• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.251,31 +0,85/+0,07%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:15:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.251,31   +0,85/+0,07%  |   HNX-INDEX   224,98   +0,34/+0,15%  |   UPCOM-INDEX   92,43   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.308,35   -2,91/-0,22%  |   HNX30   481,96   +2,17/+0,45%
02 Tháng Mười Hai 2024 1:19:58 CH - Mở cửa
Cổ phiếu ngành bán lẻ hưởng lợi nhờ giãn cách
Nguồn tin: Người đồng hành | 13/07/2021 8:51:54 SA
TP HCM đóng cửa chợ truyền thống, chuỗi Bách hoá Xanh, WinMart/WinMart+ hưởng lợi từ việc tích trữ hàng nhu yếu phẩm trong ngắn hạn.
FPT Retail, Digiworld tăng trưởng ngành hàng laptop, điện thoại đi dộng, các sản phẩm công nghệ tăng tốt trước xu hướng làm việc và giải trí tại nhà.
Ngành bán lẻ kỳ vọng phục hồi mạnh sau đợt dịch thứ 4.
 
TP HCM đang trải qua tuần đầu tiên giãn cách xã hội toàn thành phố kể khi đợt dịch thứ 4 bùng phát từ giữa tháng 5. Với việc đóng cửa phần lớn chợ truyền thống, xu hướng tích trữ hàng hoá của đại đa số người dân tăng cao củng cố triển vọng kinh doanh khả quan của một số công ty bán lẻ hiện đại.
 
Triển vọng của nhóm cổ phiếu bán lẻ - tiêu dùng trong ngắn hạn được củng cố nhờ vào thay đổi hành vi tiêu dùng trước quy định giãn cách xã hội tại TP HCM từ đầu tháng 7. Nhóm cổ phiếu hút mạnh dòng tiền đẩy giá cổ phiếu tăng bất chấp thị trường chung tiêu cực. 
 
Trên sàn các công ty đại diện cho nhóm ngành MWG, MSN, FRT, PNJ, DGW ,... đều có mức tăng giá cổ phiếu đáng kể trong thời gian vừa qua. 
 
Cổ phiếu bán lẻ hút mạnh dòng tiền nhờ hưởng lợi ngắn hạn
 
Mở đầu phiên giao dịch đầu tuần 12/7, VN-Index mất hơn 50 điểm, thị trường giảm trên diện rộng với phần lớn các nhóm ngành đều giảm sâu. Đáng chú ý, với lực hấp thụ mạnh từ bên mua, nhóm cổ phiếu bán lẻ nổi bật MWG, FRT, MSN... kết phiên trong sắc xanh, nối dài đà tăng từ tuần qua. 
 
Tuần giao dịch trước đó, VN-Index cũng mất 70 điểm, trong khi nhiều bluechip như VIC, HPG, NVL, VCB,… giảm mạnh thì có 4/10 cổ phiếu thuộc nhóm bán lẻ nằm ở chiều tăng điểm, góp phần kìm hãm đà giảm của thị trường.
 
MWG của công ty Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG) dẫn đầu trong nhóm tăng điểm với mức tăng 13% trong tuần qua lên 176.500 đồng/cổ phiếu. Phiên 12/7, MWG đóng cửa tăng nhẹ tại 176.600 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu kể từ khi lên sàn, tương đương vốn hoá xấp xỉ 84.000 tỷ đồng, khoảng 3,6 tỷ USD. So với đầu năm, cổ phiếu đã tăng 48%, vốn hoá tăng 55% do phát hành cổ phiếu ESOP. 
 
Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) tăng gần 3% trong phiên đầu tuần, đóng cửa xấp xỉ 120.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm bùng phát dịch đợt 4, cổ phiếu đã bật mạnh tăng hơn 15%. Vốn hoá của Masan đã đạt hơn 6,1 tỷ USD, tăng hơn 32% so với đầu năm. 
 
MWG, MSN cũng dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu có tác động tích cực đến chỉ VN-Index trong vòng 1 tháng qua. 
 
