Chênh lệch giá mua – bán vàng tại doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn trong nước ngày càng được nới rộng trong bối cảnh kim loại quý đang ngóng chờ nhiều thông tin quan trọng phía trước.
Khảo sát đầu giờ sáng nay (27/7), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 56,6 – 57,3 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra được mở rộng lên 700 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều mua vào nhưng tăng 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, đang được niêm yết ở mức 56,7– 57,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào bán ra tại doanh nghiệp này được mở rộng lên tới 1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.796,3 USD/ounce, giảm 5,9 USD, tương đương 0,33% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 50 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 6,6 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ: Kitco
Trước đó, giá vàng giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (26/7), bất chấp đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm nhẹ khi giới đầu tư trở nên thận trọng hơn trước cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Sự tập trung của thị trường đang đổ về cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed để tìm ra những gợi ý đầu tiên về việc Ngân hàng Trung ương dự kiến cắt giảm những gì trong bảng cân đối kế toán, và điều đó có thể là nguyên nhân khiến lãi suất tăng cao hơn.
Tuy nhiên, ông Edward Meir, nhà phân tích tại ED&F Man Capital Markets cho rằng, điều này sẽ không có khả năng thúc đẩy vàng giảm liên tục, với hỗ trợ từ sự ôn hòa của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), chính sách thích ứng hiện tại của Fed, các gói kích thích lớn và lạm phát tăng cao hơn. Cả ECB và Fed đều gợi ý rằng họ sẽ giữ chính sách tiền tệ thích hợp trong một thời gian dài.