15h00
Về cuối phiên giao dịch, đà giảm của nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng tiếp tục bị nới rộng thêm, trong đó, VIB giảm sàn xuống 36.000 đồng/cp, LPB giảm 5,8%, MSB giảm 4,9%, ACB giảm 4,8%, MBB giảm 4,3%... Bên cạnh đó, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí như PVS, PVD, PLX, GAS... cũng đồng loạt giảm mạnh.
Các cổ phiếu trụ cột khác như GVR, MSN, MWG... đều giảm giá sâu. GVR mất 5,9%, MSN giảm 5,1%, MWG giảm 3,6%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 30,57 điểm (-2,3%) xuống 1.298,86 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 282 mã giảm và 32 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,22 điểm (-0,95%) xuống 334,84 điểm. Toàn sàn có 89 mã tăng, 125 mã giảm và 60 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.555 tỷ đồng, giảm 34%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 32,6% xuống còn 24.792 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 380 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
13h25
Nhóm chứng khoán vẫn là tâm điểm của thị trường khi đồng loạt bứt phá, trong đó, các cổ phiếu như TCI, DSC, BMS, WSS, SHS, CTS, APG, AGR...vẫn được kéo lên mức giá trần bất chấp biến động tiêu cực của thị trường chung.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng vẫn đang là tạo áp lực lớn nhất lên các chỉ số, trong đó, VIB giảm 4,4%, LPB giảm 3,7%, MSB giảm 3,2%, MBB giảm 3,2%, VBC giảm 3,2%.
VN-Index giảm 21,34 điểm (-1,61%) xuống 1.308,09 điểm. HNX-Index giảm 1 điểm (-0,3%) xuống 337,06 điểm. UPCoM-Index giảm 1,35 điểm (-1,46%) xuống 91,35 điểm.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 18,08 điểm (-1,36%) lên 1.311,35 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng, 282 mã giảm và 25 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,27%) xuống 337,15 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 124 mã giảm và 50 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,34 điểm (-1,45%) xuống 91,36 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lao dốc ở phiên sáng nay, trong đó, VIB giảm 3,6%, VCB giảm 2,4%, ACB giảm 2,8%, SHB giảm 2,8%. Bên cạnh đó, các mã trụ cột như MSN, BCM, VRE, BVH... cũng đồng loạt giảm sâu,
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên sáng hôm cuối tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 16.994 tỷ đồng, giảm 30%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 29,5% xuống 13.528 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 150 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h00
VN-Index giảm 8,09 điểm (-0,61%) xuống 1.31,24 điểm. HNX-Index tăng 1,53 điểm (0,45%) lên 339,59 điểm. UPCoM-Index giảm 0,88 điểm (-0,95%) xuống 91,82 điểm.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt bứt phá, trong đó, TCI, DCS, BMS, WSS, SHS, VIG, CTS, APG, AGR... đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, BSI tăng 8,4%, HCM tăng 2,1%, VCI tăng 1,9%, SSI tăng 1%.
10h30
Đôi lúc, lực cầu xuất hiện và giúp thu hẹp phần nào đà giảm của VN-Index. Tuy nhiên, đà giảm ngay sau đó quay trở lại và tiếp tục nới rộng sắc đỏ của chỉ số này.
VN-Index hiện giảm 8,16 điểm (-0,61%) xuống 1.321,3 điểm. HNX-Index tăng 0,1 điểm (0,03%) lên 338,16 điểm. UPCoM-Index giảm 0,83 điểm (-0,9%) xuống 91,87 điểm.
9h52
NVL đi ngược xu hướng thị trường chung khi tăng 2,2% lên 106.000 đồng/cp. Novaland (NVL) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và thưởng cổ phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến phát hành 456,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ phân phối 31%. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của công ty mẹ tại BCTC kiểm toán 2020 khoảng 6.411 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phát hành 427,3 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương tỷ lệ phân phối 29%.
