• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
20 Tháng Mười 2024 7:52:37 SA - Mở cửa
HVN: Vietnam Airlines: Hoa sen có nở trở lại?
Nguồn tin: Người đồng hành | 12/07/2021 8:47:57 SA
Vietjet, Bamboo Airways vẫn báo lãi năm ngoái nhờ nghìn tỷ đồng thu nhập từ hoạt động tài chính.
Ước tính khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines sẽ lên tới 10.000 tỷ đồng.
SeABank, SHB và MSB đã ký hợp đồng tín dụng 4.000 tỷ đồng với Vietnam Airlines. 
Hãng hàng không thực hiện tái cơ cấu tổng thể, tiết kiệm chi phí, vận tải hàng hóa để vượt dịch.
Chiến dịch tiêm vaccine và "hộ chiếu vaccine" sẽ là cơ hội phục hồi ngành hàng không trong thời gian sắp tới.
 
Thực trạng ngành hàng không trong nước và thế giới
 
Đại dịch Covid-19 đã mang đến giai đoạn khó khăn chưa từng có cho ngành hàng không thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về tình hình hoạt động hàng không trong năm 2020, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt giảm 74% (1,38 tỷ hành khách) và 50% (1,32 tỷ hành khách), tổng doanh thu toàn ngành theo đó giảm 500 tỷ USD.
 
Ngành hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động của đại dịch. Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vận tải hàng không là lĩnh vực sụt giảm nghiêm trọng nhất vì dịch bệnh. Nhu cầu vận tải hàng không năm ngoái giảm từ 34,5% đến 65,9%, dẫn đến doanh thu dịch vụ vận tải hàng không sụt giảm 61% so với 2019.
 
Năm ngoái, Việt Nam vẫn có hai hãng hàng không tư nhân có lãi trong bối cảnh hầu hết các hãng hàng không toàn thế giới thông báo lỗ ròng. Nhờ hàng nghìn tỷ đồng thu nhập từ hoạt động tài chính, Vietjet và Bamboo Airways báo cáo lợi nhuận sau thuế lần lượt gần 69 tỷ đồng và hơn 300 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, dự báo hoạt động của các hãng này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
 
Theo thống kê của Hiệp hội Hàng không Việt Nam (VABA), nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên đến khoảng 36.000 tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu giảm sâu nhưng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch.
 
Sản lượng vận chuyển hành khách trong năm trước cũng giảm 54,1% về mức 36,3 triệu lượt hành khách. Tính đến 6 tháng đầu năm nay, các hãng hàng không trong nước gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways và Vietravel Airlines đã khai thác tổng cộng 99.746 chuyến bay, giảm gần 12% so với mức thấp của cùng kỳ năm ngoái. 

 
Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam
 
Vietnam Airlines trên bờ vực phá sản, ước lỗ 10.000 tỷ đồng nửa đầu năm
 
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines (HoSE:HVN). Trong năm Covid-19 thứ nhất, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 40.613 tỷ đồng, giảm 69%; lỗ sau thuế hợp nhất là 11.098 tỷ đồng và phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 10.844 tỷ đồng.
 
Sau 3 tháng đầu năm nay, doanh thu của tổng công ty tiếp tục giảm 60,3% xuống 7.460 tỷ đồng. Giá vốn cao hơn doanh thu nên doanh nghiệp bị lỗ gộp 3.869 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 632 tỷ cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 4.975 tỷ đồng, mức lỗ kỷ lục. Không chỉ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ giảm, lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến dịch vụ cung cấp hàng không cũng giảm như VACS, Skypec, Viags…

 
Cuối quý I, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên đến 14.219 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Nguồn: Vietnam Airlines
 
Tính đến 31/3, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên đến 14.219 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Nhờ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn khác nên tổng công ty vẫn chưa bị âm vốn chủ sở hữu. 
 
Tổng tài sản doanh nghiệp giảm gần 2.000 tỷ đồng xuống 60.580 tỷ đồng, phần lớn là tài sản cố định (chiếm 72%, 43.343 tỷ đồng). Tiền và tương đương tiền của hãng tương đương đầu năm, ở mức 1.595 tỷ đồng. Về nguồn vốn, Vietnam Airlines tăng vay nợ ngắn hạn 13% lên 12.694 tỷ đồng, trong khi vay dài hạn giảm 5% xuống 21.640 tỷ đồng. Theo đó, tổng nợ vay của doanh nghiệp là 34.334 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản là 57%, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 33 lần.
 
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính khoản lỗ trong 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines sẽ lên tới 10.000 tỷ đồng sau khi đã lỗ gần 5.000 tỷ đồng trong quý I. Đơn vị cũng đang có số nợ phải trả quá hạn 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. 
 
"Phao cứu sinh" hãng hàng không quốc gia từ gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng
 
Tháng 12/2020, Quốc hội thông qua gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh. Đây là giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines.
 
Cụ thể, gói cứu trợ bao gồm giao Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các tổ chức tín dụng để hãng hàng không vay bổ sung. Khoản tái cấp vốn được tự động gia hạn 2 lần tại thời điểm đến hạn với dự nợ gốc tái cấp vốn. Thời gian gia hạn mỗi lần là một năm. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không muộn hơn ngày 31/12.
 
Đồng thời, Vietnam Airlines được phép chào bán khoảng 8.000 tỷ đồng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu VNA theo phương thức chuyển giao quyền mua.
 
