• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,53 -3,56/-0,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,53   -3,56/-0,29%  |   HNX-INDEX   220,67   -1,01/-0,46%  |   UPCOM-INDEX   93,08   +0,24/+0,26%  |   VN30   1.309,72   -5,09/-0,39%  |   HNX30   459,01   -2,79/-0,60%
22 Tháng Giêng 2025 5:53:46 CH - Mở cửa
Bức tranh lỗ, lãi 6 tháng của nhiều doanh nghiệp sau soát xét
Nguồn tin: Người đồng hành | 23/09/2021 8:43:28 SA
Nhiều doanh nghiệp sau soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2021 đã có lợi nhuận tăng đột biến so với BCTC tự lập.
Nhiều đơn vị lại ghi nhận lợi nhuận giảm sâu so với trước soát xét.
Kiểm toán trên BCTC bán niên soát xét đã nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của nhiều doanh nghiệp.
 
Thống kê khoảng 600 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính bán niên xoát xét năm 2021 có rất nhiều đơn vị báo cáo lợi nhuận sau xoát xét tăng so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên cũng không ít công ty bị giảm lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp còn chuyển từ đang có lãi sang lỗ và nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động.
 
Doanh nghiệp tăng lãi, giảm lỗ sau soát xét
 
Trong danh sách các doanh nghiệp có lợi nhuận sau soát xét tăng mạnh so với báo cáo tự lập, Xây lắp điện I (HoSE: PC1) gây bất ngờ nhất khi lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tại báo cáo soát xét đạt 406 tỷ đồng, tăng 94% so với kết quả tự lập, tương đương mức tăng gần 200 tỷ đồng. Theo giải trình, công ty đã ghi nhận giá trị khoản đầu tư vào Khoáng sản Tấn Phát khi chuyển khoản đầu tư từ công ty liên kết thành công ty con theo giá trị ghi sổ. Trong BCTC hợp nhất bán niên đã kiểm toán, khoản đầu tư này được ghi nhận theo giá trị hợp lý nên phát sinh lãi từ việc đánh giá lại khoản đầu tư. Theo đó, doanh thu tài chính soát xét gấp 11 lần số liệu tự lập, lên hơn 286 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, hai trường hợp là Gelex (HoSE: GEX) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UPCoM: VGT) đều có lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2021 sau soát xét tăng khá mạnh so với báo cáo tự lập với lần lượt 10,2% và 30,8%. Tuy nhiên, khác với PC1, lợi nhuận sau thuế của cả Gelex và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đều biến động không đáng kể sau soát xét. Thay vào đó, cả hai đơn vị này có sự điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ nhưng giảm phần lãi thuộc về cổ đông không kiểm soát. Cụ thể, phần lợi nhuận sau thuế cổ đông không kiểm soát của Gelex giảm 18% so với báo cáo tự lập xuống 221 tỷ đồng. Tương tự, khoản lợi nhuận này của Tập đoàn Dệt may Việt Nam giảm 32% xuống hơn 203 tỷ đồng.
 
Một doanh nghiệp khác cũng có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên 100 tỷ đồng và chênh lệch lớn so với báo cáo tự lập là Transimex (HoSE: TMS). Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của đơn vị này đạt 227,4 tỷ đồng, tăng 22,5% so với trước soát xét, trong đó, phần lãi của cổ đông công ty mẹ tăng 23% lên 215 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trong kỳ công ty được giảm chi phí thuế thu nhập hoãn lại là gần 26,4 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính tăng thêm 50,8% lên 31,2 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên kết tăng 8,7% lên 104,7 tỷ đồng.

 
Các doanh nghiệp có lợi nhuận ròng 6 tháng sau soát xét tăng trên 10% so với báo cáo tự lập.
 
Hai doanh nghiệp có lợi nhuận chênh lệch lớn nhất theo chiều tăng là Đầu tư và PT doanh nghiệp Việt Nam (HNX: FID) và Sông Đà 3 (UPCoM: SD3) với 370% và 123%. Tuy nhiên, tính theo giá trị tuyệt đối thì lợi nhuận của 2 đơn vị này là khá thấp với chỉ 1,27 tỷ đồng (trước soát xét là 220 triệu đồng) và 2,2 tỷ đồng (trước soát xét là 470 triệu đồng).

 
Các doanh nghiệp giảm lỗ sau soát xét.
 
Tổng Công ty Phát điện 2 (Genco2, UPCoM: GE2) có số lỗ giảm nhiều nhất sau soát xét với 62%. Sau 6 tháng, công ty lỗ gần 92 tỷ đồng, trong khi mức lỗ của báo cáo tự lập là gần 243 tỷ đồng. Genco2 giải trình thay đổi này do lãi sau thuế công ty mẹ điều chỉnh tăng 168 tỷ đồng, tương ứng gần 9% so với trước soát xét. Điều này chủ yếu do doanh thu điều chỉnh tăng 172 tỷ đồng vì điều chỉnh tăng doanh thu quyết toán tiền điện của nhà máy nhiệt điện Cần Thơ và Ô Môn theo giá dịch vụ phụ trợ chính thức năm 2021 được Bộ Công Thương phê duyệt so với giá tạm tính; và một số khoản doanh thu khác để phục vụ quyết toán cổ phần hóa trước khi bàn giao sang công ty cổ phần ngày 1/7.
 
