Quỹ thuộc KKR đăng ký bán hơn 31,94 triệu cổ phiếu của Vinhomes, giảm sở hữu xuống 4,6%.
HDI Global SE đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu PVI sau khi bán hơn 14 triệu đơn vị ngày 6/8.
Platinum Victory Pte. Ltd muốn mua gần 12,76 triệu cổ phiếu REE.
Samarang Ucits thu về 5,4 tỷ đồng sau khi bán 246.400 cổ phiếu DXP.
KKR đăng ký bán gần 32 triệu cổ phiếu VHM
Quỹ Viking Asia Holdings II Pte.Ltd thuộc Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đăng ký bán hơn 31,94 triệu cổ phiếu của Vinhomes (HoSE:
VHM) để giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,5% xuống 4,6%, ứng với hơn 153,8 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến từ 19/8 đến 17/9.
Nhóm nhà đầu tư này từng chi 650 triệu USD để mua thỏa thuận gần 6% cổ phần
VHM với giá 75.000 đồng/cp vào tháng 6 năm ngoái. Tạm tính theo giá đóng cửa ngày 20/8, KKR lãi khoảng 50% sau hơn một năm nắm giữ.
KKR thành lập năm 1976, được xem là đơn vị sáng lập ngành công nghiệp quản lý quỹ vốn tư nhân hiện đại và tiên phong trong lĩnh vực mua bán sáp nhập (M&A) bằng vốn vay (leverage buyout). Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, KKR từng đình đám với thương vụ đầu tư Masan Group trong năm 2017, sau đó thoái vốn và thu về khoảng 209 triệu USD vào đầu tháng 10/2018.
Cũng trong thời gian quỹ thuộc KKR đăng ký giao dịch, Vingroup (HoSE:
VIC) đăng ký bán 100,48 triệu cổ phiếu
VHM để giảm sở hữu xuống 2,23 tỷ đơn vị, tương đương tỷ lệ 66,66% vốn. Mục đích thực hiện nhằm tăng nguồn vốn hoạt động và đầu tư vào các công ty con.
Ngay sau thông tin đăng ký bán của hai tổ chức trên, giá
VHM giảm 11% từ mức kỷ lục 120.000 đồng ngày 13/8 xuống còn 108.100 đóng cửa phiên 20/8. Tạm tính theo giá ngày 20/8, Vingroup có thể thu về 10.862 tỷ đồng từ giao dịch bán cổ phiếu
VHM.
Từ ngày 26/7 đến 11/8, Vinhomes đã bán xong 60 triệu cổ phiếu quỹ và tăng lượng cổ phiếu đang lưu hành lên hơn 3,3 tỷ đơn vị. Theo đó, công ty sẽ trả hơn 5.024 tỷ đồng và phát hành thêm 1 tỷ cổ phiếu mới để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cổ tức tổng tỷ lệ 45%, gồm 15% tiền mặt và 30% cổ phiếu.
Đăng ký giao dịch quỹ đầu tư
HDI Global SE quay lại mua PVI
HDI Global SE đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu CTCP
PVI (HNX:
PVI) từ ngày 19/8 đến 15/9 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 38,7%. Trong khi đó, tại ngày 6/8, quỹ này đã bán thỏa thuận hơn 14 triệu cổ phiếu để hạ lượng nắm giữ xuống 80,5 triệu đơn vị, tương đương 36% vốn như hiện nay.
Nếu giao dịch hoàn tất, HDI Global SE sẽ quay trở lại là cổ đông lớn nhất của
PVI với tỷ lệ sở hữu 38,7%, theo sau đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (36,68%) và tổ chức liên quan đến HDI Global SE là Funderburk Lighthouse Limited (12,08%).
Platinum Victory Pte. Ltd tiếp tục đăng ký mua REE
Platinum Victory Pte. Ltd vừa đăng ký mua gần 12,76 triệu cổ phiếu
REE của CTCP Cơ Điện Lạnh (HoSE:
REE) để nâng số lượng nắm giữ lên hơn 108 triệu cổ phần, tương đương 35% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/8 đến 24/9 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, quỹ ngoại đến từ Singapore đã 7 lần đăng ký mua vào cổ phiếu
REE và chỉ có một lần duy nhất giao dịch được 203.500 cổ phiếu trong tổng số 12,96 triệu đơn vị đăng ký từ 22/7 đến 20/8. Theo đó, Platinum Victory đang nắm giữ 95,41 triệu cổ phiếu
REE, tương đương 30,87%.
Trên thị trường, cổ phiếu
REE có diễn biến khá tích cực trong tuần 16-20/8 trong khi thị trường giảm mạnh. Cổ phiếu này đã tăng 5 phiên liên tiếp, trong đó phiên 18/8 tăng trần. Đóng cửa phiên giao dịch tuần trước, cổ phiếu
REE đứng tại mức giá 61.300 đồng/cp, tăng 25,2% so với đầu năm.
Chuyển động quỹ đầu tư tuần 16-22/8
Samarang Ucits bán DXP
Samarang Ucits vừa bán 246.400 cổ phiếu của CTCP Cảng Đoạn Xá (HNX:
DXP) tại ngày 16/8, thu về khoảng 5,4 tỷ đồng. Động thái bán ra của quỹ đầu tư Luxembourg diễn ra trong bối cảnh giá
DXP tăng trưởng ấn tượng trong một tháng trở lại đây với mức tăng 53%, tương tự bức tranh chung của cổ phiếu ngành cảng biển.
Quỹ ngoại này hiện là cổ đông lớn thứ hai của Cảng Đoạn Xá với 1,64 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tương đương 6,33% vốn. Tạm tính theo mức giá ngày 20/8 là 20.800 đồng/cp, lượng cổ phiếu mà Samarang Ucits đang nắm giữ có giá trị khoảng 34,2 tỷ đồng.
Trái ngược với diễn biến tích cực của giá cổ phiếu, Cảng Đoạn Xá có kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý II khi doanh thu cung cấp dịch vụ bốc xếp hàng hóa, kho bãi… đem về 19,3 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Công ty cho biết doanh thu giảm do sản lượng thông qua cảng trong quý II giảm, qua đó lãi ròng ở mức 11,6 tỷ đồng, thấp hơn 10% cùng kỳ. Sau nửa đầu năm, đơn vị ghi nhận 40,3 tỷ đồng doanh thu và 19,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 38% và 6% cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết việc nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động ổn định từ tháng 9/2020 dẫn đến các nhà máy sản xuất các sản phẩm thép ở miền Bắc chuyển hướng sang sử dụng phần lớn hàng nội địa từ hai nhà máy trên thay cho hàng nhập khẩu. Việc này khiến sản lượng sắt thép nhập khẩu giảm đáng kể, trong khi tăng lượng hàng nội địa thông qua cảng. Tuy nhiên, hàng nội địa là mặt hàng có mức cước xếp dỡ rất thấp, làm giảm mạnh nguồn thu của công ty trong năm nay.