15h00
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,01%) xuống 1.298,74 điểm. Toàn sàn có 145 mã tăng, 228 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,05 điểm (-0,91%) xuống 331,79 điểm. UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,36%) xuống 91,13 điểm.
Thanh khoản tiếp tục giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.985 tỷ đồng, giảm 11,7%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 14,4% và đạt 21.215 tỷ đồng.
Khối ngoại giữ được trạng thái mua ròng trên HoSE đến cuối phiên với giá trị ở mức hơn 130 tỷ đồng.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
14h10
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí vẫn đóng vai trò nâng đỡ thị trường chung. Bên cạnh đó, các mã lớn như MWG, VJC, SAB, VNM... cũng hồi phục trở lại và giúp VN-Index nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu.
VN-Index hiện tăng 2,55 điểm (0,2%) lên 1.301,41 điểm. HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,2%) xuống 334,18 điểm. UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,54%) xuống 90,97 điểm.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,28 điểm (-0,25%) xuống 1.295,58 điểm. Toàn sàn có 106 mã tăng, 266 mã giảm và 31 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,73 điểm (-0,82%) xuống 332,11 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 123 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,74 điểm (-0,81%) xuống 90,72 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương phiên sáng hôm qua với tổng giá trị khớp lệnh đạt 17.344 tỷ đồng, tăng 2%, trong đó, giá trị khớp lên sàn HoSE giảm 0,7% và đạt 13.440 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 117 tỷ đồng trên HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h05
Đà tăng của các chỉ số không duy trì được lâu khi áp lực bán ngờ dâng cao. Nhóm cổ phiếu chứng khoán chịu áp lực mạnh nhất trong đợt rung lắc này. Trong đó, các mã như VIX, VDS hay CTS đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, DSC giảm 13,4%, BMS giảm 9,1%, BVS giảm 8,5%, MBS giảm 7,7%, VND giảm 6,2%...
VN-Index giảm 5,31 điểm (-0,41%) xuống 1.293,55 điểm. HNX-Index giảm 3,11 điểm (-0,93%) xuống 331,73 điểm. UPCoM-Index giảm 0,79 điểm (-0,86%) xuống 90,67 điểm.
9h30
Các chỉ số mở cửa phiên giao dịch ngày 24/8 với sự hồi phục đáng kể, trong đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn hồi phục và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. VN-Index có lúc tăng hơn 8 điểm. Tuy nhiên, lực bán nhanh chóng tăng cao và khiến sắc đỏ quay trở lại, hàng loạt cổ phiếu lớn tiếp tục giảm điểm. Trong đó, VIB tiếp tục mất 2,8% xuống 35.000 đồng/cp, KDC giảm 1,7% xuống 58.500 đồng/cp, BCM giảm 1,7% xuống 44.200 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán sau phiên bùng nổ hôm qua đã điều chỉnh trở lại, trong đó, DSC giảm 7,9%, BVS giảm 6,3%, MBS giảm 4,5%, VIX giảm 4,5%, VDS giảm 4,6%, HCM giảm 2,8%.
Ở hướng ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như PLX, MSN, VNM, NVL, VRE... nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu và phần nào kìm hãm đà giảm của các chỉ số.
Hiện tại, VN-Index giảm 4,34 điểm (-0,33%) xuống 1.294,52 điểm. HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,15%) xuống 334,33 điểm. UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,62%) xuống 90,98 điểm.
VN-Index tiếp tục giảm sâu trước áp lực đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt là nhóm ngân hàng. Thanh khoản thị trường giảm sâu so với phiên thứ sáu tuần trước. Trong khi đó, khối ngoại dù duy trì trạng thái bán ròng trên HoSE nhưng giá trị giảm đáng kể so với phiên trước và còn 382 tỷ đồng.
Chứng khoán Agriseco (AGR) nhận định giai đoạn này lực bán vẫn đang áp đảo, đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khả năng cao lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng trong quý III.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), thị trường có thể trở về vùng 1.280-1.300 điểm trong ngắn hạn.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 23/8, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều tăng. Dow Jones tăng 215,63 điểm, tương đương 0,61%, lên 35.335,71 điểm. S&P 500 tăng 37,86 điểm, tương đương 0,85%, lên 4.479,53 điểm. Nasdaq tăng 227,99 điểm, tương đương 1,55%, lên 14.942,65 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.895,12 điểm thiết lập hôm 5/8.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tăng trong phiên 23/8. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 1,17%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 1,78% còn Topix tăng 1,83%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 1,45%, Shenzhen Component tăng 1,981%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,05%. Hang Seng tuần trước giảm sâu, mất hơn 20% so với đỉnh hồi giữa tháng 2 – đồng nghĩa vào thị trường gấu, do bất ổn liên quan triển vọng các công ty công nghệ Trung Quốc. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,97%. ASX 200 của Australia tăng 0,39%.
Chốt phiên 23/8, giá dầu Brent, WTI đều tăng. Giá dầu Brent tương lai tăng 3,57 USD, tương đương 5,5%, lên 68,75 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 64,6 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 21/5. Giá dầu WTI tương lai tăng 3,5 USD, tương đương 5,6%, lên 65,64 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu đều ghi nhận tuần giảm mạnh nhất 9 tháng với Brent mất giá khoảng 8%, WTI mất khoảng 9%.