Doanh nghiệp báo cáo doanh thu quý II tăng 24% và lợi nhuận tăng 65%.
Mảng tôm xuất khẩu và mảng kinh doanh giống cây trồng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ.
CTCP Tập đoàn
PAN (HNX: PAN) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II. Theo đó, doanh thu thuần đạt 2.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 61 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 65% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong quý II của các mảng kinh doanh chính, đặc biệt là mảng tôm xuất khẩu và mảng kinh doanh giống cây trồng.
Kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm của Tập đoàn PAN.
Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn PAN đạt doanh thu hợp nhất 3.960 tỷ đồng, tăng 27% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 83 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng tôm xuất khẩu và mảng giống cây trồng lần lượt đóng góp 42% và 20% vào kết quả doanh thu hợp nhất.
Mảng tôm xuất khẩu và giống cây trồng của tập đoàn ghi nhận phục hồi mạnh mẽ.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh tốt từ CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC) – cũng góp phần cải thiện đáng kể lợi nhuận cho tập đoàn khi ghi nhận lãi từ công ty liên kết. 6 tháng đầu năm VFC ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 77 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, lợi nhuận hợp nhất cũng đạt kết quả ấn tượng nhờ các nỗ lực kiểm soát chi phí kinh doanh và vận hành của tập đoàn. Chi phí bán hàng tăng tương ứng với quy mô doanh thu (tăng 26% so với 6 tháng đầu 2020) trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm và chỉ ở mức tương đương cùng kỳ.
Chi phí vận chuyển tiếp tục là trở ngại lớn với mảng kinh doanh thủy sản/hạt xuất khẩu khi giá cước vận chuyển container vẫn đang ở mức cao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex Việt Nam, HoSE: FMC) chi phí vận tải tăng 83% trong quý II và chiếm tới 65% chi phí bán hàng (loại trừ khoản thuế chống bán phá giá được hoàn lại), đẩy chi phí bán hàng 6 tháng đầu năm tại Sao Ta lên gần 43 tỷ đồng so với 24 tỷ đồng cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu gặp khó vì cước phí container vẫn ở mức cao.
Tập đoàn không có biến động lớn về quy mô tài sản và nợ phải trả trong 2 quý đầu năm. Hệ số cơ cấu nợ trên vốn chủ sở hữu duy trì ở mức an toàn.
Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của tập đoàn.
Từ nay đến cuối năm 2021, tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho tăng trưởng hữu cơ và tận dụng cơ hội thị trường, phát huy lợi thế của chuỗi giá trị khép kín, cung cấp đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, PAN sẽ đặc biệt chú trọng các biện pháp dự phòng rủi ro ở các khâu từ sản xuất đến thị trường, triển khai các giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch với mục tiêu duy trì sự tăng trưởng ổn định tại tất cả các mảng sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp trên cả nước, ưu tiên hàng đầu của tập đoàn là đảm bảo mục tiêu kép bảo vệ người lao động an toàn trong đại dịch và đảm bảo mọi đơn hàng cho đối tác thông suốt trên các tuyến giao thương huyết mạch toàn cầu. Toàn tập đoàn đã sớm lên các kế hoạch ứng phó với Covid-19 và triển khai mô hình “4 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ) để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh thông suốt, bảo toàn chuỗi cung ứng, giúp người lao động duy trì được công ăn việc làm và nguồn thu nhập.