15h00
Tương tự như phiên trước, dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dường như vẫn bị bỏ qua. Các cổ phiếu lớn tiếp tục phân hóa mạnh nên khiến các chỉ số có biến động không quá mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,18 điểm (0,24%) lên 1.334,65 điểm. Toàn sàn có 219 mã tăng, 173 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,61 điểm (0,18%) lên 343,42 điểm. Toàn sàn có 146 mã tăng, 69 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (0,26%) lên 94,01 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 25.305 tỷ đồng, giảm 5,8%, trong đó, giao dịch khớp lệnh sàn HoSE giảm 3,9% và đạt 20.898 tỷ đồng. MSN thỏa thuận 19,6 triệu cổ phiếu, trị giá 2.517 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng khoảng 630 tỷ đồng trên HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
14h16
Nhóm cổ phiếu lớn vẫn phân hóa mạnh nên các chỉ số liên tục có những đợt rung lắc và hồi phục đan xen. Trong khi đó, dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu Midcap và Small cap (vốn hóa vừa và nhỏ).
VN-Index tăng 3,72 điểm (0,28%) lên 1.335,19 điểm. HNX-Index tăng 1,57 điểm (0,46%) lên 344,38 điểm. UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (0,1%) lên 93,86 điểm.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,76 điểm (0,36%) lên 1.336,23 điểm. HNX-Index tăng 0,97 điểm (0,28%) lên 343,78 điểm. UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (0,01%) lên 93,78 điểm.
Thanh khoản giảm so với phiên sáng hôm qua, tổng giá trị khớp lệnh đạt 13.579 tỷ đồng, giảm 10,3%. Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 7,2% xuống còn 11.416 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 495 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h29
MSN đi ngang tức vẫn giữ mốc 135.000 đồng/cp. Phiên sáng nay, MSN có giao dịch thỏa thuận hơn 13,1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 1.682 tỷ đồng.
Theo Bloomberg, Ardolis Investment Pte., thuộc quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC), muốn bán 19,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Masan (HoSE: MSN). Theo điều khoản thương vụ, mức giá thỏa thuận trong vùng giá 125.600 – 129.600 đồng/cp, thấp hơn 4-7% so với giá đóng cửa phiên 31/8 là 135.000 đồng/cp. UBS là đơn vị dựng sổ của giao dịch này.
10h55
Nhóm cổ phiếu than biến động tích cực, trong đó, TVD và TC6 đều được kéo lên mức giá trần. CST tăng 11,8% lên 17.000 đồng/cp. TDN tăng 9,1% lên 12.000 đồng/cp, THT tăng 8,1% lên 12.000 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn phân hóa nên trạng thái giằng co của các chỉ số tiếp tục diễn ra. VN-Index hiện tăng chỉ 0,32 điểm (0,02%) lên 1.331,79 điểm. HNX-Index tăng 0,46 điểm (0,13%) lên 343,27 điểm. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 93,73 điểm.
9h50
Sau khoảng thời gian đầu thận trọng, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thuộc ngành phân bón, than, bất động sản khu công nghiệp... dần biến động tích cực hơn. Đối với nhóm phân bón, VAF được kéo lên mức giá trần. DCM tăng 3%, BFC tăng 2,2%. Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, ITA tăng 4,5%, TIP tăng 4,1%, D2D tăng 2,6%, SIP tăng 2,2%.
9h45
Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 1/9 sự rung lắc đã diễn ra ở các chỉ số khi nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa mạnh. Trong đó, các cổ phiếu như HVN, PDR, VJC, ACV, MWG, VCB, SAB, GAS... đều chìm trong sắc đỏ. HVN giảm 1,4%, PDR giảm 1,7%, VJC giảm 1,3%, VCB giảm 1%.
Ở hướng ngược lại, ACB, VHM, CTG, PLX... là các cổ phiếu lớn còn giữ được sắc xanh và giúp nâng đỡ các chỉ số. Trong đó, ACB tăng 1,2%, VHM tăng 1,1%, CTG tăng 1,1%...
Hiện tại, VN-Index giảm 0,22 điểm (-0,02%) xuống 1.332,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 124 triệu cổ phiếu, trị giá 3.950 tỷ đồng. HNX-Index tăng 0,82 điểm (0,24%) lên 343,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,7 triệu cổ phiếu, trị giá 505 tỷ đồng. UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (0,3%) xuống 93,49 điểm.
Thị trường chứng khoán biến động có phần giằng co phân hóa trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8. Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 26.874 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó, giao dịch khớp lệnh sàn HoSE chiếm 21.736 tỷ đồng, tăng 9,7%. Theo dữ liệu của FiinTrade, giá trị giao dịch của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (VNMID) lần đầu tiên vượt nhóm vốn hóa lớn VN30 trong năm 2021.
Khối ngoại biến động vẫn khá tiêu cực khi bán ròng gần 98 tỷ đồng trên toàn thị trường ở phiên 31/8.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), thị trường nhiều khả năng sẽ duy tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng 1.330 điểm trước khi hướng về ngưỡng 1.350 điểm trong các phiên giao dịch tới.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng VN-Index có thể sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.340 – 1.345 điểm. Đồng thời, dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền sẽ tiếp tục hướng đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 31/8, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm. Dow Jones giảm 39,11 điểm, tương đương 0,11%, xuống 35.360,73 điểm. S&P 500 giảm 6,11 điểm, tương đương 0,13%, xuống 4.522,68 điểm. Nasdaq giảm 6,66 điểm, tương đương 0,04%, xuống 15.259,24 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trái chiều trong phiên 31/8. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 1,34%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 1,08% còn Topix tăng 0,54%. Thị trường Trung Quốc trái chiều với Shanghai Composite tăng 0,45%, Shenzhen Component giảm 0,659%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,33%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,75%. ASX 200 của Australia tăng 0,41%.
Chốt phiên 31/8, giá dầu Brent, WTI đều giảm. Giá dầu Brent tương lai giảm 42 cent, tương đương 0,6%, xuống 72,99 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 71 cent, tương đương 1%, xuống 68,5 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3.