Trong lĩnh vực bán lẻ trang sức, cổ phiếu PNJ của công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng hơn 6,2% trong tuần qua. Cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số (HoSE: DGW) nhờ thông tin kết quả kinh doanh và chia cổ phiếu thưởng 1:1 cũng tăng gần 6% trong tuần qua, điều chỉnh nhẹ trong phiên đầu tuần về 138.000 đồng/cổ phiếu. 
 
Với mức giá xấp xỉ 145.000 đồng/cổ phiếu cuối tuần rồi, Digiworld đã chính vượt mức đỉnh 139.000 đồng cuối tháng 5, ghi nhận mức tăng giá 70% so với đầu năm. Cổ phiếu FRT của công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) cũng tăng xấp xỉ 5% trong tuần qua, và tăng 3,6% trong phiên đầu tuần 12/7, dừng tại 30.150 đồng/cổ phiếu. 
 

 
Diễn biến giá một số cổ phiếu ngành bán lẻ từ đầu năm đều tăng, trừ FRT. Nguồn: Tradingview
 
Dòng tiền khối ngoại cũng là yếu tố nâng đỡ cho các cổ phiếu bán lẻ trên sàn. Theo thống kê trong tuần qua, kể từ đầu tháng 7, khối ngoại mua ròng 5.665 tỷ đồng, trong đó ở nhóm bán lẻ, MSN được mua ròng hơn 349 tỷ đồng, MWG sang tay bởi khối ngoại với giá trị hơn 900 tỷ đồng. 
 
Bên cạnh triển vọng kinh doanh khả quan mùa dịch, một số cổ phiếu công ty bán lẻ được hỗ trợ bởi thông tin chia cổ tức như MWG chia cổ tức 60% trong quý III, Digiworld chuẩn bị thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1. Một số cổ phiếu trong ngành cũng tăng giá nhờ vào triển vọng chung của ngành. 
 
Bách Hoá Xanh, WinMart/WinMart+ kỳ vọng hoà vốn từ hoạt động kinh doanh
 
Chuỗi Bách hoá Xanh thuộc MWG và WinMart/WinMart+ của Masan Group hưởng lợi lớn trong ngắn hạn khi TP HCM tạm đóng cửa chợ truyền thống cùng nhu cầu tích trữ hàng hoá của người dân tăng mạnh. 
 
MWG cho biết tính đến cuối tháng 5 Bách Hoá Xanh có 1.851 cửa hàng trên cả nước. Phần lớn các cửa hàng tập trung khu vực phía Nam, với khoảng 30% cửa hàng đặt tại TP HCM. Tương tự chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+ cũng ghi nhận tín hiệu tích cực trong tháng 6, thời điểm cao điểm của đợt dịch thứ 4 tại TP HCM.
 
Công ty chứng khoán Bản Việt thông qua cuộc họp nhà đầu tư trực tuyến đầu tháng 7 cho biết trong tháng 6, VCM, công ty mẹ sỡ hữu 2 chuỗi nói trên đã đạt điểm hòa vốn ở cấp độ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT). Điều này thúc đẩy nhờ vào hành vi dịch chuyển mua sắm qua các kênh bán lẻ hiện đại gia tăng trong mùa dịch, đặc biệt nhóm sản phẩm nhu yếu phẩm. Tổng biên lợi nhuận thương mại đạt 20%, công ty kỳ vọng sẽ tăng lên 30% trong năm nay nhờ vào việc thương lượng các điều khoản với nhà cung cấp, chia sẻ doanh thu từ các kiosk Phúc Long và xây dựng danh mục nhãn hàng riêng.
 
Ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu VCM sẽ tiếp tục đạt EBIT dương trong 6 tháng cuối năm, với số lỗ dự kiến thu hẹp từ 3.200 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 1.000 tỷ đồng cuối năm nay. Cơ sở cho mục tiêu trên đến từ tăng trưởng doanh số trên cửa hàng hiện hữu. Theo đó, doanh thu chuỗi bán lẻ quý II tương đương cùng kỳ dù số cửa hàng giảm do đóng một số cửa hàng hoạt động kém hiệu quả.
 