Các doanh nghiệp báo lãi giảm, chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán
 
Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) là doanh nghiệp lớn hiếm hoi có sự chênh lệch giữa lợi nhuận ròng ở mức cao giữa báo cáo nửa đầu năm 2021 trước và sau soát xét. Trong đó, báo cáo tài chính tự lập ACV lãi sau ròng 1.371 tỷ đồng, nhưng con số này sau soát xét hụt còn 1.202 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 12,3%. Nếu tính về con số tuyệt đối, thì mức giảm lợi nhuận trên là hơn 169 tỷ đồng, cao nhất so với mức chênh lệch của các đơn vị trên sàn theo chiều giảm.
 
Trong đó, doanh thu giảm 1,4%. Theo giải trình, doanh thu giảm chủ yếu do chính sách giảm giá của ACV để hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ 1/5. Mặt khác, chi phí tài chính biến động do điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Hàng hoá Hàng không Việt Nam sau khi phát hành cổ phiếu cho người lao động dẫn đến tỷ lệ sở hữu của ACV tại công ty giảm, không đủ điều kiện hợp nhất theo quy định. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp trên BCTC soát xét biến động tăng so với trước soát xét chủ yếu do trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi.
 
Tương tự, lợi nhuận của Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) cũng giảm 23% từ 210 tỷ đồng xuống 162 tỷ đồng. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến điều này là do doanh thu tài chính giảm 12,5 tỷ đồng. Theo giải trình, trong kỳ, NBB đã tiến hành hoạt động thoái vốn ngoài ngành và ghi nhận 12,5 tỷ đồng vào doanh thu tài chính tuy nhiên theo thông tư 202/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính về hướng dẫn lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, công ty kiểm toán đã yêu cầu khoản lợi nhuận sau khi thoái vốn của cổ đông không nắm quyền kiểm soát không được đưa vào kết quả kinh doanh trong kỳ. Kiểm toán đã điều chỉnh giảm doanh thu tài chính dẫn đến giảm lợi nhuận sau thuế.

 
Các doanh nghiệp có lợi nhuận ròng 6 tháng sau soát xét giảm trên 10% so với báo cáo tự lập.
 
Tập đoàn Nhựa Đông Á (HoSE: DAG), Vinaconex 21 (HNX: V21) và Điện tử và Tin học Việt Nam (UPCoM: VEC) là các đơn vị chuyển lãi thành lỗ sau soát xét. Đối với Tập đoàn Nhựa Đông Á, công ty lỗ ròng gần 4,8 tỷ đồng sau 6 tháng (trước soát xét lãi 3,6 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm 6%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đến 49%.
 
 
Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp tăng thêm khoản lỗ sau soát xét như Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF) từ mức lỗ 832 triệu đồng lên 7,7 tỷ đồng. Cà Phê Gia Lai (UPCoM: FGL) cũng báo lỗ ròng tăng thêm 123% sau soát xét. Tương tự, lỗ ròng của Dầu khí Phương Đông (HNX: PDC) tăng từ 2,5 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng (96%).
 
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
 
Không chỉ có lợi nhuận biến động mạnh, không ít các doanh nghiệp bị kiểm toán nghi ngờ hoạt động liên tực trên báo cáo tài chính bán niên soát xét. Đơn cử như Thép Pomina (HoSE: POM), kiểm toán nhấn mạnh về khoản nợ phải trả ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền hơn 350 tỷ đồng tại thời điểm 30/6. Điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này. Kết thúc 6 tháng đầu năm, POM lãi sau thuế gần 195 tỷ đồng, giảm 3,6% so với báo cáo tự lập.
 
Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) cũng bị kiểm toán nhấn mạnh về hoạt động liên tục do cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền hơn 2.410 tỷ đồng. Các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ 3. 
 
Ngoài ra còn phải kể đến các doanh nghiệp như Tập đoàn Đại Dương (HoSE: OGC), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG), VOS của Vận tải biển Việt Nam (Vosco - HoSE: VOS), Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, HoSE: FTM), Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB)...
 
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên soát xét đã qua nhưng vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chưa công bố báo cáo tài chính bán niên. Tình trạng doanh nghiệp xin gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính không phải hiếm gặp. Hơn thế, với bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều doanh nghiệp chậm công bố như Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Sài Gòn Telecom, HoSE: SGT), Vietnam Airlines (HoSE: HVN)... Theo quy định hiện hành về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính bán niên trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý II (muộn nhất vào ngày 15/8). Rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện xin hoãn, gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.