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt nhóm vốn hoá lớn thuộc các ngành ngân hàng, thép, chứng khoán, tiện ích, công nghệ thông tin…. Đánh giá này dựa trên bối cảnh điều kiện thị trường được đánh giá sẽ tiếp tục duy trì trạng thái thuận lợi như tăng trưởng kinh tế ở mức cao, lạm phát không vượt quá mức mục tiêu chính phủ đề ra, lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá biến động ổn định...
KBSV dự phóng mức điểm phù hợp của VN-Index vào thời điểm cuối năm là 1.480 điểm, tương ứng P/E 2021 18 lần, EPS 2021 bình quân các doanh nghiệp trong rổ VN-Index tăng 13% so với mức hiện tại.
Ảnh Shutterstock.
Theo KBSV, bất cứ nhịp điều chỉnh đáng kể nào của thị trường (trong kịch bản các yếu tố rủi ro không làm thay đổi điều kiện cơ bản của thị trường trong dài hạn) đều là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, tích luỹ cổ phiếu. Nhịp điều chỉnh khả năng cao nhất sẽ xuất hiện trong nửa sau của quý III khi hiệu ứng tích cực từ mùa báo cáo KQKD quý II qua đi. Thời điểm đó, áp lực chốt lời vùng giá cao cần được giải toả, và các yếu tố rủi ro gia tăng như Fed đề cập đến việc giảm quy mô chương trình mua vào tài sản trong kỳ họp tháng 9, giá cả hàng hoá tiếp tục tăng khiến gia tăng rủi ro về lạm phát, tái bùng phát dịch Covid-19 bởi chủng mới trong khi chương trình tiêm chủng vaccine trong nước chậm triển khai...
Đối với chiến lược đầu tư tổng thể và xuyên suốt, KBSV cho rằng mua và nắm giữ là chiến lược hợp lý với phần đông nhà đầu tư khi mà các nhịp biến động của thị trường nhiều khả năng sẽ tăng dần biên độ trong nửa cuối năm, khiến hoạt động trading (giao dịch) kém hiệu quả nếu nhà đầu tư không nắm bắt được điểm vào/ra phù hợp.
Trong nửa sau 2021, báo cáo đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, điện, cảng biển, công nghệ thông tin, ngân hàng, thuỷ sản và dầu khí. Trong đó, các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở các ngành này có thể kể đến như tác động tích cực của môi trường lãi suất thấp đến nhóm ngân hàng và bất động sản. Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam và việc thương mại quốc tế dần khôi phục khi chương trình tiêm vaccine được đẩy mạnh ở các nước phát triển đây là điểm tích cực với nhóm bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và thuỷ sản. Trong khi đó, xu hướng tăng của giá hàng hoá ảnh hưởng tích cực đến nhóm dầu khí, hay một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mà không chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các biến động vĩ mô như công nghệ thông tin và điện…