Quá trình cổ phần hoá các tổng công ty thuộc Bộ giao thông vận tải (GTVT) đã diễn ra nhanh chóng, vì thế không tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Tại Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco 1), Bộ Giao thông đã đồng ý thoái toàn bộ vốn nhà nước, nhờ đó Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) thông qua 4 công ty: Yên Khánh, An Hiền, Cái Mép, Khánh An đã thâu tóm được đơn vị thi công cầu số 1 Việt Nam.
Mất vốn nhà nước tại Cienco 1?
Phải nói rằng, cổ phần hoá (CPH) các doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng, tuy nhiên, trong quá tình thực hiện còn thiếu sót nên dẫn đến những hậu quả khó lường. Đặc biệt, việc tại Cienco 1, Bộ GTVT đã đồng ý thoái toàn bộ vốn nhà nước.
Cụ thể, từ năm 2013, Cienco 1 bắt đầu tiến hành các thủ tục để CPH doanh nghiệp. Qua đó, xác định phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 478,3 tỷ đồng (thời điểm đó)
Đến ngày 28/4/2014, tại quyết định số 1584/QĐ-BGTVT về phê duyệt cơ cấu vốn điều lệ của CIENCO1 có tỷ lệ: Nhà nước nắm 35% vốn điều lệ (VĐL) (tương đương 245 tỷ đồng); bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) 10,4% VĐL (khoảng 72,9 tỷ đồng); CP với giá ưu đãi cho người lao động theo số năm công tác 1,69% VĐL (11,7 tỷ đồng); CP ưu đãi cho người lao động theo năm cam kết làm việc 8,73 VĐL (61,1 tỷ đồng).
Đáng chú ý, thời điểm tháng 4/2014 xác định: “Cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược chỉ chiếm 31% VĐL (tương đương 217 tỷ đồng) và cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường chiếm 23,58% VĐL (tương đương 165 tỷ đồng). Tổng vốn điều lệ CIENCO1 là 700 tỷ đồng”.
Ngay sau đó, có 3 nhà đầu tư chiến lược quan tâm và mua cổ phần CIENCO1 là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (gọi tắt là Yên Khánh) mua 7 triệu CP tương đương 10% VĐL. Công ty CP Fecon (gọi tắt là Fecon) mua 7 triệu CP tương đương 10% VĐL và Công ty CP máy xây dựng Hassyu, Nhật Bản (gọi tắt là Hassyu) mua 7,7 triệu CP chiếm 11% VĐL.Như vậy, đến tháng 6/2014, các nhà đầu tư chiến lược đã mua đủ 31% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, bất ngờ, đến tháng 12/2014 bằng văn bản số 15169/BGTVT-QLDN của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng ý thực hiện thoái toàn bộ 35% vốn điều lệ nhà nước tại CIENCO1. Đây chính là quyết định khiến CIENCO1 hoàn toàn rơi vào tay Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) mà không còn vốn của nhà nước.
Sau khi Út trọc bị bắt, thông qua việc nắm đại diện phần vốn của các cổ đông lớn, từ cuối năm 2020 đến nay, ông Đinh Ngọc Vượng (anh trai Út trọc) đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát tại Cienco 1.
Hậu cổ phần hoá Cienco 1 "lao dốc"
Theo ghi nhận của VietnamFinance, Cienco 1 từng là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cầu tại Việt Nam. Hàng loạt các dự án ghi dấu Cienco 1 như Cầu Rồng (Đà Nẵng), cầu Hạc Trì (Phú Thọ), Cầu Cổ Chiên (Bến Tre), Cầu Bạch Đằng (Hải Phòng), các cầu trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...
Tính đến trước khi cổ phần hoá vào năm 2013, Cienco 1 ghi nhận mức doanh thu đạt 5.980 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 45 tỷ đồng. Đến năm 2014 (thời điểm cổ phần hoá), Cienco 1 vẫn đạt 5.822 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 101 tỷ đồng, tăng 121%. Tuy nhiên, sau cổ phần hoá về tay Út trọc, Cienco 1 lao đốc không phanh.
Báo cáo tài chính của Cienco 1 cho thấy, dù đơn vị liên tiếp tăng vốn chủ sở hữu giai đoạn 2016 - 2019 từ 780 tỷ đồng lên 842,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu giai đoạn này chứng kiến sụt giảm tệ hại lần lượt là 2.465 tỷ đồng (năm 2016); 1.722 tỷ đồng (năm 2017); 1.334 tỷ đồng (năm 2018); đến năm 2019 chỉ đạt 539,9 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Cienco 1 cũng sụt giảm mạnh, cụ thể, năm 2016 đạt 62,7 tỷ đồng; năm 2017 đạt 45,9 tỷ đồng; năm 2018 đạt 47,8 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 chỉ đạt 5,1 tỷ đồng.
Hiện, Cienco1 đang nắm giữ 11 công ty, trong đó, Công ty CP Xây dựng 121 (nắm 51% vốn), còn lại là 10 công ty liên doanh. Tại Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình dù sở hữu 57% nhưng Cienco1 không nắm quyền kiểm soát.
Tại báo cáo mới nhất của Cienco 1, tính đến năm 2020, tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng khi doanh thu chỉ 327 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so năm 2019. Tuy nhiên nhờ doanh thu tài chính và lãi liên doanh liên kết tăng mà lợi nhuận sau thuế của Cienco1 đạt hơn 17 tỷ đồng, tăng 31% so năm 2019.
Tính đến 31/12/2020, Cienco1 có tổng tài sản 3.312 tỷ đồng, tăng thêm 164 tỷ đồng so đầu kỳ. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao với 1.972 tỷ đồng. Vay nợ tài chính không đáng kể khi chỉ vay ngắn hạn gần 294 tỷ đồng.
Tại báo cáo kiểm toán năm 2020 của Cienco 1, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ. Cụ thể, kiểm toán không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán cần thiết đối với báo cáo tài chính năm 2020 của các công ty liên kết của Cienco 1.