Kể từ tháng 5, sau khi chi 15 triệu USD mua lại 20% cổ phần tại Phúc Long, Masan Group đã ra mắt mô hình kiosk Phúc Long tại các điểm bán Winmart/Winmart+. Chiến lược hợp tác này nhằm gia tăng lưu lượng khách cũng như giúp gia tăng biên lợi nhuận của WinMart+ thêm 4% so với hiện tại. Tính đến cuối tháng 6, đã có 50 kiosk đang hoạt động, Masan Gropu dự kiến tăng con  số lên 1.100 kiosk đến cuối năm, chiếm 40% số lượng cửa hàng WinMart+.
 
Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm của MWG ghi nhận doanh thu tháng 5 đạt 11.380 tỷ đồng, mức cao nhất tính theo tháng với lãi ròng 481 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 26% so với cùng kỳ. Mức này cũng tăng lần lượt 18% và 37% so với tháng trước. MWG cũng nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng đến từ sự bứt tốc của chuỗi Bách Hoá Xanh, trong khi chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã phải đóng cửa hơn 630 cửa hàng trong các khu phong toả và giãn cách kể từ đợt bùng dịch thứ 4 từ giữa tháng 5 trở đi.
 
Luỹ kế 5 tháng, MWG đạt doanh thu thuần 51.8390 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế tăng 26% đạt 2.172 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 5, MWG có 4.532 cửa hàng trong đó 1.851 cửa hàng Bách Hóa Xanh  mang về 10.600 tỷ đồng trong 5 tháng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ. Theo đó, chuỗi này đã đóng góp khoảng 1/5 tổng doanh thu cho MWG.
 
Theo MWG, doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng 5 đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội. Nhờ doanh thu tăng đột biến trong tháng 5, MWG cho hay Bách Hóa Xanh đang tiệm cận mức hoà vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao) ở cấp độ công ty.
 
Rủi ro chính đối với nhà bán lẻ này là hai chuỗi điện thoại và điện máy chiếm gần 80% doanh thu có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi dịch bệnh tiếp tục phức tạp khiến số lượng cửa hàng bị ảnh hưởng tiếp tục tăng lên.
 
FPT Retail, Digiworld tăng trưởng ngành hàng laptop, điện thoại đi dộng trước xu hướng làm việc tại nhà
 
Bên cạnh nhóm hàng thiết yếu, nhóm sản phẩm ICT cũng gia tăng mạnh nhu cầu trong mùa dịch, qua đó hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng của một số nhà bán lẻ như Digiworld, FPT Retail và MWG.
 
Digiworld đã công bố doanh thu quý II ước đạt 4.166 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 101 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 61% và 110% so với cùng kỳ. Kết quả có được nhờ vào tăng trưởng ở tất cả các ngành hàng trong đó ngành hàng thiết bị văn phòng có mức tăng cao nhất 120% trong quý với doanh thu 657 tỷ đồng.
 
Đáng chú ý, ngành hàng điện thoại di động chiếm hơn một nửa doanh thu Digiworld, ghi nhận tăng trưởng 85% so vói cùng kỳ. Trao đổi với NDH, đại diện công ty lý giải kết quả có được nhờ thay đổi tiêu dùng các sản phẩm laptop, máy tính bảng do ảnh hưởng từ Covid-19 khi người tiêu dùng có thời gian ở nhà nhiều hơn. Trong khi đó ở nhóm điện thoại di động, thị trường đang chứng kiến sự dịch chuyển cơ cấu thị phần từ các hãng bán giá rẻ sang trung và cao cấp. Đại diện công ty cũng nhìn nhận xu hướng này sẽ được củng cố khi GDP và thu nhập người dân tăng cũng như tốc độ đô thị hóa ở nông thôn tăng nhanh. 
 
Luỹ kế 6 tháng Digiworld ghi nhận doanh thu tăng 87% với 9.173 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 123% đạt 208 tỷ đồng. Mặc dù không chia sẻ kế hoạch cho 6 tháng cuối năm nhưng đại diện công ty tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu và lợi nhuận lần lượt 15.200 tỷ đồng và 300 tỷ đồng.
 
