Vietcombank, VietinBank vừa chia tay hai vị Chủ tịch HĐQT và sẽ cần thời gian để tìm vị lãnh đạo mới thay thế. BIDV từng có 2 năm để trống vị trí này.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV và ông Lê Đức Thọ, nguyên Chủ tịch VietinBank, được cùng bổ nhiệm 2 chức vụ trên vào tháng 11/2018.
Vietcombank đang vượt VietinBank và BIDV về lợi nhuận và chất lượng tài sản.
Ông Nghiêm Xuân Thành, sau 8 năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vietcombank vừa chia tay ngân hàng, để nhận nhiệm vụ mới, làm Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.
Với hơn 8 năm gắn bó với Vietcombank, những thay đổi của ngân hàng này gắn liền với hình ảnh của ông Nghiêm Xuân Thành. Bên cạnh sự bứt phá về lợi nhuận, quan điểm xuyên suốt rõ nét nhất dưới thời vị nguyên Chủ tịch HĐQT là thắt chặt rủi ro và phát triển bán lẻ.
Từ năm 2014, lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ tăng 3 lần từ hơn 4.500 tỷ đồng lên 18.451 tỷ đồng trong năm 2020. Thay đổi rõ nét nhất bắt đầu từ năm 2017, khi lợi nhuận tăng 33% lên 9.061 tỷ đồng. Hai năm sau đó, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao dao động 32-62%. Năm 2019, ngân hàng lần đầu lãi trước thuế vượt 1 tỷ USD.
Một trong những định hướng tạo nên kết quả lợi nhuận ngân hàng là chiến lược mở rộng bán lẻ. Cho vay bán lẻ được nhận định là một trong những động lực chính trong tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Trong 4 năm, tỷ trọng mảng này tăng từ quanh 40% lên gần 54% vào cuối năm trước.
Trong mục tiêu lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025 của Vietcombank, ban lãnh đạo xác định hoạt động bán lẻ sẽ đóng góp 50% cơ cấu. Mặt khác, các mảng về dịch vụ như bancassurance cũng được ngân hàng đẩy mạnh và ghi dấu ấn với thương vụ hợp tác độc quyền lớn nhất Việt Nam với FWD năm 2020.
Tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ xấu là hai chuyển biến lớn trong chất lượng tài sản của Vietcombank. Từ mức 2,4% năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm xuống còn quanh 0,8-0,9%, thuộc nhóm thấp nhất. Đồng thời, ngân hàng này cũng đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu (Dự phòng/nợ xấu (nhóm 1-3)) lên cao nhất hệ thống. Nếu năm 2012, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu gần 92%, đến cuối 2020, con số này lên tới 380%, cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.
Tại phiên họp thường niên 2021, nguyên Chủ tịch Vietcombank nhấn mạnh kiểm soát rủi ro là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng. Các khoản nợ luôn phải được kiểm duyệt và dự phòng chặt chẽ. Ngân hàng sẽ không đánh đổi rủi ro để lấy tăng trưởng và lợi nhuận. Đây cũng là lý do để ngân hàng đi đến quyết định trích lập tất cả nợ xấu liên quan đến Covid-19 ngay trong năm nay, dù Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn trích lập trong 3 năm.
Con đường trở thành ngân hàng đạt lợi nhuận tỷ USD của Vietcombank gắn với ông Nghiêm Xuân Thành. Ảnh: VCB
Tại VietinBank, ông Lê Đức Thọ cũng rời ngân hàng sau hơn 2 năm đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT, để nhận vị trí mới Bí thư tỉnh ủy Bến Tre. Không đảm nhiệm vị trí này dài như ông Nghiêm Xuân Thành, ông Lê Đức Thọ giữ chức Chủ tịch HĐQT VietinBank chỉ hơn 2 năm, sau 4 năm giữ vị trí tổng giám đốc của ngân hàng. Ông Thọ cũng để lại được dấu ấn rõ nét trên cương vị Chủ tịch bằng việc chủ động hạ nhiều chỉ tiêu của ngân hàng trong năm 2018, tạo tiền đề tăng trưởng cho 2 năm tiếp theo.
Năm 2018, lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ của VietinBank giảm 27% so với năm 2017, xuống 5.413 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,14% lên 1,59%. Khoản dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 57% lên hơn, 13.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên quanh 90%.
2 năm sau đó, VietinBank trở lại đường đua khi lợi nhuận cổ đông ngân hàng mẹ tăng 74% năm 2019 và 44% trong năm 2020, lần đầu vượt 10.000 tỷ đồng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ. Tỷ lệ nợ xấu cũng cải thiện từ 1,59% xuống còn 0,94% vào cuối năm trước, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu nâng lên quanh 130%.
Dưới thời ông Lê Đức Thọ, VietinBank cũng xử lý được khúc mắc lâu nay, là vấn đề tăng vốn. Tình trạng thiếu vốn cấp 1 khiến ngân hàng bị giới hạn tăng trưởng tín dụng do phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Trong nhiều năm, VietinBank chỉ cải thiện tạm thời bằng vốn cấp 2 qua phát hành trái phiếu.
Năm trước, Chính phủ ban hành Nghị định 121/2020 về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhóm ngân hàng được thêm vào danh sách các lĩnh vực cho phép đầu tư bổ sung vốn Nhà nước, áp dụng với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đây là cơ sở để VietinBank tăng vốn, trong bối cảnh không còn dư địa để chào bán cho cổ đông chiến lược (Nhà nước hiện nắm gần 65% vốn tại ngân hàng)
Vừa qua, VietinBank đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 29%. Ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên hơn 48.000 tỷ đồng, tạo tiền đề để tăng trưởng tín dụng cao hơn trong những năm tới.
Lợi nhuận VietinBank vượt 13.000 tỷ đồng dưới thời Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ. Ảnh: VietinBank.
Cùng thời gian ông Lê Đức Thọ được bổ nhiệm Chủ tịch VietinBank, tháng 11/2018, ông Phan Đức Tú được giao chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV, khi vị trí này bị bỏ trống hơn 26 tháng. Sau hơn 2 năm dẫn dắt bởi ông Phan Đức Tú, BIDV vẫn đang trong quá trình thay đổi nhưng chưa thực sự rõ nét.
Từ năm 2018, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của BIDV gần 7.400 tỷ đồng, cao hơn VietinBank, đến năm 2020, con số này còn gần 7.000 tỷ đồng và bị VietinBank bỏ lại phía sau. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cải thiện từ 1,9% xuống hơn 1,7% vào cuối năm trước, nhưng nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm hơn 1%.
Dấu ấn của BIDV những năm qua là việc chào bán thành công 15% vốn cho KEB Hana Bank, nâng vốn điều lệ lên hơn 40.200 tỷ đồng. Việc tăng vốn thành công, theo Chủ tịch BIDV, ông Phan Đức Tú đã gỡ được “nút thắt” quan trọng, mở ra cơ hội phát triển tốt hơn cho ngân hàng.
BIDV vẫn đang trong quá trình thay đổi và xử lý những tồn đọng quá khứ. Là ngân hàng đứng đầu về nhiều chỉ tiêu như tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi… so với các nhà băng trên sàn, ông Phan Đức Tú sẽ cần “cầm lái” để đưa lợi nhuận lên vị thế tương xứng.