9h50
PNJ giảm 2,4% xuống 89.300 đồng/cp sau khi công bố kết quả kinh doanh tiêu cực. Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thông báo doanh thu thuần tháng 7 đạt 489 tỷ đồng, giảm 62,6% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 17,7% cùng kỳ năm trước lên 19,6%, tổng chi phí hoạt động giảm 16,9%. Do vậy, doanh nghiệp lỗ sau thuế 32 tỷ đồng. Tháng gần nhất PNJ lỗ là tháng 4/2020 với 102 tỷ đồng, đỉnh dịch của năm 2020 nhiều cửa hàng tạm đóng cửa theo yêu cầu chống dịch.
9h39
Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 23/8, áp lực bán đã tỏ ra chiếm ưu thế đáng kể và khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc, các chỉ số vì vậy cũng bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, BCM giảm 4%, PDR giảm 3%, PNJ giảm 2,3%... Nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động tiêu cực khi các mã như VIB, ACB, LPB, MBB, VCB... đều chìm trong sắc đỏ. VIB giảm 2,6%, MBB giảm 2,2%, ACB giảm 2,4%.
Ở chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu lớn tăng giá, trong đó, những cái tên như CTG, SSI, HCM, VHM hay GAS đều chỉ nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu.
VN-Index giảm 9,82 điểm (-0,74%) xuống 1.319,61 điểm, có lúc chỉ số này mất đến hơn 16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 123,3 triệu cổ phiếu, trị giá 3.800 tỷ đồng. HNX-Index tăng trở lại sau ít phút giảm với mức tăng 0,15 điểm (0,04%) lên 338,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36 triệu cổ phiếu, trị giá 906 tỷ đồng. UPCoM-Index giảm 1,16 điểm (1,25%) lên 91,54 điểm.
VN-Index điều chỉnh trong tuần từ 16-20/8 với áp lực từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó, giá trị giao dịch trung bình đạt 35.312 tỷ đồng/phiên, tăng 20,2%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 20% lên 33.035 tỷ đồng. Phiên 20/8, thị trường chứng khoán lập kỷ lục về thanh khoản khi giá trị khớp lệnh đạt hơn 2 tỷ USD (46.290 tỷ đồng).
Cá nhân trong nước duy trì được sự tích cực khi mua ròng gần 6.857 tỷ đồng trên HoSE. Tương tự, khối tự doanh mua ròng 785 tỷ đồng. Chiều ngược lại, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) và khối ngoại đều bán ròng với giá trị lần lượt 1.975 tỷ đồng và 5.667 tỷ đồng.
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng trong tuần giao dịch tiếp theo 23-28/8, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn với vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.200-1.250 điểm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.300 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, nhưng thị trường có thể nhanh chóng hồi phục trở lại.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Kết thúc phiên 20/8, giá dầu Brent tương lai giảm 1,27 USD, tương đương 1,9%, xuống 65,18 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 4. Giá dầu WTI giảm 1,37 USD, tương đương 2,2%, xuống 62,32 USD/thùng. Đây là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của thị trường năng lượng. Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 8%, WTI giảm hơn 9%. Đây là tuần tệ nhất của thị trường năng lượng trong 9 tháng.
Chốt phiên 20/8, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều tăng. Dow Jones tăng 225,96 điểm, tương đương 0,65%, lên 35.120,08 điểm. S&P 500 tăng 35,87 điểm, tương đương 0,81%, lên 4.441,67 điểm. Nasdaq tăng 172,88 điểm, tương đương 1,19%, lên 14.714,66 điểm. 11 lĩnh vực trong S&P 500 đều chốt phiên trong sắc xanh với cổ phiếu công nghệ và tiện ích tăng mạnh nhất. Chốt tuần, S&P 500 giảm 0,6%, Dow Jones giảm 1,1% còn Nasdaq giảm 0,7%.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hạ cánh tại Singapore ngày 22/8, bắt đầu chuyến thăm nước này và sau đó sẽ đến Việt Nam.