Vào ngày 7/7 vừa qua, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, Vietnam Airlines và SeABank ký hợp đồng cho vay tái cấp vốn gói vay ưu đãi có hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng, sẽ được giải ngân một phần vào đầu tháng 7.

 
Vietnam Airlines ký hợp đồng tín dụng 4.000 tỷ đồng với SeABank, MSB và SHB. Nguồn:VietnamAirlines
 
Vietnam Airlines cũng đang triển khai các bước để phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng. Chi tiết khối lượng chào bán và mức giá chào bán cho cổ đông hiện hữu vẫn chưa được tiết lộ và kỳ vọng sẽ công bố tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 14/7 tới đây.
 
Bên cạnh gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines đã triển khai nhiều giải pháp tự thân trong giai đoạn 2020 - 2021. Năm ngoái, hãng hàng không tiết kiệm khoảng 5.129 tỷ đồng từ giảm chi phí thuê máy bay, bảo dưỡng máy bay, tổ chức lại lao động… Trong năm nay, Vietnam Airlines tiếp tục đặt mục tiêu tiết kiệm khoảng 9.450 tỷ đồng, trong đó giải pháp tự thân 6.066 tỷ đồng.
 
Hãng cũng thực hiện tái cơ cấu đội tàu bay như phương án để gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền. Đầu tháng 6, Vietnam Airlines đã đấu giá 11 máy bay thân hẹp A321ceo và giảm đội tàu bay xuống còn 86 chiếc. Hãng hàng không cũng thực hiện nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) một động cơ dự phòng PW1133G-JM kèm một bộ chuyển đổi nhanh động cơ, dự kiến nhận bàn giao vào tháng 7. 
 
Tại phiên họp dự kiến diễn ra giữa tuần này, theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Vietnam Airlines dự kiến trình cổ đông tiếp tục bán 6 máy bay ATR 72 có tuổi đời 11-12 năm để chuyển qua đội bay phản lực mới. Đồng thời, các máy bay sẽ được mang thế chấp cho các ngân hàng tái cấp vốn để nhận về khoản vay 4.000 tỷ đồng từ Chính phủ. Giá trị tài sản còn lại của các máy bay này khoảng từ 3,5 đến 4,3 triệu USD/chiếc.
 
Trước tình trạng vắng khách, hãng hàng không quốc gia cũng chuyển hướng sang mảng vận tải hàng hóa (cargo) để vượt dịch. Vietnam Airlines đã bố trí một siêu máy bay như Boeing 787-9 để chở vải thiều từ Hà Nội vào TP HCM. Hãng hàng không cũng lập đội máy bay chuyên dụng chở hàng hóa. 
 
Vietnam Airlines kỳ vọng phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 
 
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính tổng sản lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không trong năm nay sẽ đạt trên 50% so với mức trước khi đại dịch diễn ra. Con số này sẽ được kỳ vọng sẽ cải thiện lên 88% vào năm 2022 và hồi phục hoàn toàn vào năm 2023. 
 
Cục Hàng không Việt Nam cũng dự báo việc đẩy nhanh tiêm phòng vaccine tại Việt Nam và thế giới nói chung sẽ tạo cơ hội cho thị trường hàng không Việt Nam phục hồi từ giữa quý III với sản lượng thông qua các cảng hàng không ước đạt trên 70 triệu hành khách.
 
Hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử toàn cầu đang diễn ra. Theo thống kê của Bloomberg, tính đến ngày 9/7, gần 3,4 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở 180 quốc gia trên thế giới. Trung bình mỗi ngày có 37,6 triệu liều vaccine được tiêm. Số lượng vaccine nói trên đủ dùng cho 21,9% dân số toàn cầu. Theo nhiều dự báo, phần lớn dân số các nước phát triển sẽ được tiêm chủng vào giữa năm 2022, đây cũng là những thị trường bay quốc tế chính của Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cũng thông báo sẽ cố gắng hoàn thành việc tiêm vaccine cho 70% dân số Việt Nam vào cuối năm, điều này sẽ giúp các hãng hàng không cải thiện kết quả lợi nhuận
 
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines và một số hãng hàng không khác bắt đầu thử nghiệm ứng dụng "hộ chiếu vaccine" IATA Travel Pass. Đây là một loại chứng nhận được cấp cho những người đã hoàn thành việc tiêm vaccine Covid-19, cho phép những người sở hữu nó được bỏ qua các khâu cách ly hoặc xét nghiệm khi nhập cảnh. Việc áp dụng dịch vụ này sẽ giúp gia tăng nhu cầu với các đường bay quốc tế, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ thời điểm dịch bệnh diễn ra.
 
Đồng thời, gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ có thể giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu còn 3,28 lần đến năm 2023 và dưới mức 3 lần tại năm 2024. Với sự đồng hành của Chính phủ và khả năng ứng phó của doanh nghiệp trước khó khăn, Vietnam Airlines dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025.
 
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc triển khai gói giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Đồng thời, hãng hàng không thực hiện tái cơ cấu tổng thể bao gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính, tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư, tái cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo đảm tinh gọn, nâng suất cao.
 
Vietnam Airlines cũng chú trọng nâng cao hiệu quả doanh nghiệp với các nghiệp vụ SLB các tàu bay sở hữu, xây dựng phương án thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không… nhằm đạt mục tiêu gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển.