VDSC cho rằng các chiến dịch tiêm chủng toàn cầu sẽ dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển và sân bay trong tương lai.
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển nội địa dự báo ở mức tăng trưởng hai con số 15% và 14% trong năm 2021 và 2022.
Tăng trưởng sản lượng container vận tải được hỗ trợ bởi sự kỳ vọng các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi.
Theo báo cáo của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành cảng biển duy trì triển vọng khả quan nhờ chiến dịch tiêm chủng toàn cầu củng cố triển vọng thương mại và gia tăng lượng hàng hóa qua cảng.
Cụ thể, các chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 đã giúp các đối tác thương mại chính của Việt Nam mở cửa cửa nền kinh tế trở lại. Điều này sẽ hỗ trợ cho các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển và sân bay trong tương lai.
Bất chấp rủi ro ngắn hạn về gián đoạn sản lượng sản xuất, VDSC dự báo tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển nội địa sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số 15% và 14% trong năm 2021 và 2022. Dự báo này dựa trên kỳ vọng tỷ lệ tiêm vaccine có thể tăng đáng kể trong những tháng tới khi các lô vaccine mới về Việt Nam gần như hàng tuần và hoàn thành lộ trình tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối quý I/2022.
VDSC cũng đánh giá vai trò của cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển Việt Nam ngày càng quan trọng khi nâng cao hiệu quả hoạt động của các hãng tàu và đáp ứng hoàn hảo cho các tuyến vận tải kết nối Việt Nam với các đối tác thương mại quan trọng. Thực tế, thị phần của các cảng nước sâu và số tuyến vận tải đường dài ngày càng tăng trong nước.
Về vận tải container nội địa, tăng trưởng sản lượng container vận tải được hỗ trợ bởi sự kỳ vọng các hoạt động sản xuất công nghiệp dần phục hồi.
Sản lượng container của các hãng tàu Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Sản lượng container đã tăng đáng kể từ khoảng 3 triệu teu năm 2017 lên gần 8 triệu teu năm 2020. Trong nửa đầu năm nay, sản lượng container đạt 4,4 triệu teu, tăng 26% so với cùng kỳ.
Đội tàu container trong nước có quy mô và tỷ trọng đóng góp và vào tổng cơ cấu đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ và nhiều tuổi hơn so với mức trung bình toàn cầu.
Hiện tại, đội tàu bao gồm 36 chiếc với tổng sức chứa 29.000 teu, tương đương mức cung tải trung bình 805 teu/tàu, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 20.000 teu/tàu của thế giới. Xét về cơ cấu loại tàu, tàu container chỉ chiếm 2,8% đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, trong khi trên phạm vi toàn cầu số lượng tàu container chiếm khoảng 10%. Tuổi trung bình của đội tàu là 18 tuổi so với con số 10 tuổi của thế giới.
Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE:
HAH), GLS, Tân Cảng và Gemadept (HoSE:
GMD) chiếm thị phần lớn về số chuyến tàu trong các tuyến dịch vụ chính trong nước. Phần lớn các công ty vận tải biển hiện đang chạy tuyến Hải Phòng - TP HCM - Hải Phòng, tuy nhiên Hải An và Biển Đông tăng cường lợi thế cạnh tranh bằng cách bổ sung các tuyến tàu đến trung tâm logistics khác tại Đà Nẵng và Cái Mép (Vũng Tàu) nhờ đội tàu lớn. Riêng Hải An, với lợi thế nhờ sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước, có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ 3 miền Bắc - Trung - Nam, giúp tối đa hóa sản lượng vận chuyển của từng chuyến.
Hiện đội tàu container của Hải An chiếm 22% trong tổng số 36 tàu container của Việt Nam với tổng công suất gần 11.000 teu và thống lĩnh thị trường về số lượng cảng cập bến với tần suất chuyến nội địa trung bình là 4 chuyến/tuần. Ngoài ra, đơn vị này cũng thực hiện các dịch vụ trung chuyển quốc tế trên các tuyến nội Á với tần suất 2 chuyến/tuần.
Ngoài ra, ngành vận tải biển nội địa cũng chịu tác động từ vấn đề khan hiếm container khiến giá thuê container tăng cao, dẫn đến giá cước tăng theo. Ví dụ, giá cước mỗi teu của Hải An tăng 61% đối với tuyến TP HCM - Hải Phòng và tăng 26% đối với chiều ngược lại.