Lượng tiền mới nộp vào tài khoản nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu giảm trước rủi ro dịch bệnh kéo dài. Trong khi đó, giao dịch khối ngoại đã tích cực hơn từ đầu tháng 7.
Dragon Capital đánh giá làn sóng tiêu cực Covid-19 thứ 4 có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, định giá Việt Nam vẫn hấp dẫn so với khu vực. Thị trường cần thêm thời gian tích luỹ để tiếp tục xu hướng đi lên trong năm 2022.
Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 5%, kỳ vọng tiếp tục có thêm các gói hỗ trợ kinh tế
Trong nhận định mới nhất, Dragon Capital - quỹ đầu tư nước ngoài thâm niên trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho rằng lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết có thể chịu ảnh hưởng trước tác động tiêu cực của làn sóng Covid-19 kéo dài lên nền kinh tế và doanh nghiệp.
Mức giảm sẽ chủ yếu bởi việc dịch bệnh kéo dài tác động lên nền kinh tế và doanh nghiệp. Trước đó, Dragon Capital dự báo tăng trưởng lợi nhuận của 60 doanh nghiệp trong nhóm theo dõi dự kiến 46% trong năm nay, chủ yếu là nhóm ngân hàng, bất động sản và thép.
Với giả định mức tăng trưởng nếu giảm xuống còn 35%, VN-Index dự báo ở mức 1.350 điểm, tương đương P/E 14 lần. “Mức này không phải thấp so với những năm trước nhưng định giá thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn so với khu vực”, báo cáo cho hay.
Các nhà phân tích từ quỹ cũng nhìn nhận thị trường chứng khoán cần thêm thời gian tích luỹ để có thể tiếp tục xu hướng đi lên vào năm 2022. “Nếu thị trường thế giới tiếp tục tăng và không có yếu tố tiêu cực xảy ra, chứng khoán Việt có thể tiếp tục tăng trong 2022 nhờ các yếu tố cơ bản phục hồi mạnh sau dịch”, Dragon Capital nêu trong bản tin nhận định.
Nguồn: Dragon Capital
Sau khi thiết lập kỷ lục về điểm số lẫn thanh khoản trong tháng 6, VN-Index bất ngờ điều chỉnh trong tháng 7. Phiên giao dịch 6/7, VN-Index giảm 4% về 1355 điểm, và những ngày sau đó tiếp tục biến động 2-3% quanh mức này.
Dragon Capital nhìn nhận thông tin giãn cách xã hội tại một số tỉnh thành lớn trong đó có TP HCM khiến nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến rủi ro dịch bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và định giá thị trường.
Với mức tăng 6,5% trong tháng 6, VN-Index đã có 5 tháng liên tiếp tăng điểm và ghi nhận mức kỷ lục tại 1.409 điểm với khối lượng giao dịch cao kỷ lục. Thanh khoản thị trường tăng 8% đạt bình quân 23.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 6 sau khi hệ thống giao dịch mới đi vào vận hành. Tính trên 3 sàn, thanh khoản đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 13% so với tháng trước đó.
Trong tháng 6 thị trường tiếp tục dẫn dắt bởi lớp nhà đầu tư mới. Số tài khoản mở mới trong tháng 6 140.000 tài khoản, tăng 23% so với tháng trước đó. Đáng nói, dòng vốn margin ở mức cao kỷ lục khi các công ty chứng khoán tăng vốn thì dòng tiền mới nộp vào tài khoản có dấu hiệu bắt đầu giảm.
Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư tổ chức có dấu hiệu tích cực trở lại. Trong tháng 6 khối ngoại bán ròng 3.900 đồng, xấp xỉ 1/3 mức của tháng 5. Riêng trong tháng 7, tính đến phiên giao dịch cuối tuần 9/7, khối này đã mua ròng 4.300 tỷ đồng.
Nói thêm về các yếu tố vĩ mô, Dragon Capital cho rằng hoạt động kinh tế trong tháng 6 có dấu hiệu chậm lại khi nhiều tỉnh thành lớn áp dụng giãn cách xã hội. Theo đó, mức độ di chuyển đã giảm 40% so với cùng kỳ, ngành dịch vụ và bán lẻ sẽ chịu ảnh hướng lớn nhất.
Trong khi với ngành sản xuất, Dragon Capital kỳ vọng không chịu ảnh hưởng mạnh như trong năm 2020 bởi nguồn vaccine đang được ưu tiên cho các khu công nghiệp. Cụ thể, chỉ số PMI tháng 6 giảm xuống 44, từ mức 53 của tháng 5, do một số khu công nghiệp tạm dừng sản xuất.Tuy nhiên, mức giảm này không nhiều nếu so với con số 33, mức thấp kỷ lục của tháng 3 năm ngoái.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng 8,4%, đóng góp vào tăng tưởng 5,6% của GDP. Các chuyên gia từ Dragon Capital cũng lưu ý việc thị trường Mỹ và châu Âu mở cửa trở lại sẽ có tác động tích cực đến Việt Nam khi hai thị trường này chiếm đến 41% tổng thị phần xuất khẩu của cả nước.
Nguồn: Dragon Capital
Một yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đó là tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tín dụng đến cuối tháng 6 đã tăng 5,5%, cao hơn mức 2,8% của cùng kỳ. Trong khi đó, lạm phát tăng 1,5%, thấp hơn mức tăng của toàn cầu, cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa thực hiện các chính sách nới lỏng để đạt được mục tiêu tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế vượt đại dịch.
Dựa trên đánh giá mức độ phức tạp của chủng virus, Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có. Đồng thời quỹ cũng nhấn mạnh, với gần 10% dư địa về tài khóa so với mức trần nợ công 65%, kỳ vọng chính phủ sẽ công bố các gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo và nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công (tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng) trong nửa cuối năm nay.