Còn tại FPT Retail, dù trọng tâm tăng trưởng đặt vào chuỗi nhà thuốc Long Châu nhưng ở mảng phân phối lẻ laptop, đại diện công ty dẫn số liệu Gfk cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, chuỗi FPT Shop đã vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ laptop với 31% thị phần. Năm ngoái, doanh thu chuỗi FPT Shop giảm 16% với 13.475 tỷ đồng, trong khi đó ngành hàng laptop tăng trưởng 57%, trở thành mảng đóng góp lớn vào doanh thu cho chuỗi. 
 
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021, bà Nguyễn Bạch Điệp, chủ tịch HĐQT công ty cho biết năm 2021, FPT Retail sẽ tiếp tục tập trung khai thác mảng kinh doanh laptop. Theo đó kế hoạch doanh thu mảng ICT chiếm khoảng 85% kế hoạch doanh thu hợp nhất 16.400 tỷ đồng. Bà cũng cho biết sẽ tìm kiếm lợi nhuận thông qua mở thêm 70 trung tâm laptop phục vụ thị trường đang có nhu cầu cao này.
 
Chuỗi bán lẻ này cũng đánh giá dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Người lao động, học sinh phải học tập và làm việc tại nhà, doanh nghiệp và trường học cần đổi mới quy trình làm việc, giảng dạy để thích nghi. Do vậy nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ như điện thoại, laptop, máy tính bảng… hiện rất cao.
 
Đầu tháng 6 này, FPT Retail đã công bố tham gia phân phối sỉ các mặt hàng công nghệ. Thị trường ICT dần bão hoà, theo đó, các kênh bán sỉ (B2B) đang được nhiều đơn vị nhắm đến với mục tiêu tăng trưởng doanh thu bằng việc tiêu thụ khối lượng hàng hoá lớn. Trước đó, MWG cũng đã triển khai mô hình bán hàng cộng tác viên, đại lý với chiết khấu 5-20%. Tuy nhiên thay vì bán cho doanh nghiệp, MWG hướng đến đối tượng 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ tại các vùng sâu, vùng xa.
 
Bán lẻ kỳ vọng phục hồi nhanh sau đợt bùng phát thứ 4
 
Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm vừa công bố mới đây, VNDirect cho rằng mức độ tác động của đợt bùng phát này khá mạnh nhưng bán lẻ sẽ là ngành phục hồi mạnh.
 
Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy trong nửa đầu năm, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hoá dịch vụ cả nước dưới tác động của dịch bệnh trong tháng 6 giảm 2% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên số liệu quý II vẫn có tăng trưởng dương 5,1% so với cùng kỳ.
 
Theo VNDirect, Việt Nam đã vượt qua các đợt bùng phát Covid-19 trước đây và vẫn duy trì chỉ số Niềm tin người tiêu dùng cao, đạt 117 điểm và đứng thứ 2 trong khu vực sau Philippines. Sau làn sóng Covid-19 đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong 3 quý tiếp theo tính đến cuối quý I, cho thấy tiềm năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
 
“Tác động của đợt bùng phát lần thứ 4 đối với phân khúc bán lẻ không thiết yếu mạnh hơn so với hai đợt bùng phát trước đó. Ngược lại, mảng bách hóa và nhà thuốc vẫn duy trì được tình hình hoạt động tốt khi mức độ giảm chỉ 6% so với trước đại dịch”, báo cáo cho hay.
 

 
Nguồn: VND Research, Google, Temasek, Bain&Company
 
Tại một hội thảo trực tuyến tuần rồi, các chuyên gia VNDiret cũng nhìn nhận bán lẻ là ngành có triển vọng khả quan về cuối năm. Có 4 xu hướng chính mà các nhà bán lẻ sẽ hưởng lợi từ những thay đổi trước đại dịch bao gồm: Các công ty bán lẻ lớn tiếp tục nắm bắt cơ hội để giành lấy thị phần; Thay đổi hành vi mua hàng trên nền kinh tế Internet; Tăng trưởng của thị trường thiết bị nhà thông minh tạo cơ hội cho các nhà phân phối và bán lẻ; Các nhà phát triển bất động sản thương mại tận hưởng làn sóng của các thương hiệu quốc tế.
 
Dù vậy VNDirect cũng nhìn nhận các nhà bán lẻ có thể đối mặt với việc giá cả lương thực leo thang, tác động đến biên lợi nhuận.
 
 
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức