Lãnh đạo Thép Tiến Lên đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu TLH từ ngày 21/7 đến 19/8.
Tổng sở hữu gia đình Chủ tịch HĐQT có thể tăng lên 37,8% nếu giao dịch của bà Phượng thành công.
Cổ phiếu TLH giảm 25% trong vòng 5 phiên trước khi phục hồi lên vùng giá 15.000 đồng/cp các phiên gần đây.
Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Thành viên HĐQT Thép Tiến Lên (HoSE:
TLH) đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu từ 21/7 đến 19/8, tương đương 6,86% vốn. Mục đích giao dịch là tái cơ cấu danh mục, phương thức có thể khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Bà Phượng là con gái của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Thép Tiến Lên. Ông Hà đang sở hữu gần 20 triệu cổ phiếu
TLH, tương đương 19,6% vốn. Bà Phạm Thị Hồng, Tổng giám đốc công ty (mẹ bà Phượng) cũng đang nắm 11,6 triệu cổ phiếu
TLH, tương đương 11,36% vốn.
Ngược lại, ông Phạm Minh Tuấn, em trai Tổng giám đốc đăng ký bán 1,2 triệu cổ phiếu; bà Phạm Thúy Liễu, chị dâu Tổng giám đốc đăng ký bán 719.715 cổ phiếu; ông Lê Văn Trọng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thép Tây Nguyên – công ty con Thép Tiến Lên đăng ký bán 657.800 đơn vị.
Như vậy, nếu các giao dịch mua và bán trên thành công, gia đình vị Chủ tịch HĐQT sẽ tăng sở hữu Thép Tiến lên từ 32% lên 36,5% vốn.
Theo quy định, người nội bộ và đối tượng có liên quan khi đã sở hữu trên 25% vốn và muốn mua thêm để tỷ lệ sở hữu vượt các mốc 35%, 45%, 55%, 65% và 75% số cổ phần có quyền biểu quyết thì phải chào mua công khai, trừ trường hợp được ĐHĐCĐ thông qua. Song, ĐHĐCĐ năm nay của Thép Tiến Lên không có thảo luận nội dung liên quan đến việc gia đình Chủ tịch HĐQT gia tăng tỷ lệ sở hữu để vượt các mốc trên.
Thực thế, vào tháng 6, ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đã phải dừng mua 5 triệu cổ phiếu HPG khi tỷ lệ sở hữu của nhóm có liên quan có thể vượt mức 35% nếu giao dịch thành công. Nguyên nhân là do ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Hòa Phát chưa xác định rõ đối tượng chuyển nhượng theo quy định tại Luật Chứng khoán 2021, mặc dù đã thông qua việc ông Long và con trai mua cổ phiếu HPG để tỷ lệ sở hữu của nhóm vượt các mốc 35%, 45%, 55%, 65% và 75% số cổ phần có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai. Do đó, Hòa Phát phải tổ chức lấy ý kiến cổ đông thông qua lại vấn đề này kèm đối tượng chuyển nhượng.
Lãnh đạo Thép Tiến Lên đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu
TLH trong bối cảnh thị giá giảm mạnh từ vùng 19.000 đồng/cp xuống 14.150 đồng/cp, tương ứng giảm 25% trong vòng 5 phiên giao dịch đầu tháng 7. Cổ phiếu mới có sự phục hồi 3 phiên gần đây lên 15.000 đồng/cp.
Nguồn: TradingView
Mới đây, Thép Tiến Lên thông báo 5 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất 2.106 tỷ đồng, lãi sau thuế 290 tỷ đồng. Doanh nghiệp thực hiện được 42% chỉ tiêu doanh thu nhưng vượt 16% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (250 tỷ đồng). Như vậy, riêng tháng 5, đơn vị ghi nhận doanh thu hợp nhất 348 tỷ đồng, lãi sau thuế 55 tỷ đồng; lần lượt giảm 55% và giảm 52% so với tháng trước.
Doanh nghiệp cho biết giá sắt thép khởi sắc cùng sản lượng tăng giúp doanh thu tăng. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ nhập hàng tồn kho bình quân giá thấp. Đồng thời, chi phí lãi vay giảm khi lãi suất giảm và Thép Tiến Lên dùng vốn tự có để kinh doanh.